Y học và đời sống

Cùng lúc đặt 6 stent cứu bệnh nhân hẹp tắc động mạch vành

Lần đầu tiên với sự phối hợp cùng chuyên gia Pháp, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đặt cùng lúc 6 stent cho bệnh nhân bị hẹp tắc động mạch vành  nặng.

Thăm khám cho bệnh nhân Thanh sau đặt stent.

Có đoạn hẹp tắc 99%

Ông Trần Đình Thanh , 69 tuổi (Thủy An, Đông Triều, Quảng Ninh) nhập viện  ngày 12/4 trong tình trạng đau thắt ngực trái, đau thành cơn kéo dài từ 4-5 phút. Sau khi tiến hành thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị thiếu máu cục bộ cơ tim do bệnh lý mạch vành và được chỉ định chụp mạch vành xâm lấn qua da đánh giá mức độ tổn thương để có hướng can thiệp.

Sau khi tiến hành chụp mạch vành trên hình ảnh DSA cho thấy: người bệnh bị xơ vữa, tổn thương nhiều đoạn của hệ động mạch bao gồm động mạch liên thất trước, động mạch mũ, động mạch vành phải, thân chung động mạch vành trái. Trong đó đoạn hẹp, tắc lớn nhất là từ 90 – 99%. Hầu hết những trường hợp hẹp tắc như vậy phải tiến hành làm cầu nối động mạch vành.

Ngay lập tức các bác sĩ khoa Nội Tim – Mạch, bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã kết hợp cùng TS.BS Jacques Ballout chuyên về lĩnh vực Tim mạch và Can thiệp động mạch vành đến từ Cộng hòa Pháp hội chẩn và tiến hành đặt 6 Stent để cứu sống bệnh nhân.

Vô cùng khó khăn

Theo ThS.BS Hoàng Minh Quang – Phó Trưởng Khoa Nội Tim – Mạch, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết, bệnh viện đã tiến hành đặt stent điều trị cho 11 trường hợp có bệnh lý hẹp, tắc mạch vành. Việc tiến hành đặt từ 1-3 stent mạch vành được bệnh viện thực hiện thường quy cho người bệnh. Nhưng đây là lần đầu tiên bệnh viện tiến hành đặt cùng lúc 6 stent trên người bệnh bị hẹp tắc mạch vành mức độ nặng.

Cũng theo ThS.BS Hoàng Minh Quang, việc đặt từ 1 – 3 stent động mạch vành trên cùng một người bệnh đã khó, việc đặt cùng lúc 6 stent cho người bệnh lại càng khó khăn. Trong suốt quá trình tiến hành can thiệp các bác sĩ phải kiểm soát tốt huyết áp, áp lực mạch máu, nhịp tim, tình trạng đau ngực cho người bệnh… Chỉ cần 1 sơ suất nhỏ cũng có thể gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.

Hơn nữa, bệnh nhân Thanh có tiền sử đái tháo đường và đã có lần bị xuất tiêu hóa do loét dạ dày. Do vậy, việc theo dõi và điều trị cho bệnh nhân Thanh cần tiến hành chặt chẽ vì có thể xảy ra xuất huyết tiêu hóa do sử dụng thuốc chống đông, gây nguy hiểm cho người bệnh.

Sau gần 2 giờ tiến hành can thiệp, các bác sĩ đã tiến hành đặt thành công cùng lúc 6 stent cho người bệnh. Hiện tại, người bệnh ổn định: không còn tình trạng đau ngực, không khó thở, người bệnh ăn uống đi lại, sinh hoạt ổn định và đã được xuất viện.

Nhật Hà

BẢN DESKTOP