Bình luận

Cục phó mất trộm gần 400 triệu: Tình ngay, lý gian

Theo LS Văn Trường Chinh, đang đi thanh tra các doanh nghiệp mà bị mất trộm số tiền lớn như vậy khiến dư luận có quyền nghi ngờ về nguồn gốc của số tiền ấy. Liệu có phải là tiền sạch không?

LS Văn Trường Chinh, Trưởng văn phòng Luật sư Nhân Nghĩa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Những điều không bình thường

Ngày 27/9, Cục phó Cục kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, Tổng cục Môi trường Nguyễn Xuân Quang báo bị mất gần 400 triệu đồng tại khách sạn ở Long An. Thời điểm này, ông đang làm trưởng đoàn thanh tra môi trường với 30 doanh nghiệp trên địa bàn, dự kiến kéo dài từ 21/9 đến 11/10. Mất số tiền lớn khi đang thực hiện công việc thanh tra, điều này làm dư luận đặt ra nhiều câu hỏi. Theo ông thì người ta có thể suy ra những điều gì từ câu chuyện này?

Không cần phải là một người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ mà chỉ cần là một người bình thường cũng có thể đặt ra những câu hỏi. Đi công tác thì đem theo số tiền lớn như vậy để làm gì? Phải chăng tranh thủ đi công tác kiếm tiền để chuyển cho người thân rồi bị trộm mất.

Nếu đúng vậy thì thật ái ngại cho người bị hại. Dù điều đó là thật hay không thì cũng rất ảnh hưởng cho người này và cho cơ quan họ. Bởi người ta dễ nghi ngờ số tiền đó không phải là tiền “sạch”.

Như giải thích của ông Nguyễn Xuân Quang thì đó là tiền cá nhân. Nếu thế thì oan quá?

Anh đi công tác và đang làm trưởng đoàn thanh tra các doanh nhiệp, rồi có số tiền rất lớn là không bình thường. Hành vi sau đó, khi khai báo với công an cũng không bình thường: Tiền mất cụ thể bao nhiêu, loại tiền gì, sao lại có khoản tiền USD gửi ngân hàng? Các phong bì chưa bóc – trong đó có gì?

Tất cả đều là nghi ngờ và sự nghi ngờ là chính đáng. Các cơ quan cần vào cuộc để làm rõ, minh oan cho ông cục phó nếu ông ấy bị oan, cho dư luận câu trả lời khách quan nhất.

Hiện có quy định nào về việc đi thanh tra thì không được mang theo nhiều tiền?

Luật thanh tra không qui định việc đi thanh tra là không được mang theo nhiều tiền. Để chống tiêu cực thì có một số ngành có qui định, như Bộ công an qui định cảnh sát giao thông khi đi làm nhiệm vụ không được mang theo quá 100.000đ; hay cơ quan Hải quan qui định số ngoại tệ được mang theo người khi đi nước ngoài và qui định việc kê khai số tiền mang theo khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Thế thì việc ông cục phó đi thanh tra đem theo số tiền lớn ấy cũng là hợp pháp, đâu có gì phải nghi ngờ?

Người ta không nghi ngờ hay đổ vạ cho ông ấy mà người ta đặt ra những câu hỏi dựa vào những tình tiết bất thường. Ví dụ như việc ông Nguyễn Xuân Quang cho rằng không nên ầm ĩ đưa báo chí vào cuộc lại càng làm cho dư luận nghi ngờ, suy đoán đó càng không phải là tiền sạch. Nếu là trung thực ông Quang cần hợp tác với cơ quan công an và càng phải công khai để thể hiện tính trong sạch của mình.

Ngày 2/10, Công an TP Tân An (tỉnh Long An) cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Tân An chính thức quyết định khởi tố vụ án trộm cắp tài sản xảy ra tại khách sạn T.V (tọa lạc đường Hồ Văn Long, phường 2, TP Tân An) để phục vụ công tác điều tra, truy xét nghi can. Bị hại là ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường-Tổng Cục Môi trường. Theo cơ quan CSĐT, tài sản mất cắp được xác định là 385 triệu đồng, 1 máy laptop. Ngoài số tiền mặt, tiền USD, giấy tờ cá nhân mà ông Quang trình báo mất, còn một số vật chứng khác (phong bì) do báo chí phản ánh cũng được ghi nhận trong biên bản khám nghiệm hiện trường.

Tìm bằng được bất thường

Liệu có hay không sự trùng hợp trong trường hợp này, theo ông?

Nếu tính xác xuất thì rõ ràng là có. Nhưng đúng là “tình ngay, lý gian”, kể cả ông có trong sạch thì người ta cũng có quyền nghi ngờ. Nếu trong sạch thì cứ yên tâm là các cơ quan chức năng sẽ minh oan, người ta sẽ lại nhìn nhận ông như một công chức mẫn cán.

Ngược lại thì sẽ là một sự xấu hổ. Đi thanh tra kiểu dọa dẫm rồi nhận tiền, xí xóa cho qua thì thanh tra cái nỗi gì. Đáng buồn là kiểu thanh tra này cũng không phải là hiếm.

Làm thế nào để sáng tỏ tiền này từ đâu?

Cơ quan có thẩm quyền phải làm đến cùng, yêu cầu đương sự phải giải trình đến cùng. Báo chí cũng phải theo dõi đến cùng. Khi các cơ quan chức năng chưa đưa ra kết luận thì dư luận cũng không nên quy kết.

Nhưng những dấu hiệu đáng ngờ cần phải được làm rõ, mang tính thuyết phục. Trước tiên là cần kiểm tra lại tất cả các kết luận tại những đơn vị mà ông Cục phó đến kiểm tra. Phải có một đoàn công tác trung thực khách quan đi rà soát lại toàn bộ các kết luận đó.

Kết luận như thế nào thì được coi là bất thường?

Giả sử doanh nghiệp có gây ô nhiễm mà kết luận lại bảo không thì rõ ràng là không trung thực. Hoặc ô nhiễm mức độ 5 thì thanh tra lại ghi chỉ ở mức 1 thì phải xem lại.

Để làm được thì phải có những người thực sự trung thực, khách quan, làm việc độc lập, không sức ép. Các đơn vị được kiểm tra cũng cần phải quán triệt làm đúng, không có cái kiểu bồi dưỡng tiền đi lại, ăn uống… cho đoàn.

Thanh tra lại các doanh nghiệp đã thanh tra mà có tiêu cực thì hẳn là rất buồn?

Đúng thế, đó sẽ là bài học cho các cán bộ khác khi thực thi công vụ. Đồng thời đây cũng là dịp để chúng ta xiết lại công tác thanh tra, thực thi pháp luật, không để cán bộ lợi dụng thanh tra làm lợi cho bản thân.

Không dại gì nói là tiền biếu

Trước đây cũng có một số trường hợp cán bộ bị mất tiền nơi làm việc. Qua đó người ta mới biết cán bộ có nhiều tiền cỡ nào. Sẽ thật oan nếu cứ thấy cán bộ có nhiều tiền là nghĩ rằng tiền đó do được biếu xén?

Hiện tượng cán bộ bị mất tài sản lớn tại nơi làm việc không phải là ít. Cả trường hợp bị đột quỵ, người ta cũng phát hiện phòng làm việc của cán bộ có nhiều tài sản. Vậy các tài sản này ở đâu mà có ? Người thì nói do ki cóp cả đời, người lại cho rằng do bán nhà bán đất, cất ở nhà không yên tâm…

Có một điều chắc chắn rằng không ai dại gì mà nói đó là tiền biếu xén cả, dù đó là “lộc”, là quà tặng, quà biếu hay bất cứ nguồn nào. Tuy nhiên làm công tác cán bộ, cơ quan quản lý không thể không đặt dấu hỏi về khoản tiền đó.

Ông vừa nói là có nhiều trường hợp như thế?

Vấn đề trên dù là hiện tượng, nhưng mà là hiện tượng phổ biến.

Làm thế nào để cán bộ không rơi vào cảnh “tình ngay, lý gian”, dư luận cũng không mất công nghi ngờ khi có sự việc tương tự?

Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới nhà nước xây dựng và sửa đổi luật phòng chống tham nhũng cần phải bổ sung các vấn đề nêu trên. Ví dụ qui định cán bộ đi công tác trong nước không được mang theo người quá 10.000.000 đồng, nếu mang theo quá số đó phải báo cáo cơ quan chủ quản. Không được lưu giữ lượng tiền, vàng lớn tại nơi làm việc mà phải gửi vào ngân hàng, quĩ tiết kiệm. Như thế vừa chống mất mát và ngăn chặn tiêu cực.

Không để cơ quan thì để ở nhà, ai dại gì khai báo?

Nếu thế thì phải qui định bắt buộc, nếu lưu giữ là vi phạm kỷ luật. Trường hợp bị phát hiện ra sẽ xử lý thật nặng. Làm được như vậy thì sẽ quản lý được nguồn tiền, hạn chế tham nhũng. Tất nhiên người ta sẽ có cách này cách khác để lách, ví dụ như để ở nhà người quen. Nhưng ít nhiều biện pháp đó cũng có tác dụng ngăn chặn một phần tham nhũng.

Xin cảm ơn ông!

Tô Hội (thực hiện)

BẢN DESKTOP