Làm đẹp

Công ty Xuất nhập khẩu Kavr bị thu hồi 8 mỹ phẩm

  • Tác giả : Hữu Thông
Do vi phạm trong kinh doanh mỹ phẩm, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kavr (gọi tắt là Công ty Xuất nhập khẩu Kavr) bị Thanh tra Bộ Y tế phạt tiền, buộc thu hồi, tiêu huỷ nhiều sản phẩm mỹ phẩm.

Nhiều lần bị xử phạt, thu hồi sản phẩm

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kavr có địa chỉ 30/9C, đường số 19, Khu phố 9, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP HCM, do ông Trần Văn Hội làm Giám đốc.

Theo Quyết định số 21/QĐ-XPHC, ngày 20/6 của Thanh tra Bộ Y tế, Công ty Xuất nhập khẩu Kavr bị phạt 75 triệu đồng vì vi phạm hành chính kinh doanh mỹ phẩm có công thức không đúng với hồ sơ công bố đã được phê duyệt.

Quyết định xử phạt Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kavr của Thanh tra Bộ Y tế. Ảnh chụp màn hình.

Cụ thể, công ty vi phạm quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 71, Nghị định số 117/2020/NĐ- CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Thanh tra Bộ Y tế áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đối với Công ty Xuất nhập khẩu Kavr là thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với 8 sản phẩm mỹ phẩm, đồng thời buộc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm mỹ phẩm.

Cơ quan chức năng yêu cầu Công ty Xuất nhập khẩu Kavr phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt. Nếu quá thời hạn mà không chấp hành, công ty sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

Trước đó, cuối tháng 5/2024, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ban hành liên tiếp 2 quyết định gồm thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy mỹ phẩm có thành phần ghi trên nhãn không đúng với Phiếu công bố đối với 8 sản phẩm mỹ phẩm do Công ty Xuất nhập khẩu Kavr đứng tên công bố và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường.

Những sản phẩm trên gồm: Roja Parfums Amber Aoud Parfum (số công bố 143753/21/CBMP-QLD, tiếp nhận ngày 25/2/2021), Roja Parfums Diaghilev Parfum (số công bố 143816/21/CBMP-QLD, tiếp nhận ngày 25/2/2021), Histoires De Parfums Ceci N'est Pas Un Flacon Bleu - This Is Not A Blue Bottle 1/.6 Eau De Parfum (số công bố 154249/21/CBMP-QLD, tiếp nhận ngày 21/7/2021), Histoires de Parfums 1740 Eau de Parfum (số công bố 154325/21/CBMP-QLD, tiếp nhận ngày 21/7/2021), Histoires de Parfums 1804 Eau de Parfum (số công bố 154326/21/CBMP-QLD, tiếp nhận ngày 21/7/2021), Liquides Imaginaires Navis Eau De Parfum (số công bố 170088/22/CBMP-QLD, tiếp nhận ngày 17/5/2022), Liquides Imaginaires Bello Rabelo Eau de Parfum (số công bố 170091/22/CBMP-QLD, tiếp nhận ngày 17/5/2022), Liquides Imaginaires Ile Pourpre Eau de Parfum (số công bố 170096/22/CBMP-QLD, tiếp nhận ngày 17/5/2022).

Ngoài ra, trong danh sách xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực dược - mỹ phẩm - trang thiết bị y tế từ ngày 23/5/2023 đến 30/6/2023, do Thanh tra Sở Y tế TP HCM công bố ngày 5/7/2023, Công ty Xuất nhập khẩu Kavr bị phạt 17,5 triệu đồng do thực hiện hành vi nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Thanh tra Sở Y tế buộc Công ty xuất nhập khẩu Karv phải nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định. Buộc thu hồi hàng hóa và ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông.

8 sản phẩm mỹ phẩm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kavr bị thu hồi, tiêu hủy. Ảnh chụp màn hình.

Không khuyến cáo người tiêu dùng về sản phẩm thu hồi?

Khảo sát ngày 26/4 trên trang thương mại điện tử Vua hàng hiệu (địa chỉ https://vuahanghieu.com), nhiều loại nước hoa dòng Roja Parfums được quảng cáo rất… “kêu” như “phong cách sang trọng, lôi cuốn, nhẹ nhàng”. Cụ thể, nước hoa Roja Parfums Amber Aoud Parfum (100 ml) được chào bán giá 11,5 triệu đồng; nước hoa Roja Parfums Diaghilev Parfum (100 ml) hơn 16 triệu đồng…

Trên trang thương mại điện tử VILIP (địa chỉ https://vilip.vn), nước hoa Roja Parfums Amber Aoud Parfum rao bán giá từ hơn 2 triệu đồng đến 18,5 triệu đồng; nước hoa Roja Parfums Diaghilev Parfum giá từ 2,650 triệu đồng đến 22,5 triệu đồng…

Dù sản phẩm được quảng cáo ở nhiều nơi, chưa thấy trang mạng nào có thông tin khuyến cáo người tiêu dùng về sản phẩm bị thu hồi? Điều này khiến khách hàng hoang mang, lúng túng trước lo ngại không may đã dùng mỹ phẩm thuộc diện thu hồi.

Sản phẩm Roja Parfums Amber Aoud Parfum được rao bán trên trang thương mại điện tử Vua hàng hiệu. Ảnh chụp màn hình.

Anh Phan Công Lực (45 tuổi, TP HCM) chia sẻ, qua báo chí, anh mới biết thông tin 8 mỹ phẩm của Công ty Xuất nhập khẩu Kavr bị thu hồi, tiêu hủy nên rất hoang mang. “Nếu không may dùng phải sản phẩm thuộc diện bị thu hồi, tiêu hủy, có bị ảnh hưởng sức khỏe không?”, anh Lực đặt câu hỏi.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thu Giang (31 tuổi, TP HCM) băn khoăn, nhiều người tiêu dùng không thể biết mỹ phẩm mình sử dụng có chứa thành phần gì. “Khi mua, nhiều khách chủ yếu dựa trên uy tín, thương hiệu, ít khi chú ý thành phần của sản phẩm", anh Minh bày tỏ.

Chuyên gia khuyến cáo

Trao đổi về thắc mắc của những khách hàng nêu trên, BSCKII Trần Ngọc Phương, Khoa Thẩm mỹ da - Bệnh viện Da liễu (TP HCM) - cho hay, mỹ phẩm được xem là các sản phẩm làm đẹp như dầu gội, sơn móng tay, sản phẩm trang điểm, dưỡng da, nước hoa...

Tại Bệnh viện Da liễu, trung bình mỗi tháng, 60 - 80 bệnh nhân dị ứng mỹ phẩm đến điều trị. Trong đó, bệnh nhân thường gặp là sử dụng các nhóm hoạt chất AHA, BHA hoặc retinol điều trị mụn, sạm, nám… Đây là những sản phẩm dễ gây kích ứng da, nếu sử dụng không đúng cách, nồng độ không hợp lý, dễ xảy ra những vấn đề như viêm, loét, bong tróc, nhiễm trùng, tăng sắc tố da…

Bác sĩ Phương cho rằng, mỹ phẩm an toàn không nhất thiết phải đắt tiền mà là sản phẩm phù hợp loại da, được sử dụng đúng cách, liều lượng. Nếu làn da nhạy cảm, sản phẩm đắt tiền cũng có khả năng gây dị ứng. Do đó, khi sử dụng sản phẩm mới, người dùng phải tìm hiểu kỹ thành phần. Trong đó, chất bảo quản và tạo mùi dễ gây dị ứng nhất.

"Dị ứng mỹ phẩm có 2 dạng kích ứng và dị ứng từ nhẹ đến nặng. Triệu chứng nhẹ là hơi ngứa, bỏng rát da, sưng nề, nổi mề đay; nặng sẽ rộp nước, nhiễm trùng, thậm chí nhiễm trùng toàn thân, sốc phản vệ. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong", bác sĩ Phương cảnh báo.

Theo bác sĩ Trần Thị Phượng, Khoa Da liễu - Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM), thời gian qua, nhiều trường hợp dị ứng mỹ phẩm đến khám, điều trị. Dị ứng mỹ phẩm mà không được điều trị đúng cách sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng da, loét hoặc mưng mủ.

"Một số trường hợp sử dụng kem có chứa Corticoid kéo dài, dẫn đến da bị ‘nghiện’ corticoid, không dám dừng vì da khó chịu, nổi mụn. Hậu quả là da ngày càng sạm nám, teo, giãn mạch. Những trường hợp này phục hồi nền da rất chậm và tốn kém", bác sĩ Phượng thông tin thêm.

Theo luật sư Nguyễn Văn Lập (Đoàn Luật sư TP HCM), khoản 1, Điều 46 Thông tư số 06/2011/TT-BYT quy định, thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm trong các trường hợp: Mỹ phẩm lưu thông có 2 lô không đạt chất lượng do cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng mỹ phẩm kết luận; mỹ phẩm lưu thông có công thức không đúng như hồ sơ đã công bố; mỹ phẩm lưu thông có nhãn ghi sai lệch nguồn gốc, xuất xứ; mỹ phẩm lưu thông có nhãn ghi sai lệch bản chất tính năng vốn có của sản phẩm; mỹ phẩm không an toàn cho người sử dụng; mỹ phẩm lưu thông có chứa thành phần chất cấm sử dụng trong mỹ phẩm, các chất có nồng độ, hàm lượng vượt quá giới hạn cho phép.

Những trường hợp khác là mỹ phẩm bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kết luận là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc mạo nhãn của sản phẩm khác đã được phép lưu hành; mỹ phẩm bị cấm lưu hành ở nước sở tại; tổ chức, cá nhân đưa sản phẩm ra thị trường có văn bản đề nghị thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; không có hồ sơ thông tin sản phẩm (PIF) xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định; giả mạo tài liệu, sử dụng con dấu giả hoặc giả mạo chữ ký, dấu của cơ quan chức năng Việt Nam hoặc nước ngoài, của nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm; kê khai không trung thực các nội dung trong phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Căn cứ quy định tại khoản 3, Điều 71 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2021/NĐ-CP) xử phạt vi phạm quy định về mua bán mỹ phẩm trong hoạt động kinh doanh mỹ phẩm, thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường, nếu thực hiện hành vi kinh doanh mỹ phẩm có công thức không đúng với hồ sơ công bố đã được duyệt, sẽ bị phạt 30 - 40 triệu đồng.

Mức phạt này đồng thời áp dụng với các hành vi: Kinh doanh mỹ phẩm có thành phần chất cấm sử dụng trong mỹ phẩm hoặc vượt quá giới hạn cho phép đối với chất có quy định giới hạn nồng độ, hàm lượng sử dụng theo quy định của pháp luật; kinh doanh mỹ phẩm không có hoặc không xuất trình hồ sơ thông tin sản phẩm (PIF) trong thời hạn theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền; không thực hiện thu hồi mỹ phẩm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; kinh doanh mỹ phẩm có hồ sơ thông tin sản phẩm (PIF) nhưng không đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, cơ sở vi phạm còn bị buộc thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm và bị kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Hữu Thông

BẢN DESKTOP