Khoa học & Công nghệ

Công nghệ cảnh báo mưa, lũ quét

  • Tác giả : Hà Bình
(khoahocdoisong.vn) - Những công nghệ hiện đại nhất để cảnh báo mưa lớn, lũ quét… đều đang được áp dụng ở Việt Nam, nhưng việc cảnh báo sớm và chính xác vẫn còn nhiều thách thức.

Những công nghệ hiện đại nhất để cảnh báo mưa lớn, lũ quét… đều đang được áp dụng ở Việt Nam, nhưng việc cảnh báo sớm và chính xác vẫn còn nhiều thách thức.

Có công nghệ vẫn khó dự báo

Ông Hoàng Phúc Lâm, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hiện các công nghệ dự báo tiên tiến nhất là công nghệ của các nước Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức. Đối với dự báo mưa có thể kể đến các phầm mềm như IFS của Trung tâm dự báo thời tiết hạn vừa Châu Âu (ECMWF); GSM của Cơ quan khí tượng Nhật bản, GFS của Hoa Kỳ … các phần mềm này có khả năng tính toán dự báo hầu hết các yếu tố khí tượng với độ phân giải rất cao. Đối với cảnh báo sớm lũ quét có thể kế đến hệ thống cảnh báo lũ quét FFGS của Hoa Kỳ, Nhật Bản...

Hệ thống cảnh báo lũ quét của các nước phát triển trên thế giới đều dựa trên cơ sở có mạng lưới quan trắc tự động dày đặc về mưa, về dòng chảy, quan trắc chuyển động của dòng chảy rắn, độ ẩm đất, độ rỗng và khả năng trữ nước của đất công nghệ tính toán sử dụng các mô hình toán dự báo định lượng mưa khu vực nhỏ, ước lượng mưa từ vệ tinh ra đa, kết hợp với mô hình tính toán dòng chảy mặt, các ngưỡng mưa gây lũ quét và sạt lở đất. Ngoài ra, mô hình thủy văn và mạng dự báo trí thông minh nhân tạo cũng được sử dụng để để xác định nguy cơ lũ quét.

Một trong những phương pháp cảnh báo lũ quét ở Nhật là trên dựa trên quan hệ giữa lượng mưa tích lũy đến thời điểm đạt cường độ mưa giờ lớn nhất và xác định đường giới hạn CL (critical line) gây lũ quét để phân khu vực an toàn và không an toàn cho một vị trí có nguy cơ lũ quét. Xét trong thực tế, trận mưa vượt quá đường tới hạn CL thì sẽ xảy ra lũ quét. Phương pháp này này đòi hỏi có hệ thống quan trắc đo mưa tự ghi đủ dày và được quan trắc nhiều năm ở các vùng có xảy ra lũ quét.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, cảnh báo sớm và chính xác lũ quét vẫn đang là thách thức lớn đối với các nhà khoa học do những tính chất bất thường và cục bộ của lũ quét rất khó có thể tính toán, xác định chính xác, chi tiết tới từng khu vực nhỏ như thôn, bản. Việc cảnh báo chủ yếu dựa trên thống kê, dựa trên lượng mưa quan trắc và các bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất trong điều kiện mạng lưới trạm quan trắc mưa còn thưa và chưa có nhiều trạm tự động.

Chỉ rõ để người dân phòng tránh

GS Trần Thục,  Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam cho biết, đối với khu vực nhiệt đới gió mùa như ở Việt Nam, hệ thống khí quyển bị chi phối bởi các nhiễu động có quy mô không gian và thời gian nhỏ, vì thế một nhiễu động đối lưu nhỏ hoặc sai lệch về tâm hội tụ ẩm cũng có thể dẫn đến sai số lớn trong kết quả dự báo. Với tác động của biến đổi khí hậu thì thời tiết đã, đang và chắc chắn sẽ có những thay đổi theo hướng bất lợi, các cực đoan thời tiết, khí hậu sẽ gia tăng cả về cường độ lẫn tần suất. Vì thế, công tác dự báo đối với ngành khí tượng thủy văn cần phải tăng cường hơn nữa. Cùng với các bản tin dự báo các yếu tố khí tượng thủy văn, cần có cảnh báo về rủi ro mà các hiện tượng thời tiết này có thể gây ra, ảnh hưởng thế nào đến người dân một cách cụ thể.

 Lấy một ví dụ: Dự báo lũ cấp báo động 3 trên một sông nào đó, nên kèm theo thông tin cảnh báo là khu vực nào có thể bị ngập và rủi ro về tổn thất và thiệt hại có thể có. Điều này sẽ giúp người dân biết được rủi ro để quyết định sơ tán hay có các biện pháp phòng chống phù hợp; đồng thời giúp cho chính quyền địa phương có kế hoạch sơ tán dân hay hỗ trợ người dân để tránh những thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về người. Cụ thể là cùng với bản tin dự báo, cần cảnh báo được cho người dân biết thêm mức độ rủi ro như thế nào. Ví dụ, dự báo bão vào một khu vực nào đó thì cần thêm thông tin về khả năng xảy ra và mức độ tác động đối với khu vực đó. Tất nhiên, khó có thể yêu cầu rằng dự báo khí tượng thủy văn là chính xác hoàn toàn nhưng đây là điều cần hướng đến.

Tô Hội

Hà Bình

BẢN DESKTOP