Môi trường

Cống ngầm có làm sống lại sông Tô Lịch?

  • Tác giả : Tô Hội
(khoahocdoisong.vn) - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thành phố sẽ xây dựng hệ thống thu gom nước thải hai bên bờ sông Tô Lịch, dẫn về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Theo các chuyên gia, giải pháp công nghệ này chưa thực sự ổn.

Thu gom nước thải vào cống ngầm

Ngày 29/11, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết vừa qua chính quyền Thủ đô đã nghiên cứu ba phương án làm sạch sông Tô Lịch. Đầu tiên là thu gom tại chỗ tất cả các điểm xả thải, song phương án này không thực hiện được vì dọc bờ sông có quá nhiều điểm xả thải. Phương án thứ hai của công ty Việt Nhật, dùng công nghệ Nano-Bioreactor nhưng thất bại. Phương án cuối cùng là xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải đặt dọc hai bên bờ sông, nước thải sẽ được đưa về Nhà máy nước thải Yên Xá để xử lý. Theo tiến độ việc xây dựng hệ thống cống thu gom hoàn thành vào năm 2020, nhưng đang chậm tiến độ; dự kiến năm 2021 hệ thống thu gom này sẽ hoàn thành và giải quyết được vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch.

GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi cho rằng, giải pháp này đã giải quyết được một phần rất quan trọng gây nên ô nhiễm sông Tô Lịch là vấn đề nước thải. Tuy nhiên việc thu gom như vậy lại chưa ổn ở chỗ vậy thì lấy nguồn nước nào để bổ cập cho sông Tô Lịch sau khi đã thu gom hết nước thải. Chắc chắn không thể thiết kế vòng tuần hoàn nước sau khi xử lý lại chảy về thượng nguồn vì đặc điểm sông Tô Lịch là độ dốc cao, kéo dài trong đô thị. Vậy nguồn nước để sông Tô Lịch được gọi là sông theo đúng nghĩa lấy ở đâu?

“Nếu xây dựng các trạm bơm nước ở sông Hồng vào thì không ổn vì mực nước sông Hồng hiện rất thấp, dòng chảy không ổn định, trong khi hạ du sông Hồng thì nhu cầu về nước tưới tiêu, hoa màu lại rất lớn. Càng không thể trông chờ xả nước từ Hồ Tây ra vì nước ở đây chỉ nhiều khi có mưa lớn kéo dài, thi thoảng mới xả nước. Chờ nguồn nước bổ cập tự nhiên từ mưa thì lại càng không, vì lượng mưa rất thấp. Mà một dòng sông thì không thể lúc có nước, lúc lại khô cạn”, GS.TS Vũ Trọng Hồng phân tích.

PGS.TS Trần Đức Hạ,  Viện trưởng Viện nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường cho biết, bản thân ông cũng từng được nghe đến dự án thi công đường ống gom nước thải dài 52km ven sông Tô Lịch đưa về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá xử lý. Đường cống này dài 52 km, đường kính 1,8 - 2 m, nằm sâu dưới đất 8 - 15 m, dẫn trực tiếp về nhà máy xử lý. Thế nhưng vấn đề hiện nay, nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có dự toán đầu tư lên tới 16.200 tỷ đồng đã khởi công được ba năm, dự kiến hoàn thành năm 2020 nhưng đến nay mới được 10% công việc. Liệu lộ trình đặt ra đối với việc xử lý nước thải sông Tô Lịch có ổn?

Nên xử lý tại chỗ

Theo PGS.TS Trần Đức Hạ, đối với vấn đề ô nhiễm nước thải, các nhà máy xử lý nước thải tập trung đã được quy hoạch. Mặc dù vậy, trong đô thị và vùng ven đô vẫn có các điểm xả thải phân tán, không đấu nối tập trung được thì phải lắp đặt hệ thống xử lý tại chỗ, hoặc xây các trạm xử lý nước thải quy mô vừa và nhỏ. Nước sạch sau xử lý đảm bảo quy chuẩn môi trường thì bổ cập vào sông, hồ nội thành.

GS.TS Vũ Trọng Hồng thì cho rằng, với 280 họng nước thải đang đổ ra sông Tô Lịch hiện nay, cách xử lý hợp lý nhất là xây dựng các trạm xử lý nước thải tại chỗ. Theo đó tại các họng nước này, tổ chức quây tôn hoặc xây lại để xử lý bằng đất hiếm hoặc công nghệ phù hợp, nước sau xử lý đưa ngay ra sông Tô Lịch, như thế thì vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm lại vừa duy trì được dòng chảy, không  tốn kém quá nhiều kinh phí cũng như thời gian xử lý. Hiện có rất nhiều phương án đưa ra nhưng phải tính toán đến phương án khả thi nhất. Phương án dùng nước sông Hồng bổ cập cho sông Tô Lịch có thể làm được nhưng tốn kém và tác động lớn đến sông Hồng, không nằm trong quy hoạch của sông. Phương án bổ cập nước từ sông Đà cũng không ổn bởi lượng nước để phát điện, để phục vụ cho sản xuất hiện cũng rất thiếu.

Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, không bàn đến công nghệ nano bioreator của Nhật Bản mà cách làm của họ có thể áp dụng được. Đó là tiến hành xử lý tại chỗ thay vì dẫn hết nước xuống hạ lưu xử lý. Việc nạo vét sông, xây dựng các khu xử lý tại chỗ hoàn toàn có thể làm được bằng công nghệ trong nước.

PGS.TS Trần Hồng Côn, giảng viên khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho rằng, từ hàng chục năm nay, TP. Hà Nội đã có rất nhiều dự án, đề xuất làm sạch sông Tô Lịch nhưng vẫn mãi loay hoay chưa thể giải quyết được ô nhiễm của con sông này.  Không phải các đơn vị của TP. Hà Nội không biết đến nguyên nhân vì sao sông Tô Lịch bị ô nhiễm, muốn không bị ô nhiễm nữa phải làm như thế nào nhưng lại mãi không thực hiện được.

Theo các chuyên gia, vấn đề mấu chốt để làm sạch sông Tô Lịch không phải là công nghệ, mà là cách làm, tư duy lãnh đạo, chỉ đạo. Nếu để các nhà khoa học khách quan đóng góp ý kiến, đề xuất công nghệ thì vấn đề được giải quyết dễ dàng, không mất nhiều thời gian đến thế.

Sông Tô Lịch dài khoảng 14km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía Nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Toàn tuyến sông có hơn 280 cửa xả nước thải. Theo ước tính của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mỗi ngày 150.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch.

Tô Hội

BẢN DESKTOP