Dữ liệu y khoa

Công dụng của bào ngư

  • Tác giả : DS. Nguyễn Văn Hào
(khoahocdoisong.vn) - Bào ngư còn gọi là hải nhĩ, là một loại ốc hình dẹt, vỏ cứng, mặt ngoài nhám mầu nâu sẫm, mặt trong có lớp xà cừ lóng lánh, quanh mép có từ 7-13 lỗ nhỏ để thở. Bào ngư không chỉ là món ăn quý hiếm, mà vỏ còn là vị thuốc quý.

Theo y học phương Đông,  bào ngư có công dụng bổ âm, ích khí, tăng cường sinh lực, giúp sáng mắt. Sử dụng rất tốt cho người bị tiêu khát (tiểu đường), suy nhược, nam giới yếu sinh lý, tiểu đêm, mắt yếu, trị ho, khó tiêu.

Theo sách Dược tính chỉ nam: “Bào ngư khí ôn, vị hơi tanh, không độc, tác dụng thông lợi được đường ruột, tiêu được ứ bí, chữa phụ nữ huyết khô, thông sữa, gan yếu, chữa chứng băng trung, xuất huyết, sang thương, dùng nấu canh với ma nhân cùng hành ăn rất tốt”. Tính thành phần dinh dưỡng trong 100g bào ngư có chứa chất đạm 17,05g, chất đường (carbohydrat) 5,8g, chất béo 0,75g, cholesterol 84,7mg, vitamin B10 là 19mg, B2 là 0,14mg, niacin 1,6mg, axit pantothenic 3mg, axit folic 5,05mcg, khoáng chất canxi 31,7mg, Mg 48mg, mangan 0,04mg, photpho 203mg, natri 255mg, kẽm 0,82mg.

Chất đạm của bào ngư có đủ 19 axit nên có giá trị dinh dưỡng rất cao. Tuy lượng cholesterol khá cao, nhưng do sự cân bằng trong thành phần nên không gây trở ngại cho những người tăng cholesterol. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, trong bào ngư có một hợp chất có tác dụng diệt khuẩn, được đặt tên là paolin I và paolin II. Cả 2 chất đều có tính chịu nhiệt cao (950C trong 45 phút), pepsin không phân huỷ được chất này. 

Vỏ bào ngư (thạch quyết minh) có chứa canxi carbonat, cholin chondriotin, một ít magiê, sắt, silic, photphat và clorua. Vỏ bào ngư có vị mặn, tính hàn, vào các kinh can thận, tác dụng giáng can hoả, thường chữa chứng đau đầu, chóng mặt do can hoả vượng, đau mắt, đỏ mắt. Một số bài thuốc từ bào ngư sắc uống.

Can thận âm hư: Biểu hiện cảm giác căng nặng ở đầu và mắt, đau đầu, đau mắt, mặt đỏ: Thạch quyết minh, câu đằng, cúc hoa, hạ khô thảo để bình can và thanh nhiệt.

Can hoả vượng biểu hiện mắt sưng, đỏ, đau và nhìn lóa: Thạch quyết minh, cúc hoa, quyết minh tử.

Can huyết hư biểu hiện nhìn mờ, khô mắt: Thạch quyết minh với thục địa hoàng trong bài thạch quyết minh hoàn.

Bào chế: Rửa sạch phơi khô, mài, cạo hay đẽo hết vỏ ngoài. Rửa sạch, tẩm nước giấm loãng (5%), xóc mạnh, rửa lại. Xếp 3 - 4 con một, lấy đất nắm lại, nung cho đỏ đất ngoài, ốc còn màu xanh xám nhạt là được, tán bột mịn sắc uống, làm hoàn tán thì thuỷ phi. Lưu ý khi sử dụng bài thuốc có thạch quyết minh là thạch quyết minh kỵ tuyền phúc hoa nên không dùng chung.

DS Nguyễn Văn Hào (Nguyễn Tri Phương, Vũng Tàu)

DS. Nguyễn Văn Hào

BẢN DESKTOP