TS Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam và ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Phát triển đồng chủ trì tọa đàm.
TS Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam và ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Phát triển đồng chủ trì tọa đàm. |
Theo Viện Quy hoạch và Phát triển Việt Nam, hằng năm cả nước phải tiếp nhận một khối lượng rác thải rắn lên tới trên 12 triệu tấn. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng với tốc độ khoảng 9%/năm, tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, theo quy luật: mức sống càng tăng, rác thải cũng tăng theo. Vì vậy, quản lý các hoạt động xử lý rác thải luôn được đặt ra là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ giống nòi và môi trường sống của tất cả chúng ta.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận về 2 vấn đề đó là: Nên chôn lấp hay đốt sinh khối phát điện? Theo nhiều ý kiến của đại biểu thì việc chôn lấp không khả quan. Rác chỉ nên chôn lấp khi có đệm lót chống thấm, tường bao, hệ thống thu gom xử lý nước rác, thu khí mêtan để phát điện, chỉ chôn lấp những thứ còn lại sau phân loại làm tái chế, tái sử dụng, làm phân compost. Tuy nhiên, với mô hình này chỉ hiệu quả khi rác được phân loại tại nguồn.
Một số đại biểu còn cho rằng, hiện nay “điện rác” đang được cổ vũ mạnh mẽ như là một giải pháp hoàn hảo để xử lý rác thải hiện nay. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng, đốt rác phát điện đã thực sự xác định rác là nguồn tài nguyên để góp phần vào an ninh năng lượng quốc gia… và xa hơn nữa, đây còn được coi là giải pháp hiện thực hóa nền kinh tế tuần hoàn. Nhưng hàng loạt những câu hỏi đã được đặt ra với công nghệ này như công nghệ đốt rác phát điện có thực sự là công nghệ mới? Đốt rác phát điện có thực sự tạo ra nguồn điện năng như kỳ vọng; Đốt rác phát điện có thực sự làm sạch môi trường?...
Tại tọa đàm, các đại biểu tham dự có cơ hội được tiếp cận với thông tin về xu thế công nghệ xử lý chất thải rắn trên thế giới, trong đó có công nghệ khí hóa chất thải rắn; nắm bắt thông tin mới nhất về tình hình triển khai dự án thực nghiệm công nghệ xử lý chất thải rắn bằng phương pháp khí hóa (không phải là đốt rác) hoàn toàn do Việt Nam làm chủ.