Khám phá

Con hạch to bất thường, mẹ khóc tưởng ung thư

Lên 4 tuổi, bé H. bỗng dưng ăn kém, người gầy gò, xanh xao, hạch ở cổ nổi to bất thường. Nghi con bị ung thư, bố mẹ đưa đi khám mới biết con nhiễm giun đũa chó mèo.

Ôm con trong lòng, chị N.T.L. (Bảo Thắng, Lào Cai) liên tục khóc vì thương con. Bé N.Q.H. (4 tuổi, con chị L.) có nước da xanh xao, gầy gò. Sau khi vào viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương thăm khám, các bác sĩ kết luận, bé bị nhiễm giun sán chó mèo.

Khi nghe có ai đó gọi điện hỏi thăm tình hình sức khỏe hiện tại của H., chỉ nghe bố nhắc tới hai từ “nhập viện”, H. lại bật khóc đầy sợ hãi.

Con hạch to bất thường, mẹ khóc tưởng ung thư ảnh 1

Cả hai mẹ con chị L. cùng khóc khi bé H. nhập viện điều trị giun đũa chó mèo.

Chị L. cho biết, thời gian gần đây, bé H. ăn kém, hạch ở vùng cổ vốn đã xuất hiện từ khi H. mới sinh nhưng nay to lên bất thường. Lo lắng cho sức khỏe của con, sợ con có khối u ác tính nên vợ chồng chị L. khăn gói từ tỉnh Lào Cai xa xôi đưa con xuống BV Nhi Trung ương thăm khám.

Sau gần một ngày khám và chờ, kết quả bé H. không bị ung thư. Lúc này, hai vợ chồng chị L. rất mừng. Nhưng các bác sĩ ở BV Nhi thông tin, dấu hiệu hạch to bất thường của bé H. có thể do nhiễm giun sán. Bé H. được bác sĩ chuyển xuống viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương để được khám chuyên sâu hơn.

Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bé nhiễm giun đũa cho mèo. Đây chính là nguyên nhân khiến cho hạch của bé H. xuất hiện nhiều, to lên bất thường, gầy và xanh xao. Chị L. cho biết, một vài tháng nay nhà chị cũng nuôi chó. Nhưng bé H. lại không thích chơi với chó mèo nên bản thân vợ chồng chị L. khi biết con bị nhiễm giun đũa chó mèo cũng không hiểu căn nguyên từ đâu.

Chia sẻ với PV, Ths.BS Trần Huy Thọ, Trưởng khoa Điều trị, viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương cho biết, giun đũa chó mèo tên khoa học là Toxacara canis hoặc Toxacara cati. Loại giun trên sống ký sinh trong ruột chó mèo, đẻ trứng thải ra môi trường qua phân.

“Trứng trong chất thải của chó mèo khi ra môi trường, nếu nghịch đất ăn phải rau nhiễm trứng giun, nguồn nước uống không được đun sôi có thể đưa trứng giun vào cơ thể”, bác sĩ Thọ nói.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này, theo BS. Thọ, rất có thể liên quan tới trào lưu nuôi thú cưng đang thịnh hành hiện nay.

Cũng theo thông tin từ BS. Thọ, bệnh nhân nhỏ tuổi nhất bị nhiễm giun đũa chó mèo từng điều trị tại viện là 12 tháng tuổi. Gia đình bệnh nhi có nuôi chó là thú cưng trong nhà. Bệnh nhi thường xuyên chơi và ngủ cùng chó, đây chính là nguyên nhân dẫn tới trẻ bị nhiễm giun sán chó mèo. Điều này khiến cho bệnh nhi thường xuyên ốm vặt, ăn rất nhiều thứ nhưng không thể béo.

“Giun đũa chó mèo có thể bị nhiễm ở mọi đối tượng ngay cả trẻ nhỏ, đặc biệt là nhóm trẻ thường bò dưới đất có thể tiếp xúc với nguồn phơi nhiễm giun từ môi trường rất cao. Hoặc trẻ bị nhiễm giun đũa chó mèo do thói quen chế biến thức ăn không đảm bảo vệ sinh từ người lớn khi cho trẻ ăn dặm.

Trẻ nhỏ bị nhiễm giun đũa chó mèo có thể xuất hiện triệu chứng ngứa, nổi mề đay ngoài da. Một số trường hợp sẽ bị thiếu máu, da xanh, chậm lớn, gan to hoặc hình thành ổ áp xe gan khi ấu trùng gây tổn thương gan. Ấu trùng giun có thể theo hệ bạch huyết lên não tạo lên những khối u nguy hiểm tới tính mạng”, BS Thọ khuyến cáo.

Mai Nguyễn (tổng hợp)

BẢN DESKTOP