Y học và đời sống

Con đường thuốc Đông y lớn nhất Việt Nam

Tại TPHCM có những con đường rất đặc biệt, cần đồ cổ đến phố Lê Công Kiều, cần sách cũ đến đường Trần Nhân Tôn… Với các loại thuốc Đông y, người Sài Gòn không thể không tìm đến đường Hải Thượng Lãn Ông.

Dọc theo 2 bên đường Hải Thượng Lãn Ông và những con đường lân cận như Triệu Quang Phục, Lương Nhữ Hộc (quận 5) hàng trăm tiệm thuốc Đông y hoạt động rất rầm rộ. Người mua, kẻ bán ra vào tấp nập.

Một góc đường Hải Thượng Lãn Ông, TPHCM có vô số tiệm thuốc Bắc.

Trước các tiệm, hàng đống bao thảo dược căng phồng được trưng bày bên cạnh những loại thuốc đã được chế biến. Hàng loạt thùng thiếc có một mặt kính chứa đủ các loại dược phẩm, hàng chục hộc tủ – mỗi hộc một loại thuốc – là hình ảnh đặc trưng dễ tìm thấy nơi đây.

Mỗi lần ngang qua đây khách qua đường sẽ gặp mùi thơm của những vị thuốc xông vào ngát mũi.

Con đường thuốc Đông y lớn nhất Việt Nam ảnh 2

Cửa hàng Đông y Hải Thượng Lãn Ông.

Dược liệu chất đầy trong bao.

Hiện chưa có một tài liệu nào xác nhận khu vực kinh doanh thuốc đông y này có từ lúc nào. Chỉ biết con đường Hải Thượng Lãn Ông mà trước đây là đường Khổng Tử vốn được xem như lãnh địa của thuốc bắc, thuốc nam từ hàng trăm năm nay.

Những chủ tiệm hầu hết là người Hoa vốn có nguồn gốc từ những quân lính, được tướng phản Thanh phục Minh Trần Thượng Xuyên – cho phép mang vào cù lao Phố (Biên Hòa) vào cuối thế kỷ 17.

Tương truyền, phải mất hơn 100 năm sau, trong cộng đồng người Hoa có một số làm thầy thuốc Đông y đã từ Biên Hòa vào đến làng Minh Hương ở Chợ Lớn lập nghiệp tạo ra khu vực kinh doanh thuốc đông y đến tận bây giờ.

Qua 3 thế kỷ, khu vực kinh doanh thuốc đông y tại Chợ Lớn mà cụ thể trên đường Hải Thượng Lãn Ông bây giờ đã trải qua nhiều thăng trầm. Có những lúc, sự hợp tác với những thầy thuốc nam người Việt tạo nên sự giao thoa tốt đẹp. Người thầy thuốc đã biết sử dụng cả thuốc nam lẫn thuốc bắc, việc chữa bệnh hữu hiệu hơn.

Qua những biến động của thời cuộc, vẫn không ảnh hưởng gì đến các tiệm thuốc bắc. Đông dược phát triển mạnh dưới thời Pháp thuộc và sau đó đã có nhiều bệnh viện y học cổ truyền được lập ra.

Đến năm 1975, nhiều chủ tiệm thuốc định cư ở nước ngoài khiến việc kinh doanh thuốc đông y bị đình trệ. Tuy nhiên cũng không bao lâu, chỉ 10 năm sau khu vực thuốc bắc trên đường Hải Thượng Lãn Ông tiếp tục rầm rộ như xưa.

Thuốc Đông y trên đường Lương Nhữ Hộc.

Một vị tu sĩ hiện là lương y của phòng khám từ thiện xin được ẩn danh cho biết, đường thuốc Hải Thượng Lãn Ông hiện nay là trung tâm thuốc đông y lớn nhất trong cả nước. Tại đây không thiếu bất kỳ một dược liệu nào. Nguồn thuốc được các nhà buôn thu mua trên khắp cả nước và nhập từ nước ngoài. Có những dược liệu như bồ công anh phải được lấy từ vùng núi cao ở các tỉnh miền trung, thuốc trị ung thư từ Hà Tiên v. v …

Các bệnh viện, phòng khám đông y đều lấy thuốc tại đây. Mỗi đơn vị đều có một nhà cung cấp và dĩ nhiên là chất lương thuốc phải tốt.

Cho đến nay, trải qua hàng trăm năm, đường thuốc Hải Thượng Lãn Ông vẫn là nơi cung cấp cho các thầy thuốc Đông y những dược liệu quí hiếm giúp người bệnh thoát được những cơn bệnh hiểm nghèo …

Theo Trần Chánh Nghĩa (Kiến Thức)

Từ Khoá

BẢN DESKTOP