Y học và đời sống

Con đường lây nhiễm viêm khớp gối sinh mủ không do lậu cầu

  • Tác giả : PGS.TS Dương Đình Toàn
Viêm khớp nhiễm khuẩn thường gây biến chứng nặng: Viêm đau tủy xương, cứng khớp, teo cơ, giảm khả năng vận động, thậm chí nhiễm trùng huyết gây tử vong 7 - 15%.

Hỏi: Tôi bị sưng đau khớp gối, vận động khó khăn, sốt, đi khám được kết luận: Viêm khớp sinh mủ không do lậu cầu. Xin KH&ĐS cho biết nguyên nhân và con đường lây nhiễm bệnh này?

Nguyễn Hồng Vân (Hà Nội)

Biểu hiện của viêm khớp - Ảnh minh họa

Biểu hiện của viêm khớp - Ảnh minh họa

Trả lời: Viêm khớp nhiễm khuẩn (septic arthritis) hay viêm khớp sinh mủ (pyogenic cirthritis) là viêm khớp do vi khuẩn sinh mủ không đặc hiệu (không phải do lao, phong, nấm, ký sinh trùng hay virus) gây nên.

Nguyên nhân hay gặp nhất là do vi khuẩn gram dương, đặc biệt là tụ cầu cầu vàng (50 – 70% trường hợp), liên cầu, phế cầu, lậu cầu. Vi khuẩn gram âm ít gặp hơn (15%), thường gặp Ecoli, thương hàn, trực khuẩn mủ xanh, Haemophilus influenza.

Nguyên nhân thường gặp nhất ở người lớn là do lậu cầu (chiếm 70% nhiễm khuẩn khớp ở người lớn dưới 40 tuổi). Người già hay bị mắc vi khuẩn gram âm, phế cầu và liên cầu, đặc biệt khi mắc các bệnh khác kèm theo như đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, khớp nhân tạo…

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vi khuẩn thường gặp là liên cầu nhóm B, trực khuẩn gram âm đường ruột, tụ cầu vàng. Ở huyết nhóm A, H. influenzae, phế cầu.

Về đường lây nhiễm, phần lớn vi khuẩn lan truyền theo đường máu, xâm nhập vào khớp. Có thể theo đường kế cận từ nhiễm khuẩn xương hoặc phần mềm cạnh khớp. Nhiễm khuẩn có thể trực tiếp sau chấn thương, sau tiêm khớp hoặc sau phẫu thuật (theo đường này thì nguyên nhân thường gặp là tụ cầu vàng, sau đó mới tới các vi khuẩn gram dương và các vi khuẩn gram âm khác). Có khoảng 10% trường hợp nhiễm đồng thời nhiều loại vi khuẩn, thường gặp sau chấn thương.

Biểu hiện của viêm khớp nhiễm khuẩn không do lậu cầu là: sưng nóng đỏ đau, có thể tràn dịch khớp, co cơ, hạn chế vận động. Số lượng khớp viêm thường đơn độc, có thể viêm nhiều khớp. Toàn thân hội chứng nhiễm trùng: sốt, có khi rét run, môi khô, lưỡi bẩn.

Viêm khớp nhiễm khuẩn thường gây biến chứng nặng: Viêm xương tủy xương; Đau mãn tính; Dính khớp, cứng khớp, teo cơ, giảm khả năng vận động; Sự khác biệt về chiều dài chân; Nhiễm trùng huyết, dù sử dụng kháng sinh tích cực vẫn có 7-15% người bệnh tử vong.

Phòng ngừa viêm khớp nhiễm khuẩn bằng cách: Các thủ thuật tiêm khớp cần thực hiện trong phòng sạch (khử khuẩn hàng ngày hoặc ngay khi có nghi ngờ nhiễm khuẩn), quy trình đảm bảo vô khuẩn. Phẫu thuật xương khớp và chăm sóc sau phẫu thuật cần đảm bảo đúng quy trình. Người bệnh không nên tự ý điều trị đau khớp bằng phương pháp tiêm tại chỗ mà không có chỉ định đúng của bác sĩ cũng như vô khuẩn trong quá trình tiêm.

Tránh những chấn thương cạnh khớp: Nếu có vết thương cạnh khớp, vết thương thấu khớp cần xử lý sớm trong 6 giờ đầu tại cơ sở y tế.

Tránh tiếp xúc trực tiếp với các môi trường bùn đất, môi trường bẩn.

Khám chuyên khoa khi có triệu chứng bất thường hoặc nghi ngờ nhiễm khuẩn khớp. Điều trị triệt để các nhiễm khuẩn cơ quan khác.

PGS.TS Dương Đình Toàn (Phó Trưởng khoa Khám xương và Điều trị ngoại trú, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức)

PGS.TS Dương Đình Toàn

BẢN DESKTOP