Khoa học & Công nghệ

Con đường gây ảo giác của “nấm ma thuật”

Nấm ma thuật

Nấm ma thuật là nấm độc

Vừa mới có mặt ở Việt Nam nhưng loại ma tuý cực độc có hình dáng giống hệt cây nấm với mùi hương pha trộn giữa mùi nấm hương và mùi thuốc lá đang được giới trẻ ưa chuộng, săn lùng. Loại nấm này còn có những cái tên khác như nấm thức thần, nấm ảo giác, nấm ma thuật…

Có hình dáng bên ngoài không khác gì những loại nấm dùng làm thực phẩm hay những loại nấm mọc hoang ngoài tự nhiên, nhưng đây lại là một loại nấm ma túy vì nó chứa 1 chất ma túy cực mạnh.

Loài nấm này mọc khá phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới như: Bắc Mỹ, Mexico, Nam Mỹ, bán đảo Scandinavia và vài vùng tại châu Á, và mới du nhập vào Việt Nam. Loài nấm này biến đổi màu sắc kỳ ảo, khi thì màu nâu vàng có khi lại chuyển sang xanh lục hay lam.

PGS.TS Nguyễn Thị Chính, nguyên phó chủ nhiệm Bộ môn Vi sinh, Khoa Sinh học, Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia về nấm giở cuốn Atlat nấm để tra thì được biết, nấm thức thần kỳ hay nấm thần, nấm ma thuật, nấm Psilocybe có tên  khoa học là Psilocybe pelliculosa, nằm trong danh mục nấm độc. Loài nấm này khi ăn vào có thể gây ảo giác vì độc tính trong nó.

“Có một số nấm độc khi ăn vào sẽ làm cơ tim bị dừng hoạt động hay đông máu. Còn nấm ma thuật thì tác động mạnh vào hệ thống thần kinh gây ra ảo giác. Nhìn bên ngoài nó chỉ là cây nấm thông thường, nhưng lại chứa bên trong hoạt chất rất mạnh nên có thể khi nhập về, người ta chủ quan, không biết nó là loài gì. Nấm ma thuật là một trong khoảng 100 chủng nấm có chứa psilocybin và psilocin, nguyên nhân chính gây ra sự ảo giác và các trạng thái thức thần khác”, PGS.TS Nguyễn Thị Chính cho biết.

Một phần của sự sống đó là sinh sản. Thông thường các loại nấm phát triển bằng bào tử nhờ gió thổi bay trong không khí để tìm nơi phát triển phù hợp. Nhưng nấm thức thần thì khác, chúng tự thân phát triển. Chúng thường sống ở những nơi sát mặt đất trong rừng, gió không thổi tới. Để phân tán bào tử, cây nấm tăng lượng nước thoát hơi trên bề mặt của nó. Lượng nước bốc hơi này, cùng với không khí được tạo ra bởi sự bốc hơi này, sẽ mang bào tử nấm đi. Việc này sẽ giúp bào tử nấm bay cao cỡ 10cm.

Nhiều loài nấm độc tương tự

PGS.TS Nguyễn Thị Chính cho biết, theo các nghiên cứu thì có ít nhất 144 loại nấm có chứa hoạt chất thức thần. Mỹ Latin và Caribean có hơn 50 loại, riêng Mexico đã là 53. Ngoài ra, 22 loại nấm thức thần có ở Bắc Mỹ, 16 loại ở châu Âu, 19 ở Úc và khu vực địa trung hải, 15 loại ở Châu Á, và chỉ có 4 loại ở châu Phi. Ngay cả động vật cũng dễ bị ảo giác khi ăn trúng nấm thức thần. Năm 2010, một tờ báo của Anh đã đăng tin về sự  việc 3 con dê tại khu bảo tồn bị “phê” nấm. Chúng có triệu chứng lờ đờ, ói mửa và bước đi lảo đảo. Phải mất 2 ngày để những con dê này hoàn toàn phục hồi.

PGS.TS Nguyễn Thị Chính cho biết, Việt Nam không trồng được loại nấm ma thuật này. Về nguyên tắc, người ta không nhân nuôi các loài nấm độc. Các gói nấm được dân chơi mua về dùng đều là hàng nhập khẩu với giá thành cực kỳ cao. Nhà nước bắt buộc phải đưa ra các khuyến cáo và cấm sử dụng các loại nấm ma thuật này vì nó rất nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng. Nếu đó là loài nấm quý, nhiều dưỡng chất thì việc nhân nuôi bào tử nấm để phát triển rộng rãi khá đơn giản, nhưng vì nấm độc nên nó nằm trong danh mục cấm sử dụng.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Chính, ở Việt Nam có rất nhiều loài nấm độc khác nhau, có loại ăn vào làm đông máu hay làm cơ tim dừng hoạt động ngay lập tức. Đã có không ít trường hợp tử vong vì ăn nấm độc. Do đó, người sử dụng nấm ma thuật ngoài nguy cơ gây nghiện thì cũng phải đối mặt với những rủi ro khác cho sức khỏe.

Hai hoạt chất Psilocine và Psilotcin chính là nguyên nhân gây ảo giác mạnh cho người dùng. Hai hoạt chất này nằm trong danh mục 1 – các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng cả trong y học lẫn đời sống xã hội của Nghị định 73/2018/ NĐ-CP quy định về danh mục chất ma túy và tiền chất.

Bảo Khánh

BẢN DESKTOP