Khoa học & Công nghệ

Collagen từ vảy cá rô phi

  • Tác giả : Hà Bình
(khoahocdoisong.vn) - Vảy cá rô phi vốn là phế phẩm, dễ gây ô nhiễm môi trường trong chế biến thủy sản, giờ có thể được khai thác, đem lại giá trị cao nhờ nguồn collagen dồi dào.

Tận dụng phế phẩm

ThS Nguyễn Công Bỉnh, Khoa Thủy sản, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết, hiện xu hướng tiêu dùng sản phẩm có collagen đang được người tiêu dùng hướng tới rất mạnh. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu để sản xuất lại chưa phong phú. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện trong da và vảy cá rô phi chứa rất nhiều collagen, trong khi đây là rác thải, phế phẩm trong chế biến thủy sản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học đã tạo ra 3 loại sản phẩm collagen tinh sạch, dạng bột bằng các công nghệ sấy phun và sấy thăng hoa. Collagen thành phẩm thu được có nhiều hoạt tính sinh học hữu ích như kháng oxy hóa, kháng khuẩn và khả năng tạo nhũ, tạo bọt khá tốt, đặc biệt là khả năng hòa tan (thường dùng trong đồ uống). Collagen thành phẩm không đắng và không còn mùi cá.

Chỉ tính riêng ở miền Tây, lượng vảy cá thải ra khoảng trên 5 tấn/ngày (số liệu từ doanh nghiệp) và ở quy mô công nghiệp, ít có quốc gia nào có nhiều vảy cá như ở nước ta. Việc sử dụng vảy loại cá nào, công nghệ gì... sẽ liên quan trực tiếp đến tỷ lệ collagen thu hồi được.

Quy trình chiết xuất collagen mới từ vảy cá, cho năng suất chiết xuất protein cao hơn 2 - 3 lần so với thông thường. Hiệu suất chiết suất collagen từ 14 - 70% theo khối lượng khô, khả năng giữ nước từ 320 - 410%, nhiệt độ biến tính 39 độ C. 

Colagen trong vảy cá có nhiều tác dụng

ThS Nguyễn Công Bỉnh cho biết thêm, trước đây các nhà khoa học Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) và Đại học Quốc gia Singapore (NUS) sau khi nghiên cứu loại collagen chiết tách từ vảy của những loại cá thường được dùng để nấu ăn như cá chẽm, cá lóc và cá rô phi phát hiện rằng vảy cá chứa collagen có thể được biến đổi về mặt hóa học để hòa tan trong nước và dùng trong nhiều ứng dụng y sinh học. Loại collagen này cũng có thể kết hợp với thuốc để sản xuất ra các loại băng vết thương có khả năng chữa lành cao hơn. Collagen vảy cá cũng tác động lên tế bào mao mạch của con người, kích thích sản sinh collagen tự nhiên cao gấp 2,5 lần so với những tế bào được nuôi cấy với những dạng collagen khác.

Hiện trên thị trường, loại collagen từ vảy cá rô phi cũng được rao bán với giá khá cao, được quảng cáo không chưa chất béo và đặc biệt hấp thụ cao gấp 7 lần so với collagen da cá. Khả năng chống lão hóa da, làm giảm nếp nhăn tốt. Collagen cá dễ dàng hoà tan nhanh vào nước mà không bị vón cục như các sản phẩm khác, khi hoà vào nước hoặc để ở dạng khô hay sử dụng bổ sung vào công thức mỹ phẩm không gây mùi tanh. Trong mỹ phẩm, collagen cá được sử dụng hoà cùng với dầu gội hoặc sữa thoa mặt hàng ngày giúp bổ sung lượng collagen cho da và tóc. Hoặc cho vào kem dưỡng da bước cuối cùng.

Theo ThS Nguyễn Công Bỉnh, nghiên cứu là vậy nhưng để hình thành chuỗi khép kín sản xuất công nghiệp lại là chặng đường dài. Về mặt công nghiệp, để đảm bảo yếu tố kinh tế, quy mô sản xuất tối thiểu phải đạt 300 tấn/năm, nghĩa là khoảng 1 tấn/ngày (300 ngày hoạt động), thì mới có hiệu quả về mặt đầu tư. Tính toán sơ bộ, toàn bộ chi phí xây dựng nhà xưởng và mua sắm thiết bị vào khoảng 1,5 triệu USD. Khi thiết kế nhà xưởng công nghiệp thực tế, phải có quy trình chuẩn, nhân sự phải được đào tạo chuyên nghiệp, có thiết bị đo đạc chuẩn… dựa trên nhu cầu thật, từ nhu cầu lớn nhất của thị trường. Do đó, từ quy mô pilot trong phòng thí nghiệm đến quy mô sản xuất công nghiệp là một bước tiến rất dài.

Hà Bình

BẢN DESKTOP