Dữ liệu y khoa

Coi chừng lây nhiễm Covid-19 trong thang máy

  • Tác giả : BS Trần Văn Phúc
(khoahocdoisong.vn) - Thang máy tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm, đã có nghiên cứu chỉ ra rằng, virus có thể tồn tại trong cabin cả khi người bệnh đã ra ngoài.

Sự cố thang máy

Dịch SARS năm 2003 khởi phát ở Quảng Châu (Trung Quốc), nhưng lại bắt đầu lan tới 33 quốc gia trên thế giới từ một thang máy ở Hồng Kông, khi nguồn lây bệnh là một giáo sư y khoa đến từ Quảng Châu (có biểu hiện sốt, ho khan, khó thở, tức ngực tưởng cảm cúm thông thường) đến ở trong căn phòng số 911 của khách sạn Cửu Long ngày 21/2/2003 – khi đó cả thế giới chưa biết đến dịch SARS. Khi GS Lưu lên thang máy của khách sạn Cửu Long, trong thang có tất cả 7 người, một người Mỹ, 1 người Canada, 1 người Singapore và 4 cư dân Hồng Kông. Diện tích thang máy rất nhỏ, 7 người chen chúc nhau, thời gian di chuyển cùng chỉ vỏn vẹn mấy chục giây nhưng nó đã trở thành "sự cố thang máy" thu hút sự chú ý của cả thế giới. GS Lưu qua đời vì bệnh SARS vào ngày 4/3. Người anh rể và vợ của giáo sư sau đó cũng mắc bệnh.

Ngày 26/2, doanh nhân người Mỹ gốc Hoa đi thang máy với GS Lưu đã bay đến Hà Nội. Ngay tại sân bay Nội Bài, vị khách đã sốt và được đưa vào Bệnh viện Việt Pháp để điều trị. Trong thời gian nằm viện, 20 nhân viên y tế điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân cũng bị sốt, ho, khó thở, rồi nhanh chóng rơi vào tình trạng suy hô hấp cấp nặng, 6 người trong số đó đã chết.

Trường hợp nghiêm trọng nhất là người Singapore đi thang máy cùng. Vài ngày sau, người đàn ông này cũng bị sốt, ho và các triệu chứng khác. Sau khi trở về Singapore vào ngày 1/3, anh đã lây bệnh cho gia đình, họ hàng, bạn bè và các nhân viên y tế trong bệnh viện, tổng cộng là 21 người. Sau đó, những bệnh nhân SARS ấy lại tiếp tục lây nhiễm cho những người khác, kết quả là 101 người mắc bệnh.

Một công dân Hồng Kông trong "sự cố thang máy" cũng bị nhiễm SARS và được đưa vào Bệnh viện Prince of Wales ở Hồng Kông. Hàng chục bác sĩ, y tá và bệnh nhân cùng khoa lần lượt bị nhiễm. Người khách Canada trong "sự cố thang máy" đã nhanh chóng đưa SARS về TP Toronto, dịch từ đó bùng phát nghiêm trọng.

Thang máy có nhiều nguy cơ lây Covid-19?

Từ sau “sự cố thang máy” gây bùng phát dịch SARS năm 2003 ở Hồng Kông, đến nay đại dịch Covid-19 ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thang máy tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm, đã có nghiên cứu chỉ ra rằng virus có thể tồn tại trong cabin cả khi người bệnh đã ra ngoài. Một bài báo đăng trên Tạp chí Các bệnh Truyền nhiễm Mới nổi Số 9 (tập 26) đã nêu chi tiết cách thức bùng phát một ổ dịch lớn ở Trung Quốc, Covid-19 được cho rằng đã lây trong thang máy từ một người không có triệu chứng sang một người hàng xóm, cả hai sử dụng chung thang máy nhưng không cùng thời điểm.

Một nghiên cứu từ Đại học Khoa học và Kỹ thuật Minnesota, các nhà nghiên cứu đã mô hình hóa cách thức lây lan của Covid-19 trong thang máy. Có những yếu tố tác động đến khả năng lây, như mức độ thông gió, nơi người bị nhiễm bệnh đứng trong thang máy, thói quen ồn ào nói chuyện. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu trong thang máy có bệnh nhân Covid-19 thải ra một lượng virus, thì mỗi phút sẽ có khoảng 22% virus được hút lên trần để thải ra ngoài, còn lại 78% bị luồng gió thổi xuống làm cho luẩn quẩn. Một nghiên cứu khác cũng theo mô hình của Đại học Portland, mô phỏng bệnh nhân Covid-19 đi từ tầng 1 lên tầng 10, anh ta ho một tiếng và liên tục nói chuyện qua điện thoại di động, thì sau khi thang máy trở lại tầng 1 nồng độ virus vẫn còn tới 25%.

Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết mỗi hạt sol khí 5µm có chứa xấp xỉ một virus. Một bệnh nhân Covid-19 không đeo khẩu trang, nếu im lặng thì hơi thở phát ra hàng chục ngàn giọt mỗi phút, nói chuyện tạo ra hàng trăm ngàn giọt mỗi phút, ho sẽ tạo ra hàng triệu giọt. Nếu chúng ta ở trong thang máy không đeo khẩu trang, mỗi phút thở khoảng 40 lít, như vậy mỗi phút chúng ta có thể hít đến hàng vạn virus.

Quy tắc đi thang máy phòng Covid-19

Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong thang máy là có nhưng nếu tất cả chúng ta xây dựng một quy tắc đi thang máy thật tốt, thì thang máy trở nên an toàn, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 sẽ không đáng kể.

Đeo khẩu trang: Là bắt buộc, ngay cả khi đi trong thang máy một mình, khẩu trang phải che kín mũi.

Không nói chuyện: Giữ im lặng hoàn toàn suốt hành trình, tuyệt đối không nói chuyện điện thoại.

Vệ sinh tay: Trước và sau khi vào thang máy phải sát khuẩn tay, đặc biệt là khi bấm nút thang, chạm vào tay vịn hoặc tường.

Hạn chế chạm vào bề mặt: Dùng mảnh giấy hoặc que tăm bấm nút thang máy. Nếu không có giấy hoặc tăm, thì dụng khuỷu tay, mu tay, lưng ngón tay nhưng phải sát khuẩn hoặc rửa tay cẩn thận ngay khi ra khỏi thang máy. Không dùng các vật dụng sinh hoạt để bấm nút như điện thoại, chìa khóa, bút đang sử dụng, ví; bởi những vật dụng này có tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 rất cao.

Số người và vị trí đứng: Tối đa 4 người trong thang máy, đứng ở 4 góc, quay mặt vào tường thang máy.

BS Trần Văn Phúc (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn)

BS Trần Văn Phúc

BẢN DESKTOP