Khám phá

Coi chừng độc hại từ hóa chất nhà bếp

Các chuyên gia cảnh báo, thực tế các loại hóa chất tẩy rửa và khử mùi trong nhà bếp đang gây tác hại tàn phá đối với hệ miễn dịch của con người, liên quan đến không ít các vấn đề sức khoẻ, trong đó bao gồm cả bệnh ung thư.

Bên cạnh lợi ích làm sạch, các loại hóa chất tẩy rửa và khử mùi trong nhà bếp cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Sạch, thơm nhưng… độc

Các nghiên cứu trên thế giới đưa ra ước tính rằng, bất cứ ai sống trong môi trường “sạch sẽ hiện đại” được tạo ra bởi các hóa chất tẩy rửa, làm sạch và tạo mùi thơm… đều phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm đến 2.100 lần mỗi ngày với các loại hóa chất do chính con người tạo ra.

Theo GS Jayney Goddard, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Bổ sung Hoa Kỳ, điều đáng lo ngại hơn là chúng ta không biết hầu hết các hóa chất này khi kết hợp với nhau trong cùng một môi trường sống sẽ dẫn đến những tác hại gì, thậm chí cũng chưa có nghiên cứu nào về điều này.

GS Jayney Goddard nêu ví dụ về loại xà phòng diệt khuẩn trên thị trường có chứa chất kháng khuẩn triclosan được cho là phá vỡ chức năng tuyến giáp và làm biến đổi mức hormon ở người. Hơn nữa, khi nó được thải ra môi trường cùng với nước thải nó còn gây ra sự thay đổi giới tính trong các loài sống dưới nước.

Thậm chí đáng lo ngại hơn là lạm dụng chất này và các chất kháng khuẩn khác đang thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn ngày càng trở nên miễn dịch với kháng sinh và các chất chống vi khuẩn khác. Với các hóa chất tẩy rửa mạnh khi chúng ta sử dụng để làm sạch nhà bếp là lúc chính chúng ta vô tình làm ô nhiễm không khí với một số chất gây ung thư.

Amoniac có thể kích hoạt các cuộc tấn công của bệnh hen và các thành phần hợp chất trong chất tẩy rửa có thể gây tổn thương đường hô hấp hoặc thậm chí làm tổn thương da khi tiếp xúc trực tiếp. Các hóa chất này khi thải ra môi trường sẽ tiêp tục làm trầm trọng thêm các vấn đề về ô nhiễm không khí và nguồn nước.

Các chất tẩy rửa, khử mùi… mà chúng ta thường xuyên tiếp xúc trong nhà bếp thường có hương thơm như hương cam, hương chanh… Tuy nhiên, để tạo ra mùi hương mà các bà nội trợ ưa dùng như vậy, các nhà sản xuất phải sử dụng đến hàng trăm loại hóa chất, bao gồm cả các hợp chất hữu cơ bay hơi VOC, được biết đến như chất gây ung thư, rối loạn nội tiết và độc tính đối với hệ sinh sản, ngay cả ở mức thấp.

Theo TS.BS Trần Bá Thoại, Hội Nội tiết Việt Nam, VOC thực chất là các hóa chất có gốc carbon, bay hơi rất nhanh, khi đã lẫn vào không khí. Nhiều loại VOC có khả năng liên kết lại với nhau hoặc nối kết với các phần tử khác trong không khí tạo ra các hợp chất mới có thể rất nguy hại.

Không chỉ có các hóa chất tẩy rửa, mà các dụng cụ nấu ăn có chất chống dính hoặc các hộp đựng thức ăn bằng nhựa cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến bạn và người thân phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại.

Khi bạn nấu với chảo chống dính thực sự là bạn đang gia nhiệt trên bề mặt bằng nhựa tổng hợp gọi là perfluoroalkyl axit, một nhóm các hóa chất có liên quan đến cholesterol cao, ADHD và bệnh tuyến giáp. Đây cũng là những kẻ tiêu diệt tinh trùng mạnh và bị nghi ngờ gây ra vô sinh cho phụ nữ.

Hãy chọn dụng cụ nấu nướng an toàn hơn như thủy tinh hoặc thép không gỉ. Tuyệt đối không cất đồ ăn hoặc đồ uống trong hộp nhựa – trừ khi bạn chắc chắn rằng chúng không chứa BPA.

GS Jayney Goddard

Giải pháp thay thế

Các chuyên gia khuyên tốt nhất các bà nội trợ nên hạn chế tối đa việc phụ thuộc vào các chất tẩy rửa và làm sạch có nguồn gốc tổng hợp từ hóa chất. Chẳng hạn, thay thế tốt hơn cho việc sử dụng xà phòng diệt khuẩn chỉ đơn giản là xà phòng thông thường và nước ấm cũng đủ tiêu diệt rất nhiều vi trùng.

Nếu bạn phải sử dụng chất tẩy rửa tay, hãy chọn sản phẩm có cồn mà không chứa triclosan, triclocarban hoặc bất kỳ chất tổng hợp khác được mô tả là chống vi khuẩn hoặc kháng khuẩn.

Để thay thế cho các hương thơm tổng hợp, hãy làm tươi mới không khí bằng hệ thống thông gió tốt hơn. Bạn cũng có thể đặt một bát giấm trắng trong phòng bếp để xua tan mùi hôi. Hoặc có thể dùng một chai xịt nhỏ có chứa nước và một vài giọt tinh dầu tự chế từ các thảo mộc ưa thích.

Giải pháp làm sạch thông thường, rẻ tiền, hiệu quả cao với hỗn hợp một phần giấm trắng cùng chín phần nước cũng có thể giết chết 90% vi khuẩn và bào tử. Phun vào không gian phòng bếp hoặc trên bề mặt bàn bếp sau khi đã lau sạch dầu mỡ và vụn thức ăn. Phần dung dịch còn thừa bạn có thể đổ xuống bồn rửa nhà bếp hoặc nhà vệ sinh để tăng hiệu quả kiểm soát mùi.

Đức Anh

BẢN DESKTOP