Bình luận

Có tình trạng tân quan tân chính sách trong làm luật

Theo LS Văn Trường Chinh, Văn phòng Luật sư Nhân Nghĩa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, tình trạng sửa đổi luật liên tục, cho thấy, tình trạng tân quan tân chính sách trong xây dựng luật là có thật, dẫn đến phải sửa luật liên tục.

LS Văn Trường Chinh, Ảnh Trần Hải

Trình độ làm luật còn hạn chế

Ngày 13/9, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt câu hỏi: Tại sao nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng nhanh, ở mức cao nhưng suy đi suy lại, luật lại sửa liên tục mà sửa ngày càng mang tính chất văn tự nhiều hơn là sửa luật. Là do, tình trạng tân quan tân chính sách là có thật; thứ 2, dấu vết tư duy nhiệm kỳ là có thật; thứ 3 là phải làm luật, có dự án luật, có luật bổ sung thì mới có kinh phí. LÀ người trực tiếp tiếp xúc với luật, ông nghĩ sao về nhận định này?

Đúng là hiện nay tình trạng sửa luật nhiều quá. Có những luật sửa đi sửa lại, mà chỉ toàn là sửa về câu chữ. Luật vừa mới ban hành đã phải sửa. Thậm chí, luật chưa kịp ban hành đã phải sửa đến hàng trăm điều như Bộ Luật hình sự năm 2015.

Đành rằng luật phải được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Có khi thực tế phát sinh các vấn đề chưa được điều chỉnh trong luật, thì phải sửa luật. Nhưng ít ra thì 3 năm, 5 năm sửa một lần. Đằng này cứ sửa đổi liên tục.

Hệ thống pháp luật của ta hiện đã hoàn thiện chưa, theo ông?

Hệ thống luật của ta vẫn còn manh mún. Kỳ họp nào của Quốc hội cũng thảo luận, sửa nhiều luật rất mất thời gian. Trong khi thời gian họp cũng không có nhiều, nhiều khi sửa vội vã. Giờ phải làm thế nào để ít sửa đổi thôi, đảm bảo tính ổn định và để thực thi luật được tốt.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, chất lượng hồ sơ các dự án luật trình sang Quốc hội còn hạn chế, từ việc báo cáo tác động sơ sài, lấy ý kiến đối tượng tác động còn hình thức, nên khi đưa sang Quốc hội thảo luận thì “vỡ trận”. Xây dựng luật mà cũng có tình trạng này thì nguy quá, thưa ông?

Thực ra có nhiều lý do. Trình độ của một số cán bộ chuyên viên khi xây dựng luật còn thấp. Những sai sót dẫn đến phải chỉnh sửa trong luật đã ban hành đa phần là do chuẩn bị chưa kỹ càng, những người tham gia xây dựng luật làm việc thiếu tập trung, không nghiên cứu kỹ các nội dung trong luật.

Thế nên, chuyện luật đã hoàn thiện hay chưa, có lẽ là do con người cả. Nếu thực thi tốt thì sẽ lấp được lỗ hổng của nội dung luật và ngược lại, nếu xây dựng luật tốt thì sẽ dự báo được các xu hướng trong tương lai, không cần phải chỉnh sửa.

Có khi nào nội dung trong luật là ý chí chủ quan của một người?

Ngay bà Nga cũng thẳng thắn cho rằng, ngoài một số bộ trưởng, trưởng ngành rất quan tâm, cá biệt một số bộ, ngành thì bộ trưởng ủy quyền cho thứ trưởng, thứ trưởng lại ủy quyền cho vụ trưởng, sau này để lại cho các ủy ban của Quốc hội chỉ một vài chuyên viên tham gia.

Đôi lúc, chúng tôi có cảm giác một vài chính sách chỉ là ý tưởng của một số chuyên viên chưa được thẩm định kỹ. Trong khi đó, quy trình xin ý kiến của Chính phủ nhiều khi là xin ý kiến văn bản, nên chất lượng một số chính sách không đảm bảo. Khi đưa sang Quốc hội thảo luận cực kỳ bất cập. Cái này phải sửa đổi nếu muốn nâng cao chất lượng xây dựng luật.

Phải chăng do trình độ chuyên môn của đội ngũ xây dựng luật chưa tốt?

Theo báo cáo của Chính phủ thì hiện còn có 747/4.377 người làm công tác pháp chế ở T.Ư (chiếm 17%) và 1.072/2.138 người làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh (chiếm 50,1%) chưa có trình độ cử nhân luật. Đó cũng là một trong những lý do làm chất lượng xây dựng luật thấp.

Câu chữ nhiều khi mỗi người hiểu một kiểu

Việc sửa đổi luật liên tục sẽ ảnh hưởng thế nào đến thực thi luật ạ?

Ảnh hưởng nhiều chứ. Có khi hôm nay là đúng, ngày mai sửa luật thì lại thành sai mất rồi. Nên cứ sửa luật quá nhiều thì sẽ rất ảnh hưởng đến thực thi luật, môi trường đầu tư.

Một bộ luật sửa đổi mà nhiều khi chỉ sửa vài câu chữ, điều này có cần thiết?

Thực ra câu chữ rất quan trọng trong luật. Nhiều khi cùng một câu chữ nhưng mỗi người hiểu một cách khác nhau, mỗi cơ quan áp dụng một cách khác nhau. Do đó khi xây dựng luật, Quốc hội phải có trách nhiệm giải thích luật. Nếu câu chữ không thể giải thích thì phải sửa luật. Dù rằng việc sửa này không nhiều, nhưng lại cần thiết.

Sử dụng những câu chữ đa nghĩa như vậy trong luật, chứng tỏ người làm luật có sai sót?

Đúng là thế, nhưng như tôi  nói, nhiều khi vì thời gian xây dựng luật còn hạn hẹp, trình độ của cán bộ làm luật hạn chế, rồi áp lực về thời gian… dẫn đến sự thiếu chính xác trong câu từ. Để khi luật đưa vào thực thi rồi mới nảy sinh những bất cập.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, thực chất, hệ thống pháp luật hiện nay khá hoàn thiện, đầy đủ nhưng quan trọng là khâu tổ chức thực hiện chưa tốt, cứ vướng cái là sửa mà nhiều khi cái sửa không phải do luật, mà chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện. Ông có nghĩ vậy?

Điều này có cái đúng, có cái chưa thực sự chính xác. Đúng là khâu tổ chức thực hiện chưa tốt nên cứ vướng là đòi sửa luật. Nhưng nhiều khi có những vấn đề thực tế phát sinh mà không có luật nào điều chỉnh, thì buộc phải sửa luật hoặc xây dựng luật mới. Nhưng nói chung, khâu tổ chức thực hiện luật đúng là còn nhiều vấn đề. Ở đây lại là yếu tố con người chứ không nằm trong luật.

Tư duy nhiệm kỳ xuất phát từ hiểu biết thực tế

Nói về tư duy nhiệm kỳ trong xây dựng luật, nó biểu hiện cụ thể thế nào thưa ông?

Đúng là tình trạng tư duy nhiệm kỳ trong xây dựng luật là có thật. Đó không phải là tư duy yên phận, kiểu không muốn đụng chạm đến ai, mà là tư duy xây dựng luật dựa trên hiểu biết thực tế của mình.

Người làm luật phải có trình độ lý luận và thực tiễn. Mà trình độ này khác nhau giữa những người khác nhau. Do đó nhiều khi nhiệm kỳ này thấy cần thiết phải có luật này, nhưng nhiệm kỳ sau lại nghĩ khác. Nó làm cho luật trở nên manh mún, không có tính hệ thống.

Nghĩa là làm cũng sai, mà không làm lại càng sai?

Xây dựng luật là một vấn đề phức tạp và rất khó khăn, đòi hỏi phải có trình độ cao chứ không đơn thuần là xây dựng một vài văn bản nội bộ. Do đó, tới đây có lẽ phải yêu cầu cao về trình độ của đội ngũ này.

Có khi nào có chuyện lợi ích nhóm trong làm luật, hoặc làm luật vì có kinh phí, có tiền, nên thích làm, thích sửa?

Cái này thì phải có bằng chứng mới nói được. Mình không có bằng chứng thì không nói thiếu căn cứ được. Còn trong xây dựng, sửa đổi luật, đều có kinh phí theo quy định chung. Chắc có lẽ chẳng ai xây dựng luật chỉ để có kinh phí. Bởi khi đó đã là công việc của họ, thì phải cố gắng mà làm cho tốt. Chưa làm tốt chứng tỏ trình độ chưa cao, chưa đáp ứng, chứ không có nghĩa là có tiêu cực.

Xin cảm ơn ông!

Tiếp tục phiên họp thứ 27, sáng 13/9 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Theo Nghị quyết 718 của Quốc hội thì Chính phủ được giao chủ trì chuẩn bị 75 dự án luật, pháp lệnh dự kiến phải được ban hành, sửa đổi, bổ sung để triển khai thi hành Hiến pháp. Thống kê của Uỷ ban Pháp luật cho thấy, sau gần 5 năm thực hiện, Chính phủ đã trình ban hành được 54 luật, pháp lệnh (đạt 72%), đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và 2019 bốn dự án (chiếm 5,3%), còn lại 17 dự án (chiếm 22,6%) chưa đưa vào chương trình, trong đó, so với thời hạn dự kiến có 2 dự án quá hạn 4 năm (chiếm 2,7 %), 2 dự án quá hạn 3 năm (chiếm 2,7%), 9 dự án quá hạn 02 năm (chiếm 12%).

Tô Hội (thực hiện)

BẢN DESKTOP