Dữ liệu y khoa

Có thể tiêu diệt vi khuẩn HP với tỷ lệ cao

  • Tác giả : Khánh Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) là một loại vi khuẩn sinh sống và phát triển trong dạ dày người. Ở môi trường axit như dạ dày, vi khuẩn HP tồn tại bằng cách tiết ra một loại enzyme là Urease giúp trung hòa độ axit trong dạ dày. Khi nhiễm vi khuẩn HP có thể dẫn tới viêm dạ dày mạn tính tiến triển và là nguyên nhân chính gây loét dạ dày, tá tràng, ung thư dạ dày.

Loại vi khuẩn có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất 

Các nghiên cứu chỉ ra, có khoảng 1% những người nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori có nguy cơ mắc ung thư. Tại Hội nghị khoa học tiêu hóa gan mật nhân kỷ niệm 1 năm thành lập Viện Nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa gan, mật vừa được tổ chức, PGS.TS Nguyễn Duy Thắng, Viện trưởng cho biết, nhiễm vi khuẩn HP đang rất cao ở các nước phát triển, đây là vi khuẩn có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất ở Việt Nam và trên thế giới. Vì lý do đó, Viện Nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa gan mật đã thực hiện nghiên cứu: “Điều trị diệt trừ HP trong các gia đình có thanh viên nhiễm HP”.

Tiêu chuẩn lựa chọn của nghiên cứu là thành viên trong gia đình có ít nhất 1 người bị nhiễm HP. Phác đồ điều trị  cho người lớn và trẻ em từ 10 tuổi trở lên, phác đồ chính là phác đồ nối tiếp 4 thuốc có Bismuth, nếu thất bại sử dụng phác đồ 3 thuốc có Quinolone. Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ nhiễm HP chung là 85,9%, tỷ lệ nhiễm HP trẻ em dưới 8 tuổi là 96,2%. Tỷ lệ diệt HP bậc 1 với phác đồ nối tiếp 4 thuốc có Bismuth cho đối tượng từ 10 tuổi trở lên là 78,6%. Tỷ lệ diệt HP với phác đồ có PAL sau thất bại với phác đồ nối tiếp là 83%.

Kết quả này là tin vui với những người bệnh nhiễm HP và những người thân trong gia đình chung sống với người bệnh bởi, vi khuẩn HP có khả năng lây lan  qua các thói quen sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, vi khuẩn HP còn có thể lây nhiễm do khám chung các thiết bị y tế như nội soi dạ dày, soi tai mũi họng, dụng cụ nha khoa...

Bé 2 tuổi đã nhiễm HP

Trên thế giới có khoảng 50% dân số nhiễm vi khuẩn HP, quan ngại hơn, trẻ nhỏ cũng có nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Tại Viện Nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa gan mật đã phát hiện trường hợp cháu bé 2 tuổi nhiễm HP do mẹ mắc HP mớm cơm cho con. Các trường hợp này không phát hiện được bệnh do không có biểu hiện triệu chứng hay biến chứng nào trên đường tiêu hóa, chỉ khi gia đình có người bị bệnh đi khám và muốn tầm soát cho cả nhà mới phát hiện bệnh.

Người bệnh muốn biết mình có nhiễm vi khuẩn HP hay không cần để ý các triệu chứng như đau dạ dày mãn tính, bị viêm dạ dày, viêm loét dạ dày…nên đi khám để được điều trị sớm. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thắng, không phải ai nhiễm HP cũng có chỉ định điều trị. Việc điều trị chỉ tiến hành trên các đối tượng viêm loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày đã được điều trị, thiếu máu do thiếu sắt, xuất huyết giảm tiểu cầu…Việc điều trị dự phòng ung thư dạ dày cho những người nhiễm HP trong trường hợp gia đình có người mắc bệnh ung thư dạ dày, có polyp dạ dày, viêm teo niêm mạc dạ dày, sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) kéo dài hoặc người mong muốn diệt trừ HP.

Đối với trẻ em, việc điều trị cần cân nhắc bởi ngay cả khi đã tiêu diệt hết vi khuẩn HP  nhưng do các cháu chưa biết giữ gìn vệ sinh trong ăn uống nên việc nhiễm lại khá cao. Vi khuẩn HP có nhiều dạng, có thể đã diệt hết dạng này nhưng ăn uống mất vệ sinh cháu lại mắc sang dạng khác, việc điều trị chỉ nên tiến hành khi các cháu đã có triệu chứng bệnh như loét dạ dày tá tràng, mắc chứng khó tiêu, xuất huyết giảm tiểu cầu nhưng không rõ nguyên căn, thiếu máu, thiếu sắt, viêm teo niêm mạc dạ dày…

Khánh Thủy

BẢN DESKTOP