KINH TẾ

Có thể kiểm soát CPI dưới 4%

  • Tác giả : Quốc Trọng
Năm 2021, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Nhưng năm 2022 lại tiềm ẩn nguy cơ lạm phát do giá cả nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng, cùng với nỗ lực phục hồi kinh tế bằng các chính sách tài khóa, nới lỏng tiền tệ.

Đó là nhận định của bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và khả năng kiểm soát lạm phát của nước ta trong thời gian tới.

Theo Tổng Cục thống kê, CPI tháng 8/2021 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 2,51% so với tháng 12/2020 và tăng 2,82% so với tháng 8/2020. Tính chung 8 tháng, CPI tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2021.

Các yếu tố làm tăng CPI 8 tháng đầu năm gồm: Giá xăng dầu tăng 22,86%, làm CPI chung tăng 0,82 điểm phần trăm; giá bán lẻ gas tăng 20,26%, làm CPI chung tăng 0,3 điểm phần trăm. Ngoài ra, giá dịch vụ giáo dục tăng 4,44%, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và giá xi măng, sắt, thép, cát tăng...

Ở chiều ngược lại, giá các mặt hàng thực phẩm 8 tháng giảm 0,38%, làm CPI giảm 0,08 điểm phần trăm; gói hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng tác động làm CPI chung giảm 0,03 điểm phần trăm; giá vé tàu hỏa giảm 0,4%, giá vé máy bay giảm 19,85%, giá du lịch trọn gói giảm 2,76%...

Mặc dù CPI 8 tháng đầu năm tăng thấp nhất so với cùng kỳ giai đoạn từ năm 2016 đến nay song ảnh hưởng từ dịch Covid -19 sẽ khiến tình hình khó lường hơn.

Với sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, năm 2021, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng về lâu dài giá cả nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng, cùng với nỗ lực phục hồi kinh tế bằng các chính sách tài khóa, nới lỏng tiền tệ khiến nguy cơ lạm phát cao tiềm ẩn vào năm 2022.

Để kiểm soát bền vững lạm phát năm 2022, theo bà Nguyễn Thị Hương, Chính phủ cần chủ động thực hiện bảo đảm cân đối cung-cầu, bình ổn thị trường, giá cả, nhất là những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu cần công khai minh bạch thông tin để kiểm soát lạm phát kỳ vọng.

Bên cạnh đó là có các biện pháp bình ổn thị trường, bao gồm khuyến khích sản xuất các mặt hàng như sắt thép, vật liệu xây dựng cho đến ổn định giá các loại phân bón, 

Một mặt hàng cần chú ý là xăng dầu. Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần chỉ đạo theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và kết hợp sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp, để hạn chế mức tăng giá mặt hàng này đến CPI chung.

Quốc Trọng

BẢN DESKTOP