Doanh nghiệp

Cổ phiếu vào diện kiểm soát, Vietnam Airlines làm ăn ra sao?

  • Tác giả : Minh Quang
Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) mới đây đã ra quyết định chuyển hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN được phát hành bởi Tổng công ty Hàng không Việt Nam-CTCP (Vietnam Airlines) từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 12/5/2023.

Nguyên nhân hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN bị HoSE kiểm soát là do Vietnam Airlines chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 30 ngày so với thời hạn quy định.

Co phieu vao dien kiem soat, Vietnam Airlines lam an ra sao?
Cổ phiếu Vietnam Airlines vào diện kiểm soát từ ngày 12/5 - Ảnh: baochinhphu.vn

Liên tục chậm công bố thông tin

Giải trình với HoSE về việc chậm công bố thông tin, hôm 5/5, Vietnam Airlines cho biết đang tái cấu trúc toàn diện, sắp xếp, ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước tái cơ cấu doanh nghiệp.

Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cần thêm thời gian tiến hành thu thập, đối chiếu và đánh giá toàn diện các thông tin liên quan để có thể hoàn thành kiểm toán báo cáo tài chính của Vietnam Airlines.

“Hiện tại, công ty đang phối hợp chặt chẽ với đơn vị kiểm toán để sớm hoàn thành và công bố báo cáo tài chính trong thời gian sớm nhất. Vietnam Airlines cam kết thực hiện công bố thông tin báo cáo tài chính công ty mẹ và hợp nhất năm 2022 ngay sau khi hoàn thành”, Vietnam Airlines cho biết.

Trước đó, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đã bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 25/4. Nguyên nhân được xác định do Vietnam Airlines chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 dù đã được nhắc nhở.

Theo quy định, nếu Vietnam Airlines tiếp tục trễ hẹn công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm ngoái (2022) 45 ngày, cổ phiếu HVN sẽ bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên doanh nghiệp hàng không này chậm công bố thông tin. Tình trạng này diễn ra thường xuyên hàng năm.

Gần đây nhất, giữa năm 2022, Vietnam Airlines cũng xin chậm công bố thông tin với lý do nhiều cán bộ nhân viên kế toán phải cách ly, điều trị Covid-19. Các nhân sự còn lại phải ưu tiên hoàn thành báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 nên chưa thể tập trung lập báo cáo tài chính quý IV/2022.

Lưu ý rằng, Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 sẽ quyết định khả năng duy trì niêm yết của cổ phiếu HVN.

Vào tháng 2/2023, HoSE đã cảnh báo HVN có thể bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục báo lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ, hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.

Lỗ đậm

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 tự lập, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm 10.452,6 tỷ đồng.

Đến hết năm ngoái, lợi nhuận luỹ kế của cổ đông công ty mẹ âm 34.199,5 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của hãng bay này âm 10.199,2 tỷ đồng.

Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý IV là âm 827 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đến cuối quý IV/2022 là âm 2.625 tỷ đồng, lũy kế cùng kỳ từ đầu năm đến cuối quý IV/2021 là âm 10.018 tỷ đồng.

Tổng khoản phải thu ngắn hạn cuối kỳ là 4.172 tỷ đồng, trong đó phải thu của các đại lý bán sản phẩm vận chuyển hành khách là 1.580 tỷ đồng, khoản phải thu ngắn hạn khác lên tới 1.627 tỷ đồng.

Hàng tồn kho của Vietnam Airlines cuối kỳ báo cáo là 3.076 tỷ đồng, trong khi đó đầu kỳ là 2.424 tỷ đồng (tăng khoảng 652 tỷ đồng). Riêng chi phí phải trả ngắn hạn cuối kỳ cao gần gấp đôi so với đầu năm. Cụ thể chi phí phải trả cuối kỳ là 6.116 tỷ đồng trong khi đó đầu kỳ là 3.862 tỷ đồng.

Khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tới thời điểm ngày 31/12/2022 là 13.400 tỷ đồng, thời điểm đầu năm là 14.374 tỷ đồng; Vay và nợ thuê tài chính dài hạn tới thời điểm ngày 31/12/2022 là 19.130 tỷ đồng, trong khi đó tại thời điểm đầu năm là 23.769 tỷ đồng.

Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2021 lợi nhuận sau thuế chưa được phân phối là âm 9.051 tỷ đồng; nợ phải trả là 62.533 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả ngắn hạn lên tới 41.194 tỷ đồng, nợ phải trả dài hạn là 21.339 tỷ đồng.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam chính thức chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần từ ngày 01/04/2015. Tổng số vốn điều lệ theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cấp thay đổi lần thứ 8 là 22.143 tỷ đồng.

Vietnam Airlines có 15 công ty con kinh doanh các lĩnh vực như: kinh doanh xuất nhập khẩu, kinh doanh kho bãi, in ấn, giao nhận hàng hóa; chế biến suất ăn, đồ uống phục vụ hành khách, cung cấp các dịch vụ liên quan đến quá trình sản xuất, cung ứng suất ăn; kinh doanh cho thuê máy bay động cơ, dụng cụ, thiết bị, phụ tùng và vật tư máy bay; kinh doanh dịch vụ nhận gửi, chuyển phát hàng hóa trong nước và quốc tế; Tư vấn du học, xuất khẩu lao động;…

Minh Quang

BẢN DESKTOP