Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) vừa có báo cáo đánh giá nhanh sự kiện gián đoạn tại kênh đào Suez.
Ngày 19/12, hãng vận tải A.P Moller-Maersk và công ty dầu khí như BP Plc đã tuyên bố tạm dừng việc vận chuyển hàng hóa qua kênh đào Suez thuộc khu vực Biển Đỏ hoặc sử dụng các tuyến đường vận tải biển dài hơn trước những cuộc tấn công của nhóm vũ trang Houthi, Yemen.
Trong số đó, hàng chục tàu container mang theo hàng hóa vận chuyển qua lại giữa khu vực châu Á và châu Âu, để ngỏ rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu như từng diễn ra trong giai đoạn tháng 3/2021.
Tình trạng ùn tắc quanh kênh đào Suez |
Kênh đào Suez, dài 192 km, là tuyến đường thủy ngắn nhất kết nối khu vực châu Á và châu Âu, với khoảng 12% lượng giao thông đường thủy phải đi qua khu vực này.
Kênh đào là một trong số bảy nút thắt (choke points) quan trọng cho việc vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là dầu, trên thế giới.
Bình quân 9,2 triệu thùng dầu/ngày được vận chuyển qua kênh đào Suez, theo số liệu của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) tính đến nửa đầu năm 2023. Con số này tương đương 9% nhu cầu tiêu thụ dầu trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, khoảng 4% lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), hay 391 Mt trong năm 2023 được vận chuyển qua tuyến đường thủy này.
Việc kênh đào bị tắc nghẽn và các chuyến tàu phải vận chuyển vòng qua điểm cực Nam của châu Phi sẽ làm đội giá chi phí và tăng thời gian vận chuyển hàng hóa lên 7-14 ngày.
Cơ quan quản lý Kênh đào Suez cho hay, trong cùng kỳ 2022, khoảng 2.128 con tàu đi qua kênh đào Suez mỗi tháng. Tuy nhiên, khoảng 55 con tàu phải chuyển hướng đi qua mũi Hảo Vọng trong khi nhiều hãng vận tải lớn ra thông báo tạm dừng khai thác tuyến đường thủy này.
Đặc biệt, ngày 18/12 vừa qua, Công ty Dầu khí BP, công ty năng lượng lớn thứ ba thế giới, phát đi thông báo về việc tạm dừng hoạt động vận chuyển qua khu vực Biển Đỏ. Đây là yếu tố sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động vận chuyển dầu khí trong ngắn hạn, làm tăng giá cước vận tải đối với các loại tàu như tàu tanker, tàu container, tàu chở hàng rời... và gián tiếp hỗ trợ đà hồi phục của giá dầu.
Vậy sự kiện này sẽ có những tác động như thế nào đến thị trường chứng khoán và các nhà đầu tư cần hành động thế nào?
Chỉ số Drewry WCI, chỉ số cước container cho 8 tuyến đường vận tải biển chính giữa Mỹ, châu Âu và châu Á, tăng 4% lên mức 1.521 USD/40ft container trong tuần qua. Cụ thể, giá cước vận tải đi từ Thượng Hải tới Rotterdam tăng 7% lên mức 1.442 USD/feu, trong khi tuyến Shanghai-Genoa và Shanghai-New York tăng lần lượt 6% và 4% so với tuần trước đó.
Các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành vận tải biển, vận chuyển dầu thô, LNG được đánh giá hưởng lợi trong ngắn hạn nhờ đà tăng của giá cước bao gồm HAH, VSC, PVT.
Giá dầu thô trong phiên 18/12 đã có lúc chạm mốc 74,62 USD/thùng, tăng 3,2% so với giá ngày liền trước. Trong khi đó, giá dầu Brent tăng mạnh 3,5%, lên mức 79,50 USD/thùng trước khi dần hạ nhiệt và cân bằng hơn ở mức 77,94 USD/thùng. Giá dầu diễn biến tích cực dự kiến sẽ là yếu tố hỗ trợ cho việc đầu cơ ngắn hạn đối với các mã cổ phiếu thuộc nhóm ngành dầu khí như PVS, PVD.
Xét theo khía cạnh vĩ mô, việc chuỗi cung ứng bị đứt gãy sẽ khiến cho hoạt động bán lẻ và tiêu dùng dịp lễ cuối năm tại Mỹ, chịu nhiều ảnh hưởng. Hoạt động thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam tới châu Âu sẽ chịu tác động tiêu cực do chi phí Logistic tăng đáng kể và hoạt động chuyển hàng bị trì hoãn.
Những cuộc tấn công trả đũa xuất phát từ cuộc xung đột Israel - Hamas nhắm vào các tuyến đường vận tải biển tại khu vực Biển Đỏ nói chung và kênh đào Suez nói riêng có thể tiếp tục bộc phát kéo dài trước khi các quốc gia có thể tìm được tiếng nói chung trong khu vực.
Việc vận chuyển hàng hóa bằng các tàu container, tàu chở hàng rời, oil tanker qua khu vực này được dự báo sẽ tiếp tục chịu gián đoạn hoặc phải chọn tuyến đường vận chuyển dài hơn nhưng an toàn hơn.
Giá dầu cũng như giá cước vận tải biển hồi phục sẽ đem tới nhiều cơ hội đầu tư trong ngắn hạn đối với các nhóm ngành như dầu khí, vận tải biển. Những cổ phiếu khuyến nghị theo dõi giai đoạn này gồm HAH, PVS, PVD, PVT.