Y học và đời sống

Có phải bệnh tái phát?

Khi tôi còn nhỏ có bị hen phế quản. Từ đó đến năm nay tôi 40 tuổi không bị lại nhưng gần đây lại thấy hay bị khó thở, ho nhiều và khạc đờm đặc. Có phải tôi bị bệnh tái phát lại không và phải làm gì để kiểm soát tốt hen?

Nguyệt Thu (Tuyên Quang)

PGS. TS. BS Nguyễn Văn Đoàn – Giám đốc Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng (BV Bạch Mai) trả lời:

Lúc trẻ bạn bị hen, sau đó nhiều năm bạn không bị hen nữa là vì lúc đó hen đã được kiểm soát. Gần đây bạn lại có triệu chứng trở lại là dấu hiệu hen bị mất kiểm soát.

Cho đến nay chưa có loại thuốc hay phương pháp nào chữa khỏi hẳn bệnh hen, nhưng bạn có thể kiểm soát tốt bệnh này được. Khi bệnh hen được kiểm soát triệt để có nghĩa là bạn không còn lên cơn hen hoặc thi thoảng mới có cơn hen nhẹ.

Ở đây triệu chứng của bạn là ho khạc đờm dính đặc khác với hen suyễn là ho khan. Bạn cần xem chính xác là hen suyễn hay không hay là một bệnh nào khác như viêm phế quản mạn, dãn phế quản, thậm chí là lao phổi, ung thư phế quản…Bạn nên đi khám bác sỹ chuyên khoa hô hấp.

Còn để kiểm soát tốt và điều trị bệnh hen một cách tốt nhất, trong sinh hoạt người đã bị hen cần chú ý không để mắc những bệnh đường hô hấp trên. Khi có nghi ngờ mắc bệnh đường hô hấp, nhất là những người có cơ địa dị ứng cần đi khám ngay và điều trị dứt điểm.

Ngoài ra, cần tiêm ngừa cúm mỗi năm. Không hút thuốc lá, thuốc lào; tránh ăn những thực phẩm có nguy cơ cao gây lên các cơn hen cấp tính hoặc làm cho bệnh nặng lên như tôm, cua… Không nên nuôi chó mèo trong nhà khi mắc bệnh hen. Cùng với đó tập thể dục điều đặn để tăng cường sức đề kháng, nhất là tập thở.

TH (ghi)

BẢN DESKTOP