Khám phá

Có khả thi khai thác taxi bay ở Bình Định, chủng loại nào phù hợp?

  • Tác giả : Nguyên Khoa
Taxi bay, hay eVTOL (Electric Vertical Take-Off and Landing), không chỉ là một xu hướng công nghệ mới mà còn là bước tiến quan trọng trong việc phát triển các phương tiện giao thông thông minh.

Ngày 30/10, UBND tỉnh Bình Định đã chính thức gửi văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng đề án thí điểm taxi bay trên địa bàn tỉnh.

Bình Định đề xuất táo bạo, Bộ GTVT phản hồi

Theo UBND tỉnh Bình Định, taxi bay (eVTOL – Electric Vertical Take-Off and Landing), với khả năng cất và hạ cánh thẳng đứng, vận chuyển 4-5 người, là phương thức vận tải bằng phương tiện xanh, mới lạ, độc đáo, hiện đại, có tính đột phá, giúp di chuyển dễ dàng, tiết kiệm thời gian và không phát thải một số chất gây hại so với phương tiện đường bộ, đường sắt thông thường.

Chiếc Pegasus của một startup Việt Nam đang được Bộ Quốc phòng cấp phép bay thử nghiệm. Ảnh: Airlios

Chiếc Pegasus của một startup Việt Nam đang được Bộ Quốc phòng cấp phép bay thử nghiệm. Ảnh: Airlios

Trước đề xuất thí điểm taxi bay của tỉnh Bình Định, Bộ GTVT cho biết ủng hộ các địa phương nghiên cứu triển khai những loại hình phương tiện phù hợp, an toàn, trong đó có taxi bay, tạo phương thức giao thông tiên tiến, hiện đại để xây dựng hình ảnh, phát triển du lịch.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng chỉ rõ, kiến nghị của tỉnh Bình Định về đề án thí điểm taxi bay hiện chưa cụ thể, chưa có đề xuất liên quan đến hành lang pháp lý, cơ chế quản lý, kế hoạch thực hiện nên Bộ GTVT chưa đủ cơ sở xem xét, tham gia ý kiến. Việt Nam hiện chưa có quy định quản lý, khai thác đối với hoạt động kinh doanh, vận chuyển bằng loại hình taxi bay. Vì vậy, việc nghiên cứu triển khai loại hình này cần một lộ trình bảo đảm an toàn, thận trọng, khoa học và chặt chẽ.

Mô hình hàng không ứng dụng công nghệ ở Việt Nam

Taxi bay là loại hình vận tải hoàn toàn mới, trên thế giới hiện có một số quốc gia đã nghiên cứu, thử nghiệm thành công, nổi bật là: Mỹ, Đức, Dubai, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Riêng tại Việt Nam, mặc dù chưa có taxi bay đúng nghĩa, một số hình thức dịch vụ hàng không gắn với ứng dụng công nghệ đã được triển khai để thúc đẩy du lịch xanh. Nổi bật là dù lượn có động cơ (paramotor). Mô hình này được sử dụng tại các tỉnh Quảng Ninh và Đà Nẵng. Theo đánh giá của giới chuyên gia công nghệ và hàng không, đây có thể xem như bước đệm cho việc nghiên cứu và phát triển taxi bay trong tương lai tại Việt Nam.

Mẫu taxi bay SA-2 của hãng Hyundai - Hàn Quốc được giới thiệu tại triển lãm CES đầu năm 2024. Nguồn: Hyundai Motors

Mẫu taxi bay SA-2 của hãng Hyundai - Hàn Quốc được giới thiệu tại triển lãm CES đầu năm 2024. Nguồn: Hyundai Motors

Ngoài ra còn có mô hình trực thăng ngắm cảnh. Loại hình này, về cơ bản chỉ khác biệt với taxi bay ở công nghệ. Hiện tại trong nước loại hình này được triển khai tại Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Mù Cang Chải (Yên Bái), Đà Nẵng và Vũng Tàu v.v... Các chuyến bay này được triển khai bởi các công ty bay trực thuộc Bộ Quốc phòng và thu hút lượng lớn du khách cao cấp.

Các dịch vụ này, dù chưa được xem là taxi bay chính thống, nhưng cũng cho thấy sự quan tâm và tiềm năng khai thác các loại hình vận tải hàng không nhỏ tại Việt Nam. Nếu được đưa vào vận hành, taxi bay e-VTOL sẽ trực tiếp cạnh tranh thay thế loại hình trực thăng ngắm cảnh.

Một tín hiệu tích cực tại Việt Nam là sự xuất hiện của startup trong nước như Airlios. Dự án start-up Airlios (chuyên về thiết bị bay cá nhân, gồm mô tô bay và taxi bay) đang chào bán 4 mẫu taxi bay sản xuất tại Việt Nam là Air One, Pegasus, Minotaur và Custom với giá bán từ 2 - 2,46 tỉ đồng.

Được Bộ Quốc phòng cấp phép thử nghiệm, Airlios tập trung vào các tuyến ngắn, phù hợp với nhu cầu du lịch và giao thông địa phương. Tuy nhiên, chỉ với một start-up thực sự nghiêm túc trong công nghệ eVTOL là quá mỏng và thực sự là chưa đủ để loại hình này sớm đi vào thực tiễn.

Tiềm năng và thách thức

Mặc dù taxi bay hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngành giao thông và du lịch, nhưng việc triển khai công nghệ này vẫn gặp không ít khó khăn. Một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề pháp lý và quy định về an toàn giao thông.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường ĐH Bách khoa TP HCM cho biết, về pháp lý hiện chưa có nhiều quy định liên quan đến dòng sản phẩm này tại Việt Nam. Pháp lý hàng không của Việt Nam thường dùng cho những phương tiện đã được ứng dụng thực tế chứ chưa có quy định đi trước. Lĩnh vực này các nước phát triển đã đi trước và Việt Nam nên tham khảo để có quy định phù hợp. “Nhà nước cũng phải xem xét đưa ra những quy định pháp luật về loại hình này. Ví dụ như kiểm định điều kiện an toàn bay hay không và kiểm tra định kỳ” - ông Tống góp ý.

Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không (Bộ GTVT), hiện nay trên thế giới một số hãng đã bắt đầu đầu tư nghiên cứu về dạng phương tiện bay cá nhân như mô tô bay, ô tô bay. “Sản phẩm này tương lai có thể sẽ phổ biến vì sự hữu dụng của nó nhưng cần một quá trình dài để thử nghiệm, đánh giá. Ví dụ như đối với máy bay được cấp chứng chỉ đủ điều kiện hoạt động khai thác vì hiện đã có hạ tầng như sân bay, quản lý vùng bay, các quy định của pháp luật rõ ràng” - ông Thắng chia sẻ.

Một vấn đề khác cần được giải quyết là hạ tầng. Để taxi bay có thể hoạt động hiệu quả, cần đầu tư vào việc xây dựng các bãi đỗ đặc biệt (vertiport), cũng như các hệ thống điều phối giao thông không lưu. Các bãi đỗ này phải đảm bảo không gian rộng rãi và an toàn, phù hợp với các phương tiện bay hiện đại.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM, cho rằng ở nước ngoài đường điện đi chìm dưới đất còn Việt Nam có nhiều dây điện, kể cả điện cao thế nên sẽ khá bất tiện. Ông Dũng đưa ra nhận định rằng: “Nếu áp dụng thì chỉ phù hợp với những khu vực riêng, nơi để trải nghiệm như du lịch, tham quan giống như trải nghiệm máy bay trực thăng tham quan”.

Taxi bay EH216-S thành công nhất của Trung Quốc đang được sản xuất, thử nghiệm hàng loạt. Ảnh: Ehang Co.

Taxi bay EH216-S thành công nhất của Trung Quốc đang được sản xuất, thử nghiệm hàng loạt. Ảnh: Ehang Co.

Một chuyên gia từ Hội Khoa học và công nghệ Hàng không Việt Nam (VASST) đưa ra nhận định: “Hiện tại có thể nói Mỹ, Đức và Trung Quốc đang là những nước dẫn đầu trong công nghệ này. Nếu muốn đi nhanh hơn, chúng ta có thể lựa chọn phương án hợp tác nghiên cứu hoặc mời gọi các công ty công nghệ từ các nước đầu tư nhà máy sản xuất, thử nghiệm taxi bay tại Việt Nam. Các công ty công nghệ trong nước, dù đi sau nhưng không có nghĩa là không có cơ hội”.

Như vậy, hiện có rất nhiều lựa chọn phụ thuộc vào tiềm lực kinh tế cũng như công nghệ. Bình Định chưa nêu loại hình công nghệ hay công ty nào sẽ là đơn vị triển khai taxi bay tại địa phương. Tuy nhiên đề xuất này của tỉnh xuất phát từ cam kết hỗ trợ nghiên cứu của một đối tác Hàn Quốc.

Khai thác taxi bay tại Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng là một ý tưởng đầy tiềm năng, dù còn nhiều thách thức. Để hiện thực hóa taxi bay, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và doanh nghiệp.

Mỹ đang phát triển mạnh các dòng taxi bay sử dụng năng lượng điện, với mục tiêu giảm tiếng ồn và bảo vệ môi trường. Tiêu biểu nhất là Joby Aviation, với sự ủng hộ mạnh mẽ từ NASA. Tháng 10/2024, Cục Hàng không liên bang Mỹ đã ban hành các quy định đầu tiên về các loại máy bay tự động, hoạt động bằng động cơ điện, có thể cất cánh thẳng đứng, gọi chung là loại có động cơ nâng (Power Lift Catergories), bao gồm e-VTOL để dự kiến khai thác vào năm 2028.

Châu Âu không kém cạnh, với các dự án từ Volocopter và Lilium Jet tại Đức. Trong đó, Volocopter đã thử nghiệm thành công tại Paris, phục vụ Thế vận hội 2024. Ở Dubai, taxi bay sử dụng máy bay không người lái (drone) của công ty Volocopter đã được thử nghiệm thành công, phục vụ du lịch trên các tuyến ngắn. Singapore cũng đã triển khai thử nghiệm các chuyến taxi bay giữa trung tâm thành phố và sân bay, hướng đến giải pháp giao thông đô thị hiệu quả.

Tại Hàn Quốc, hiện tại đã đi vào vận hành taxi bay sử dụng trực thăng. Huyndai cũng có dự án phát triển mẫu e-VTOL có tên SA-2 vừa ra mắt hồi đầu năm. Trung Quốc đã xây dựng lộ trình để đưa e-VTOL vào khai thác từ năm 2025. Hiện tại hãng Ehang đã sản xuất hàng trăm mẫu taxi bay để thử nghiệm và đặt mục tiêu khai thác quy mô lớn vào năm 2035 với số lượng lên đến hàng nghìn phương tiện.

Nguyên Khoa
Từ Khoá

BẢN DESKTOP