Bình luận

Cô giáo quỳ sẽ học cách đứng dậy thế nào?

Tôi thực sự thương cảm và đau lòng thay cho cô giáo ấy. Tôi không biết trong con đường tiếp tục làm nghề dạy của mình cô giáo quỳ vì bị ép ấy sẽ học cách đứng dậy và ngẩng đầu lên như thế nào”, cô giáo, ThS Đặng Thị Liễu, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội chia sẻ.

Cô giáo, ThS Đặng Thị Liễu.

Bỏ qua đạo nghĩa làm người

Vụ việc cô giáo quỳ vì bị phụ huynh ép đang nhận được sự quan tâm của xã hội. Là một cô giáo đang đứng lớp, cảm xúc của chị như thế nào khi nghe thông tin về câu chuyện của đồng nghiệp?

Thoạt tiên khi mới biết về vụ việc cô giáo quỳ, tôi hết sức bất ngờ, không hiểu sao lại xảy ra một chuyện ngang trái, đau lòng như thế! Tôi nghĩ không biết từ lúc nào vị thế người giáo viên lại trở nên thảm hại như vậy.

Chị đánh giá như thế nào về hành động ép cô giáo quỳ của vị phụ huynh?

Đứng ở cương vị một người thầy, tôi thấy khi phụ huynh làm như vậy là đã hoàn toàn bỏ qua cái lễ nghĩa, đạo nghĩa làm người.

Xã hội có phát triển đến đâu, theo tôi, những yếu tố, giá trị truyền thống, đặc biệt về mặt giáo dục nó vẫn là chân lý. Ví dụ tôn sư trọng đạo, tiên học lễ, hậu học văn… cha mẹ muốn con học được chữ trước hết phải giúp con học lễ đã.

Với người đã dạy con mình, mà cha mẹ hành xử với tâm lý ăn thua, hiếu thắng, buộc cô giáo quỳ, phải chịu những hình phạt như con mình đã chịu thì rõ ràng không còn đạo lý làm người, bỏ qua các lễ nghĩa rồi.

Có luồng ý kiến cho rằng, nếu việc bắt cô giáo quỳ là đáng lên án, thì cô giáo cũng là người phải sự lên án tương đương vì đã bắt học sinh quỳ. Không có cớ gì cô giáo được bênh vực còn trẻ em thì không. Ý kiến của chị thế nào?

Tôi không trực tiếp chứng kiến vụ việc, chỉ nghe thông tin qua báo chí, nhưng theo những gì tôi được biết thì xét về mục đích, tuy cùng là hành động bắt quỳ, nhưng có sự khác nhau.

Với người làm thầy, mục đích của thầy khi dạy dỗ học trò, phạt nhằm mục đích gì?

Giả sử cô giáo bắt phạt 1, 2 học trò quay mặt xuống để các bạn chứng kiến, để trừng phạt, lăng nhục nhân phẩm của học trò thì cái đó cực kỳ phản giáo dục và tôi phản đối.

Nhưng nếu là phạt toàn tập thể lớp để răn đe một lỗi nào đó, thì chúng ta có thể nhìn sự việc ở góc nhìn mềm mỏng, toàn diện hơn.

Còn với phụ huynh, việc bắt cô giáo quỳ, mục đích là gì? Rõ ràng chỉ là sự xả hận, trút bực tức trong người, tâm lý ăn thua như tôi đã phân tích thì là hành động trái đạo lý, đáng lên án.

Sự việc cô giáo quỳ vì bị phụ huynh ép buộc khiến dư luận bàng hoàng, đau xót.

Cô giáo sẽ học cách đứng dậy thế nào?

Có ý kiến cho rằng, việc chấp nhận quỳ thể hiện ứng xử của cô giáo còn “non”, tự hạ thấp lòng tự trọng của mình. Chị suy nghĩ như thế nào về điều này?

Việc cô giáo quỳ đối với tôi là quá đáng tiếc. Tuy nhiên, đối với cô giáo chưa đến 30 tuổi (theo quan điểm của tôi, với nghề giáo đủ chững chạc từ 35 tuổi trở lên), kinh nghiệm nghề nghiệp, bản lĩnh trong những tình huống xảy ra có thể chưa vững.

Ngoài ra, cô ấy vừa đi làm sau chế độ nghỉ thai sản, về sức khỏe tinh thần dễ bị áp lực hơn những người bình thường. Những người có thể đứng ra hỗ trợ cô ấy thì lại không có ai… Cô ấy hoàn toàn đơn thương độc mã. Trong khi bị dồn đến bước đường cùng thì dễ có lựa chọn mất tỉnh táo.

Tức là hành động quỳ của cô giáo có thể thông cảm được?

Tôi cho là như vậy. Có thể vị phụ huynh kia dồn tới, lại “phô diễn” sự am hiểu luật pháp khiến cô ấy quá căng thẳng. Trước tình thế ấy, trong sự đơn thương độc mã, muốn sự việc lắng xuống cô buộc phải tự giải quyết, chấp nhận quỳ.

Nó không thể hiện sự hèn nhát mà là nỗi phẫn uất, cám cảnh, tủi nhục về nghề. Tôi đọc thấy có thông tin cô ấy nói: Tôi quỳ như thế thì anh đã hài lòng chưa?

Nếu đúng vậy thì đó không phải sự đớn hèn mà là một cách để đáp trả lại vị phụ huynh: Anh bắt thầy của con mình quỳ thì tôi quỳ cho anh thỏa nguyện.

Hình ảnh người thầy vốn gắn với sự “cao quý”, thiêng liêng. Hành động quỳ của cô giáo có làm tổn thương tới hình ảnh này?

Theo tôi, hành động quỳ của cô giáo trước hết làm tổn thương tới chính cô ấy. Cô ấy sẽ phải học cách đứng dậy, ngẩng cao đầu như thế nào sau vụ việc này?

Nó không hề dễ dàng, nhất với nghề gắn với chữ “thầy”, vốn gắn với sự tôn vinh về mặt tinh thần.

Thứ hai là tổn thương tới nhận thức, tình cảm của các em học sinh. Các em sẽ học được gì qua cách ứng xử của chính bố, mẹ mình với cô giáo như vậy?

Chị có nói tới sự đơn thương độc mã của cô giáo trong tình huống này, theo chị, những người chứng kiến có đáng trách không?

Tôi không thể hiểu tại sao, từ vị hiệu trưởng, rồi các đồng nghiệp mà lại để cô giáo một mình đối diện với cách hành xử vô lý như thế trong môi trường học đường.

Tôi cho rằng với những phụ huynh sẵn sàng bắt thầy dạy con mình quỳ trước mặt mình thì cũng dễ sản sinh ra những đứa con sẵn sàng hành xử như thế với giáo viên của mình.

Thầy ra thầy, trò ra trò thì trò được lợi

Câu chuyện này một lần nữa làm dấy lên tranh cãi, giáo viên có quyền phạt học sinh hay không? Ý kiến của chị thế nào?

Tôi nói thẳng người ta hay đồn thổi nhau về một số triết lý như không roi vọt, kỷ luật bằng yêu thương, điều đó rất nhân văn nhưng không thể áp dụng cho mọi đối tượng học sinh.

Tôi tin rằng, hiếm có phụ huynh nào chưa bao giờ trách phạt con, mà đó là một gia đình thường chỉ có 1 – 2 con.

Vậy nhìn lại các thầy cô, có lớp 50 – 60 học sinh, chừng ấy cá tính trưởng thành trong hoàn cảnh khác nhau, tâm sinh lí, trình độ nhận thức khác nhau thì thế nào?

Phải đứng trên bục giảng mới thấu hiểu được áp lực của các thầy cô.

Tôi cho rằng giáo viên cần phải linh hoạt bằng chuyên môn, nghiệp vụ từng hoàn cảnh, đối tượng cụ thể để đưa ra những biện pháp giáo dục phù hợp. Có nhiều tình huống phải phạt mới đủ sức răn đe.

Tuy nhiên, hình thức phạt thế nào lại là một câu chuyện khác. Trong đó, tôi không tán đồng cách phạt gây xúc phạm, làm tổn thương về mặt tinh thần cũng như thể chất trẻ.

Vụ việc có khiến chị có suy ngẫm buồn về nghề hay không?

Nhiều người coi nghề sư phạm giờ như người làm công ăn lương. Anh nhận lương nhà nước thì anh phải dạy con họ. Nhìn ở góc độ song phẳng, thực ra nó cũng là công bằng thôi.

Nhưng ở cương vị cá nhân tôi vẫn theo đuổi lý tưởng thầy ra thầy,  trò ra trò, phải có sự tôn trọng, đạo lý thầy trò.

Vì sao chị theo đuổi điều đó?

Trong truyện Những người khốn khổ (Victor Hugo) nhân vật Giăng Vangiăng khi ăn cắp đôi chân nến bằng bạc, bị cảnh sát bắt quay ngược trở lại nhà thờ thì vị Giám mục Myriel đã nói chính ông tặng cho cậu ấy.

Điều đó khiến Giăng Vangiăng sững sờ. Tình yêu thương, tình người của giám mục cứu vớt anh ta bên bờ vực thẳm, ranh giới mong manh giữa xấu xa và tốt đẹp, thiện lương và tàn ác.

Tôi nghĩ người thầy cũng như vị giám mục kia, nếu cứ dạy học trò với triết lý như với đôi chân nến bằng bạc đó thì tâm hồn, nhân cách học trò cũng được soi sáng bởi các điều tốt đẹp.

Thầy không chỉ dạy cho trò về tri thức mà còn cả về nhân cách. Nếu thầy ra thầy, trò ra trò, thầy được tôn trọng thì người được hưởng lợi lớn nhất chính là trò.

Như trong vụ việc này, nếu vị phụ huynh kia tôn trọng giáo viên tìm cách giải quyết khác thì sẽ không ai bị tổn thương.

Trân trọng cảm ơn chị!

Ngày 28/2, khi đang đứng lớp, cô BTTN – giáo viên lớp 4-3 (Trường Tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức (Long An)  bị bốn phụ huynh tự ý vào trường tìm gặp để làm rõ sự việc cô N. xử phạt con em họ phải quỳ gối. Biết mình hành xử sai, cô N. đã xin lỗi và hứa sẽ khắc phục. Tuy nhiên, phụ huynh không chấp nhận và yêu cầu cô N. phải quỳ.

Thời điểm này, ông Huỳnh Công Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, đã có mặt can thiệp và hứa sẽ có biện pháp xử phạt đối với cô N. Sau đó, vì có việc quan trọng nên ông rời đi. Thế nhưng dưới áp lực của phụ huynh, cô N. vẫn phải quỳ gối suốt 40 phút.

Mai Loan (thực hiện)

BẢN DESKTOP