Bình luận

Có dạng công chức “Nhà nước nuôi báo cô”

PGS.TS Ngô Thành Can, Phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia nhìn nhận, yêu cầu cán bộ công chức phải động não và đi cơ sở nhiều hơn xuất phát từ thực tế có những công chức ít đầu tư suy nghĩ cho công việc, xa dân, ỉ lại, chậm chạp trong đổi mới, trở thành dạng công chức “Nhà nước nuôi báo cô”.

Một bộ phận không nhỏ luôn bị động

Ông Nguyễn Hồng Sự, chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) vừa ký ban hành một văn bản yêu cầu cán bộ công chức phải động não và đi cơ sở nhiều hơn. Theo đó, ngoài việc cán bộ ít đi cơ sở thì đáng lo nhất là ít có người chịu đầu tư suy nghĩ để góp ý các dự thảo văn bản của cấp trên. Vì thế chưa đưa ra được nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc các sáng kiến, mô hình đột phá để phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Ông nghĩ sao về câu chuyện công chức động não này?

Một số cán bộ nhắc nhở công chức ít động não là muốn nói đến sự tập trung suy nghĩ vào công việc, chủ động trong công việc, có sáng tạo, đề xuất nhiều ý tưởng đóng góp tốt cho công việc chung và tránh việc ỷ lại, bảo sao nghe vậy, máy móc, chậm chạp.

Liệu có phải đó là đặc điểm dễ nhận thấy ở công chức?

Cán bộ càng ngồi ở cơ quan, càng xa cơ sở thì ngày càng xa rời thực tế, xa rời người dân, thì càng không biết cách xử lý tình huống thực tế, càng khó làm chính sách và kết quả là giải quyết vấn đề không trúng”.

Mặt tốt của công chức thường là, trung thành, tận tụy, chuyên nghiệp, biết hy sinh vì công vụ và có trách nhiệm. Mặt chưa tốt, còn dở của công chức thường hay bị nhắc nhở là kiêu căng ngạo mạn, hay vắng mặt ở cơ quan, động lực làm việc không cao, ít sáng tạo, ít đam mê công việc hay đổ lỗi cho người khác.

Như vậy nhắc nhở công chức phải “động não” lên, không có nghĩa là từ trước đến nay họ không động não, mà có một sự thật là một bộ phận không nhỏ công chức luôn bị động, lười suy nghĩ, chưa tập trung vào công việc, cấp trên bảo sao thì làm vậy, không có đề xuất, tham mưu gì.

Đó là dạng công chức được người ta chỉ ra là dạng “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về, làm việc không hiệu quả gì, có cũng như không”. Nhiều người gọi dạng công chức này là dạng “nhà nước nuôi báo cô”.

Động não ở đây là trách nhiệm đơn thuần với công việc hay đòi hỏi sự sáng tạo ở từng người?

Động não là từ nói chung chỉ sự tập trung suy nghĩ vào công việc, bám công việc, đầu tư suy nghĩ và thời gian vào công vụ và làm việc của bất kỳ một công chức nào, chứ không chỉ là yêu cầu phải sáng tạo, hay phải có những ý tưởng sáng tạo ghê gớm lớn lao trong công việc chỉ một số người làm được.

Động não là bậc thấp hơn của sáng tạo?

Động não trong công việc thì sẽ thực hiện được các mức độ khác nhau của sự đưa ra “ý tưởng”, “sáng tạo” trong công việc, như có những đề xuất, tham mưu đúng trong công việc hàng ngày, hay có những đề xuất chính sách tốt giúp chính quyền các cấp điều hành đất nước tốt và cao hơn, có thể đưa ra những tư tưởng về chính trị, hành chính đối với con đường đưa đất nước đi lên sánh vai các cường quốc năm châu.

Vì lương, lười động não

Như ông vừa đưa ra nhận định, thì vì sao công chức lười động não? Có phải vì lương thấp, có động não hay không thì lương vẫn thế?

Đã có những nghiên cứu về động lực làm việc của công chức và lý do vì sao công chức rời khỏi khu vực công. Các kết quả nghiên cứu cho thấy sự chưa tập trung vào công việc của nhân viên, công chức phụ thuộc vào môi trường làm việc chưa khuyến khích, con đường thăng tiến còn nhiều sự chi phối, chưa tạo động lực, thu nhập chưa khuyến khích, chưa đáp ứng cuộc sống hàng ngày, các chế độ chính sách chưa tạo động lực tốt.

Rõ ràng yếu tố lương, thu nhập có ảnh hưởng nhưng không phải là tất cả?

Đúng, vì ngoài thu nhập để sống, người ta có những nhu cầu cấp cao khác như, nhu cầu công bằng, nhu cầu được đánh giá và nhìn nhận đúng năng lực, nhu cầu thăng tiến.

Vậy là do cơ chế không khuyến khích động não hay do công chức lười?

Đây là câu hỏi hay và cũng khó có câu trả lời rõ ràng được. Thông thường người đi làm hay so sánh mình với những người có công việc tương tự với mình trong cơ quan về công sức bỏ ra và kết quả đạt được.

Nếu công sức và kết quả na ná nhau thì họ cho rằng công bằng, nếu khác nhau thì họ cho đó là bất công bằng và họ sẽ làm gì đó để phá bỏ sự bất công.

Vì cho là bất công nên thường họ có những phản ứng, việc làm tiêu cực. Do đó có thể nói tình trạng ít động não, nguyên nhân có từ cơ chế chung, có từ cách điều hành của các cấp quản lý và từ các cá nhân công chức.

Nhưng đánh giá người động não và không động não như thế nào, liệu có thang đo chuẩn xác không?

Hoàn toàn có thể đánh giá được. Với các tiêu chí và cơ chế đánh giá rõ ràng, có người chịu trách nhiệm đánh giá thì chúng ta có thể phân loại ngay những người không động não ra khỏi những người làm việc có động não.

Tuy nhiên hiện nay, tiêu chí và cách thức đánh giá còn chung chung và vai trò người chịu trách nhiệm chưa cao, đâu đó vẫn còn phụ thuộc vào ý chí tập thể.

Đó là kiểu đánh giá “hòa cả làng”?

Không ít cơ quan, vì thi đua, vì lợi ích chung của cơ quan, của cá nhân lãnh đạo nên tập thể phải “đoàn kết trên dưới một lòng”, phải “thương nhau”, phải bàn nhau cách cứu những người không hoàn thành nhiệm vụ thành người hoàn thành nhiệm vụ.

Còn duy trì cơ chế “thương nhau”, có “tình người” thì có lẽ vẫn còn người động não chung sống với người không cần động não.

Có công chức chưa thạo đóng dấu

Thực tế, công chức có muốn đi cơ sở không?

Đi cơ sở có vất vả hơn ngồi ở cơ quan, phải nắm bắt tình hình, phải xử lý các tình huống. Những người nắm được chuyên môn, biết cách xử lý vấn đề, biết giao tiếp, thì đi cơ sở có nhiều thuận lợi.

Những ai, trình độ chuyên môn hạn chế, chưa nhanh nhẹn tháo vát, giao tiếp hạn chế thì thường ngại đi cơ sở.

Quy định cán bộ phải đi cơ sở nhiều có phải là sẽ nâng cao năng lực của cán bộ?

Đối với công chức, đi cơ sở là đi tìm hiểu thực tế ở cơ sở, là nắm bắt được tình hình thực tế để giải quyết, xử lý công việc tốt hơn, hợp lý hợp tình.

Đi cơ sở với người có đầu óc quan sát, chịu khó học hỏi, cởi mở thì rõ ràng họ nâng cao trình độ chuyên môn, các kỹ năng giải quyết công việc được nâng lên và nhất là thái độ đối với công việc, thái độ đối với người dân được nâng lên tốt hơn nhiều do tiếp xúc giải quyết công việc từ cơ sở, hiểu công việc ở cơ sở hơn.

Vậy là người ngại đi cơ sở đa phần là do năng lực kém?

Trong kế hoạch công tác, các công chức đều có các chuyến đi cơ sở, cũng có một số người ngại đi cơ sở, trốn tránh. Với những địa phương như ở Đồng Tháp, qua khảo sát thấy có những công chức chưa thành thạo công việc, có thể còn chưa thạo việc đóng dấu văn bản, thì đi cơ sở học tập và chỉ đạo, nắm bắt thực tế để giải quyết công việc, để đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo trung và đúng hơn.

Tuy nhiên, với một số ngành đặc thù, như thanh kiểm tra chẳng hạn, thì cần điều chỉnh các cuộc thanh kiểm tra hợp lý, nếu không chỉ làm khổ cơ sở.

Nhưng dư luận cũng nói nhiều về việc đi cơ sở, thanh kiểm tra?

Một yêu cầu là đi thực tế phải nắm bắt được tình hình, về phải có báo cáo sát thực, đề xuất được phương án giải quyết tốt.

Nếu đi cơ sở mà cưỡi ngựa xem hoa, đi cho có mặt, nắm bắt không được nhiều thì gây tốn kém về thời gian và vật chất mà chẳng thu được kết quả là bao.

Với cơ chế hiện nay, cách làm hiện nay, làm thế nào để khắc phục sự ì trệ của cán bộ?

Tình trạng ỳ trệ của cán bộ, công chức hiện nay do nhiều nguyên nhân. Như vậy, để từng bước khắc phục tình trạng trên cần từng bước thực hiện đồng bộ các chế độ chính sách, như về thu nhập, lương, về tinh giản biên chế, về kỷ luật kỷ cương, về vị trí việc làm.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tô Hội (thực hiện)

BẢN DESKTOP