Dữ liệu y khoa

Cơ chế và hậu quả rối loạn cương dương hậu Covid-19

  • Tác giả : BS Đồng Thế Uy (Đơn vị Nam học, Bệnh viện Bạch Mai)
Rối loạn cương dương (RLCD) hậu Covid-19 là tình trạng rối loạn hoạt động tình dục phổ biến nhất sau nhiễm SARS-CoV-2. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là gì, cơ chế ra sao và hậu quả như thế nào?

Virus SARS-CoV-2 xâm nhập trực tiếp vào tinh hoàn

Virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào trong tế bào bằng một cơ chế rất đặc biệt, giống như con tàu cập cảng phải được thả neo và cột dây trên thành tàu vào các ụ sắt trên bến cảng, các neo và ụ sắt đó giống như các thành phần trên bề mặt của các tế bào của người mà virus SARS-CoV-2 muốn xâm nhập vào sẽ bám víu vào đó để bắt đầu tiếp cận và xâm nhập.

Các tế bào trên cơ thể người có nhiều thành phần này tập trung ở phổi, tim, tế bào nội mô mạch máu, tinh hoàn... nên virus sẽ xâm nhập trực tiếp vào đây. Vậy virus SARS-CoV-2 và RLCD có mối liên quan gì?

Việc cương cứng của dương vật giống như một trò chơi thổi bóng bay, mà thay vì dòng không khí bơm vào thì ở đây dòng máu sẽ được bơm vào các xoang của thể hang để làm dương vật cương to lên, việc này chỉ có thể hoàn thành nếu dòng máu đi qua các mạch máu được thực hiện trơn tru.

Khi cơ thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2, các tế bào nội mô mạch máu trực tiếp bị virus xâm nhập, gây tổn thương và rối loạn chức năng nội mạch (đó là lý do khiến các bệnh nhân mắc virus SARS-CoV-2 có nguy cơ tắc mạch huyết khối), việc này khiến cho việc giãn nở các mạch máu, trong đó có các mạch máu thể hang dương vật trở nên khó khăn, ngăn cản quá trình cương cứng, làm cho bệnh nhân vẫn ham muốn nhưng trở nên bất lực.

Một đặc điểm rất hay đó là sự biểu lộ các thành phần giúp virus xâm nhập vào trong các tế bào lại xuất hiện nhiều ở các tế bào của người trẻ, do đó người trẻ dễ nhiễm Covid-19 hơn và RLCD dường như cũng gặp nhiều hơn so với người lớn tuổi.

Cùng với nguyên nhân mạch máu, virus SARS-CoV-2 xâm nhập trực tiếp vào tinh hoàn, ảnh hưởng lên các tế bào mầm sinh tinh, tế bào Leydig tiết hormon, làm sụt giảm các hormon sinh dục, đặc biệt là testosterone gây lên các tình trạng mệt mỏi, giảm ham muốn, giảm hưng phấn tình dục.

Ảnh hưởng của rối loạn tâm lý

Một vấn đề không thể nhắc đến trong mối liên quan giữa Covid-19 và RLCD đó là các rối loạn tâm lý. Chúng ta thực tế không thể có hoạt động quan hệ tình dục thỏa mãn khi đầu óc lo lắng, bộn bề lo toan. Các bất ổn tâm lý này xuất hiện do tình trạng giãn cách xã hội kéo dài, giảm nguồn thu nhập do dịch bệnh hay thay đổi môi trường làm việc từ công sở sang làm việc tại nhà. Đây cũng là nguyên nhân khá phổ biến khiến hoạt động tình dục dễ trở lên rối loạn.

Sự thật là RLCD còn là dấu hiệu cảnh báo cho các bệnh lý nghiêm trọng liên quan đến các bệnh lý tim mạch đang ẩn giấu như bệnh lý mạch vành, xơ vữa động mạch... Sự xuất hiện của RLCD cảnh báo cho nguy cơ biến cố tim mạch tiến triển trong tương lai, tai biến mạch máu não và tử vong do mọi nguyên nhân, có xu hướng nghiêng về nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch.

Vì hoạt động tình dục và thỏa mãn tình dục đóng một vai trò thiết yếu đối với sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của mỗi cá nhân trong đại dịch Covid-19, nên các can thiệp hỗ trợ chuyên biệt nhắm vào các vấn đề tình dục tổng thể nên được thực hiện trong giai đoạn này.

Điều này đặc biệt liên quan đến RLCD vì nó đã được đề xuất gần đây như là một hậu quả lâu dài tiềm ẩn của Covid-19. Do đó, một can thiệp lâm sàng toàn diện và hiệu quả cho RLCD xuất hiện trong bối cảnh đầy thách thức như vậy đòi hỏi một cách tiếp cận thích hợp, kết hợp các can thiệp y sinh và tâm lý phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của bệnh nhân.

Các biện pháp can thiệp chuyên biệt như vậy có thể được thực hiện bằng cả hình thức tư vấn và sử dụng thuốc nhằm tập trung vào việc thúc đẩy sự thỏa mãn và chức năng tình dục của cá nhân và/hoặc cặp vợ chồng không chỉ trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 hiện nay mà còn cả lâu dài.

BS Đồng Thế Uy (Đơn vị Nam học, Bệnh viện Bạch Mai)

BẢN DESKTOP