Giáo dục

Có cần giảm độ khó đề thi tốt nghiệp THPT?

  • Tác giả : Mai Nguyễn
(khoahocdoisong.vn) - Giảm độ khó đề thi tốt nghiệp THPT; thi tốt nghiệp đối với các trường hợp F1, F2; xét đặc cách F0 thế nào... là những vấn đề được quan tâm liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Thi tốt nghiệp THPT đúng lịch

Tại hội nghị bàn phương án thi tốt nghiệp THPT giữa Bộ GD&ĐT với chủ tịch UBND 63 tỉnh,  báo cáo của Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, tính đến 24h ngày 26/5, cả nước có 18 học sinh lớp 12 trong diện F0 và 394 học sinh là F1, chủ yếu ở 4 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam và Điện Biên.

Ban Chỉ đạo thi các địa phương phối hợp với các ban, ngành để phân loại đối tượng học sinh trong diện F0, F1, F2.

Trong đó, thí sinh diện F0 không thể dự thi sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp như quy định. Thí sinh F1, F2 sẽ được tổ chức thi ở phòng thi, điểm thi riêng, trong điều kiện đảm bảo các giải pháp cách ly theo khuyến cáo của y tế.

Riêng thí sinh F1 đang phải cách ly tập trung sẽ tính toán phương án di chuyển từ khu cách ly đến điểm thi. Thí sinh và tất cả cán bộ tham gia tổ chức thi tại điểm thi này phải sử dụng đồ phòng hộ.

Bộ GD&ĐT đã tính toán, xây dựng kịch bản để ứng phó với các tình huống khác nhau theo diễn biến của dịch bệnh. Trong tình huống bất khả kháng khi các địa phương có nhiều thí sinh trong diện F1, F2, Bộ GD&ĐT sẽ cân nhắc việc tổ chức đợt thi thứ 2, căn cứ vào kinh nghiệm đã làm năm 2020.

Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ cố gắng để kỳ thi diễn ra đúng lịch, ngày 7 và 8/7, đảm bảo an toàn trong tình huống có dịch Covid-19.

Liên quan đến đề thi tốt nghiệp THPT, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ thông tin, trong trường hợp nếu phải thi thành 2 đợt, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức việc xây dựng đề thi đảm bảo cân bằng giữa 2 đợt để đảm bảo công bằng cho thí sinh ở các đợt thi khác nhau. 

Bộ GD&ĐT đã ban hành bộ đề thi tham khảo. Trên tinh thần ghi nhận ý kiến của các địa phương, Bộ sẽ đưa ra mức độ đề thi chính thức phù hợp như đề tham khảo nhưng tinh thần có giảm độ khó hơn.

Nên tổ chức thi tốt nghiệp THPT tại khu cách ly đối với F1, F2

TS Bùi Hữu Toàn, Chuyên viên chính, Văn phòng Cục Quản lý Môi trường, Bộ Y tế cho rằng, các địa phương có thể tổ chức điểm thi cho các đối tượng F1, F2 ở trong hoặc ngoài khu cách ly. Tuy nhiên, Bộ Y tế khuyến khích các địa phương tổ chức điểm thi cho các đối tượng F1 ở trong khu cách ly. Lý do là vì, việc tổ chức thi cho các trường hợp F1, F2 ở ngoài khu cách ly rất phức tạp vì liên quan đến việc đưa đón, tiếp xúc, điểm thi lại gần khu dân cư. 

Trong trường hợp tổ chức điểm thi cho thí sinh F1 ở ngoài khu cách ly, các địa phương phải dùng xe đưa đón riêng và phải đảm bảo phòng chống dịch. Đảm bảo khoảng cách chỗ ngồi, xe mở cửa sổ cho thông thoáng, lái xe mặc trang phục bảo hộ đầy đủ. 

Các cán bộ coi thi cho các đối tượng F1 bắt buộc phải mặc trang phục bảo hộ đúng quy định. Các phòng thi phải thông thoáng, đảm bảo khoảng cách chỗ ngồi, có cửa vào-ra riêng, trang bị đầy đủ dung dịch sát khuẩn để rửa tay...

Các bài thi của thí sinh F1, F2 phải được sát khuẩn. Hòm thi, túi đựng bài thi cũng phải được sát khuẩn để đảm bảo an toàn. Chấm xong các bài thi khác mới chấm sang bài thi của thí sinh F1, F2 (hoặc ngược lại). Tuyệt đối không chấm chung các bài thi.

Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn cụ thể

Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT mới ban hành, trường hợp người học bị tai nạn, bị ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt trước ngày thi không quá 10 ngày hoặc ngay trong buổi thi đầu tiên, không thể dự thi được xét đặc cách tốt nghiệp THPT.

Như vậy, đối với thí sinh là bệnh nhân mắc Covid-19 phải điều trị, không thể dự thi thì căn cứ theo Quy chế hiện hành, các em sẽ được đặc cách xét tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, đại diện một số địa phương cho rằng, Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn cụ thể hơn.

Ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, thực tế có những thí sinh là F0 phải điều trị trước khi thi quá 10 ngày, hoặc có những học sinh là F0 trong thời gian 10 ngày trước khi thi nhưng chỉ có học lực trung bình. Vậy, trường hợp nào mới được xét đặc cách? Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn cụ thể.

Ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đặt câu hỏi, giả sử các trường hợp F0 đã được xét đặc cách tốt nghiệp nhưng khi có đợt thi thứ 2, nếu muốn tham gia thi để có điểm xét tuyển đại học, cao đẳng thì có được không?

Vấn đề các thí sinh ở trong vùng phong tỏa, cách ly nhưng không thuộc diện F0, F1, F2 thì sẽ thi riêng hay thi chung, biện pháp phòng hộ như thế nào cũng là vấn đề mà lãnh đạo UBND các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội băn khoăn.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để có hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện để các địa phương chuẩn bị cho việc tổ chức kỳ thi, trong đó sẽ giải tỏa những băn khoăn nêu trên.

Đề thi tốt nghiệp THPT cần có sự phân hóa, không giảm độ khó

Thông tin đề thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm đô khó đã nhận được sự quan tâm lớn từ học sinh, phụ huynh và các thầy cô giáo. Năm nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới việc học tập của các em học sinh, trong đó đặc biệt là học sinh cuối cấp khi nhiều trường phải chuyên sang học trực tuyến đúng giai đoạn nước rút. Tuy nhiên, nhiều học sinh và giáo viên lại không muốn Bộ GD&ĐT giảm độ khó đề thi tốt nghiệp. Trên nhiều diễn đàn, nhiều ý kiến giáo viên cho rằng, cho dù trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc học tập có nhiều khó khăn, nhưng các em học sinh đã có cố gắng học, có sự chuẩn bị tốt cho kỳ thi.

Năm ngoái, phổ điểm thi rất cao, một số ngành “hot” thậm chí 30 điểm mới đậu. Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học hầu như vẫn như năm trước, trong khi đó, tỷ lệ thí sinh đăng ký cao. Giả sử, nếu như đề dễ hơn, thì sẽ làm sao phân loại được thí sinh? Như vậy, sẽ làm “khó” cho các trường đại học trong việc tuyển sinh. Đồng thời, cũng làm “khó” cho cả những thí sinh đã nỗ lực học tập để vào được những trường tốp đầu, yếu tố may rủi sẽ tăng lên.

“Rất mong Bộ GD&ĐT sẽ có câu hỏi phân hóa được thí sinh, để những em học tốt có thể phát huy được năng lực của mình”, một giáo viên chia sẻ.

Mai Nguyễn

BẢN DESKTOP