Dọc đường

Chuyện về ông lão vớt xác ở bãi giữa sông Hồng

Hà bá – cái tên khi mỗi người dân vùng sông nước nghe đến đều tỏ vẻ e dè với nó, nhưng ngay bãi giữa sông Hồng Hà Nội vẫn có một người hùng hàng ngày âm thầm vớt xác tử thi trên sông. Đó là ông Được!

Ông tên đầy đủ là Nguyễn Đăng Được, năm nay đã 72 tuổi, quê gốc ở Hà Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình; ông cũng là một người của vùng sông nước khi còn nhỏ.

Ông được sinh ra ở nước bạn Thái Lan, rồi sau đó trở lại Việt Nam định cư khi còn bé, ông chỉ đi học tới hết lớp 7, rồi sau đó xung phong đi lính cứu quốc!

Ít lâu sau đó Thành cổ Quảng Trị chào đón người chiến sĩ ấy bằng những trận đánh khốc liệt, Trải qua những thăng trầm thời gian, gương mặt ông hằn những nếp nhăn, bao nhiêu nếp nhăn là bấy nhiêu những biến cố cuộc đời, sương gió.

ông lão vớt xác

Ông Được thuật lại cho chúng tôi những lần vớt được tử thi trôi sông.

Dù đã ở cái độ tuổi thất thập, nhưng ông vẫn có một sức khỏe “trời ban” sẵn sàng chiến đấu với những thử thách nơi bãi giữa sông Hồng khắc nghiệt.

Bồi hồi nhớ lại những năm tháng còn chiến đấu, ông và 4 đồng đội khác được giao nhiệm vụ vào rừng du kích, thu thập thông tin của bọn phỉ, nhưng không may bị lũ phỉ phát hiện, 4 đồng đội của ông đã nằm lại nơi rừng thiêng hoang vắng, riêng ông số chưa tận thoát được, ông đã tự tay chôn cất 4 đồng đội.

Bơ vơ một mình chốn sơn cước hẻo lánh, đối mặt với cú sốc tinh thần, ông mất phương hướng, không biết đi đâu về đâu.

Phải sinh tồn trong lãnh địa của bọn thổ phỉ đang chiếm đóng, ông phải sống chui lủi trong rừng.

Cứ như vậy được khoảng nửa năm trôi qua, được ông trời thương, ông đã lấy lại được phương hướng và đặt chân được tới địa bàn tỉnh Hà Tĩnh:

“Ngày đó nhìn tôi kinh khủng lắm, không khác gì người rừng, tóc thì dài vì làm gì có kéo mà cắt, ăn còn không có mà ăn nên người ngợm cũng gầy gò, xanh xao.

Khi ấy cũng may mắn trên người tôi còn bộ quần áo bộ đội, người Vân Kiều sinh sống ở đây họ nhận ra bộ đội mình, rồi họ cưu mang cứu sống tôi”.

Còn sống sót sau trận chiến, tưởng chừng ông sẽ được đoàn viên cùng gia đình, nhưng ông đã chọn miền Bắc làm điểm đến tiếp theo, từ đây ngã rẽ cuộc đời lại đưa ông sang trang mới.

Trong chuyến hành trình “Bắc tiến”, trong một lần nằm ngủ vạ vật ở ga tàu Vinh, không may ông bị kẻ gian cướp mất ba lô, mà trong đó đựng đủ giấy tờ tùy thân của ông và cả một đôi dép cao su.

Sau thời gian lang bạt, phiêu lưu ông ra tới Hà Nội trong tình trạng đói khát: “Ngày xưa khi nhà nước còn cơ chế bao cấp, mua bán chủ yếu là bằng tem phiếu.

Tôi được người dân ở đây thỉnh thoảng cho cái bánh, bát cơm nuôi sống tôi từng ngày. Số tôi được trời thương nên cũng gặp nhiều người tốt bụng lắm!” – ông Được vừa nói khuôn mặt nở nụ cười rất vui.

Ra Hà Nội được một thời gian, ông cũng như bao người dân bình thường khác, cũng phải quần quật lao động từ những công việc như buôn đồng nát, đồ điện cũ, hay trèo hái me, hái sấu, để nuôi sống bản thân nhưng tiền công ít ỏi chẳng đáng được bao nhiêu.

Rồi có ngày ông nghĩ: An cư rồi sẽ lập được nghiệp, ông bèn mò mẫm xuống bãi sông Hồng này, khi ấy cái bãi giữa này được phủ xanh một màu cỏ, ngọn cỏ còn cao quá cả đầu người.

Được “đen” liền khai hoang bãi đất lập nhà phủ mái lá, rồi tường thì làm đủ thứ bằng gỗ thừa đắp vào làm chỗ ở.

Nhớ lại thời kì đó ông nói: “Hồi trước cái bãi giữa này làm gì có ai, tôi hồi ấy cứ như Robinson lạc ngoài đảo hoang vậy, rồi một thời gian sau, những người nơi khác cũng đồng cảnh ngộ giống như tôi, muốn làm hàng xóm của tôi nên họ cũng lập nhà, lập ngói ở đây để chung sống cho đến bây giờ.

Hiện tại ở đây cũng có khoảng 27 hộ dân do tôi làm tổ trưởng tổ dân phố đấy”.

Khi xưa, ông Được đến vùng hoang vu này, rồi dần dà có thêm bà con tới ở chung. Sống gần nhau nên khi ấy ông cũng có vợ nhưng không có đăng ký kết hôn gì vì đã mất hết giấy tờ tùy thân.

Âu cũng vì tình cảm mà về “góp gạo thổi cơm chung”.

Hiện tại ông đang sống chung với 2 người vợ ở 2 ngôi nhà khác nhau trong xóm, và có được 3 người con, 2 trai và 1 gái.

Gia đình ông khi biết được ông quyết định sẽ làm công việc này, ông nhận được sự ủng hộ hết sức nhiệt tình từ 2 người vợ và con cái. Điều đó tiếp thêm tinh thần, năng lượng cho người đàn ông đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hi”.

Theo ông Được thì những người sinh sống ở xóm ngụ cư này đa phần đã tới đây sinh sống từ thời ông mới về đây và đều là những mảnh đời bất hạnh, nghèo khó.

Ông còn cho biết, những hộ dân ở đây vì là dân ngụ cư, tạm trú tự do, không hộ khẩu nên họ không thuộc diện quản lý của UBND phường Ngọc Thụy, nhưng thỉnh thoảng có những đoàn cán bộ phường tới thăm hỏi, động viên, tặng quà cho những hộ dân ở đây.

Nhiều nhà, sinh sống lâu dài ở đây cho đến nay. Con cháu lấy vợ rồi lại sinh sống tiếp ở khu này chứ không thể đổi đời mà chuyển lên đất liền.

Những đứa trẻ được sinh ra nơi đây cũng sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, ẩm thấp nên dễ sinh bệnh tật: “Ở đây từ già đến bé bị bệnh tật gì đều không có tiền tới bệnh viện, vì không có tiền, không có giấy tờ nên không chữa được bệnh”.

Những đứa trẻ no hôm nay không biết ngày mai, những hộ dân sinh sống bươn trải ngày qua ngày, thực sự làm cho tôi cảm thấy thực sự ái ngại cho tương lai của họ.

Nhưng cái nọ bù cái kia, xóm ngụ cư có một ông tổ trưởng tốt bụng, ông cũng luôn luôn bảo vệ quyền lợi của mỗi hộ dân ở đây, giúp con em của mỗi nhà có quyền được học tập và làm việc.

Thậm chí khó khăn quá, ông đã lập nên lớp học tình thương ngay bãi giữa, rồi dùng tiền tích cóp của mình đi mua những quyển vở, tập sách, bút về cho những đứa trẻ nghèo ở đây đi học, để xóa nạn mù chữ là chính.

Thỉnh thoảng cũng có những bạn sinh viên tình nguyện, hay những giáo viên tương lai đến làm công tác giáo dục cho những đứa trẻ giúp ông.

Ở cái vùng đất độc, sống ngay cạnh miệng hà bá, cái bãi giữa sông Hồng là nhân chứng cho hàng trăm vụ săn mồi của Thần sông nơi đây.

Khi nhắc tới chuyện này vẻ mặt của ông Được lại trầm xuống nhiều hơn. Ông cho chúng tôi biết ở nơi nhiễu nhương này tuần nào cũng xảy ra 1 đến 3 vụ là chuyện bình thường.

Dù đây là một công việc hiếm người dám làm nhưng chính bản thân ông Được cũng không bao giờ vì điều đó mà trục lợi cho mình:

“Tôi không coi đây là cái nghề mà đây là cái duyên do ông trời định, giao nhiệm vụ cho tôi phải làm. Nếu tôi trục lợi tôi đã không ở cái bãi giữa sông Hồng này làm gì cả!”.

Tiếp câu chuyện ông nói rằng, trong những năm tháng chiến đấu “vào sinh ra tử” hồi còn trẻ đã tôi luyện cho ông được bộ não có thần kinh thép nên trong những lần thực hiện công việc ông không thấy sợ hãi chút nào dù phải tiếp xúc trực tiếp với xác chết bằng 2 bàn tay.

Nhưng dù có bộ não vững vàng đến đâu cũng chưa làm ông hết bàng hoàng khi ông thực hiện công việc vớt xác, cứu người này trong quá khứ.

Vừa dứt lời, ông dừng lại vo một bi thuốc lào như muốn hút để lấy lại bình tĩnh kể những lần kinh hoàng nhất ông đã từng gặp.

Ông kể lần kinh hoàng và khắc sâu trong tâm trí ông từ thuở đó đến giờ: “Đó là lần có người chồng phát hiện vợ tằng tựu, nên đèo 2 con về quê nội sống, tới cầu Chương Dương anh ấy nghĩ quẩn lại dừng xe rồi bế cả 2 con nhảy xuống.

Khi đó tôi ở gần đó nhảy xuống cứu cả 3 cùng một lúc, nhưng kiệt sức suýt nữa đã “làm mồi” cho hà bá thì có ca-nô của cảnh sát tới kéo chúng tôi lên”. Giọng nói của ông vẫn không giấu nổi sự bàng hoàng!

Và cũng còn có một sự việc nữa. Đó là vào khoảng năm 2004, ông Được tình cờ phát hiện 1 cái xác có 2 ngón tay cái buộc chặt vào nhau.

Sau khi vớt lên, lau rửa cho cái xác rồi khâm liệm, ông thấy đây là 1 thiếu nữ. Cũng như bao nhiêu vụ việc khác, ông chôn cất cô gái đó cẩn thận. Bẵng đi 1 thời gian ông không còn nhớ tới vụ việc đó.

Cho tới năm 2006, ông cũng phát hiện 1 xác cô gái với 2 ngón chân cái bị trói chặt vào với nhau làm ông nhớ lại vụ việc đã gặp trước đó.

Hai chi tiết trùng hợp này vẫn còn ám ảnh với ông tới tận bây giờ. Ông cũng chôn cất cô gái ấy cẩn thận.

Năm 2009, ông được người dân ủng hộ chi phí mua vữa, gạch, ông đã đưa mộ của hai cô về một nơi. Từ đó, ngôi miếu này có tên là Miếu Hai cô.

Tháng nào cứ ngày rằm là các hộ dân ở đây lại tới miếu cúng cho hai cô bánh trái, âu cũng là thương hai mảnh đời với câu chuyện bi thương.

Ở đây hoặc thậm chí những người ở xa không ai là không biết tới ngôi miếu thiêng này. Đã từng có một youtuber đến đây khám phá những câu chuyện tâm linh được người dân cho rằng là có thật.

Cũng có lần ông cứu được 1 đôi tình nhân trẻ nhảy tự tử cùng với nhau, nhưng khi cứu được lại bị chính họ trách mắng: “Sao ông cứu chúng tôi làm gì, sao không để chúng tôi chết”.

Ông Được vừa giận mà lại vừa thương đôi tình nhân trẻ. Dù đây cũng không phải lần đầu ông bị những người ông cứu la mắng, nhưng ông cũng không giận họ, ông vẫn tiếp tục công việc cứu người, hay vớt xác những người khi “số trời đã định”.

Ông Được vừa là người chuyên vớt xác nhưng ông còn kiêm luôn cả công việc của một bác sỹ tâm lý. Ông cho biết, làm công việc lạ lùng, hiếm có này cũng đã một thời gian dài, ông nhìn gương mặt hay hành động của họ là biết ngay điều gì đang xảy ra với họ.

Và thường những người như thế thì đang bị sang chấn tâm lý, bất ổn hoặc bị stress bởi công việc, gia đình, cơm áo gạo tiền. Sau những lần cứu sống người tự tử, ông thường nán lại, an ủi, động viên họ, gọi người nhà tới rồi ông mới an lòng về nhà.

Sau mỗi lần cứu sống được những người trẫm mình xuống khúc sông này, tôi lại sắm sửa mâm xôi, con gà, lễ vật, cúng kiếng cho hà bá, để “bù đắp” phần nào cho Thủy thần vì “miếng mồi” tôi đã cướp đi.

Ông chẳng mong giàu sang gì cho cam, ông chỉ mong ông trời ban cho ông thật nhiều sức khỏe, để có thể tiếp tục được sứ mệnh mà ông trời đã giao phó cho mình.

 Khắc Duy – Trung Hiếu(Theo cand.com.vn)

BẢN DESKTOP