Đời sống

Chuyện lạ lùng về ngôi mộ “chó tổ” duy nhất tại Việt Nam

Ngôi mộ “chó tổ” có di ảnh, bình đựng tro cốt của chú chó Ami được cho là “ông tổ” của chó cảnh Việt Nam.

Trở thành đại gia chỉ nhờ vào 1 chú chó

Nghĩa địa chó mèo đầu tiên và duy nhất ở Hà Nội nằm sâu trong một con ngõ phố Trương Định. Từ sáng sớm đến tối mịt, nơi đây đều văng vẳng tiếng kinh cầu siêu, khói hương phảng phất.

Với tình yêu thương đặc biệt dành cho vật nuôi, cùng quan niệm “động vật cũng như con người, chết đi linh hồn cần chốn quay về”, cách đây gần 30 năm, ông Nguyễn Bảo Sinh (sinh năm 1940, Trương Định, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã dựng lên khu nghĩa địa này.

Chuyện lạ lùng về ngôi mộ “chó tổ” duy nhất tại Việt Nam ảnh 1

Ngôi mộ tổ trong nghĩa địa chó, mèo ở Hà Nội.  

Đến đây, nhiều người không khỏi tò mò về ngôi mộ có tấm bia lớn nhất ghi “Mộ tổ Ami (1978 – 1990)” . Nhẹ nhàng gạt bụi tàn hương, trìu mến nhìn di ảnh chú chó Becgie, ông Sinh nói: “Ami tiếng Pháp nghĩa là người bạn, bạn của tôi yên nghỉ ở đây”.

Ông Sinh cho biết, Ami không phải con chó đầu tiên ông nuôi nhưng lại có nhiều tình cảm nhất. Khi nó chết đi, ông bắt đầu xây dựng lên khu nghĩa địa.

“Ami chính là con chó tổ của ngành kinh doanh chó cảnh Việt Nam. Bởi nó từng phối giống cho hàng ngàn con chó cái. Con, cháu chắt của Ami có thể đã lên tới cả triệu. Toàn bộ đất đai, tài sản của tôi đều do Ami mà được.

Những năm 80, mỗi lần phối giống cho becgie giá 1 chỉ vàng. Có tháng, Ami đem về cả cây vàng, tương đương với cả ngôi nhà khang trang khi ấy”, ông Sinh nói.

Nhờ vào chú chó Ami, ông Sinh trở thành đại gia trong trong những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Hiện khu nghĩa địa, khách sạn chó mèo của ông có diện tích lên tới hơn 2.000m2.

Vị “đại gia chó, mèo” kể lại, thời bao cấp, việc nuôi chó cảnh rất khó khăn, thậm chí nhiều tiền cũng không mua nổi. Để tìm mua được con Becgie đầu tiên – mẹ của con chó Ami, ông Sinh đã nhờ người quen ở trường Cảnh khuyển, Bộ Nội Vụ (nay là Bộ Công an) gần 1 năm.

“Lúc bấy giờ, người ta chơi chó cảnh thì thích chó cao to, hung giữ, dễ dọa trộm như Becgie. Nuôi chó Tây cho ăn thịt bò, thịt lợn, trong khi cuộc sống con người còn khổ cực, cho chó ăn ngon cũng là một cái tội. Nuôi chó cảnh phải giấu giếm, lo lót, chạy chọt đủ thứ”, ông Sinh kể.

Trắng đêm canh mộ chó

Ông Sinh nhớ lại sau năm 1975, nước ta chưa có vaccine phòng bệnh dại cho chó, nhiều người bị chó Dại cắn chết.

“Thành phố Hà Nội yêu cầu cấm nuôi chó, nuôi chó coi như phạm pháp. Khi Ami 2 tuổi, một lần trốn đoàn kiểm tra, tôi ôm nó bơi qua hồ, nấp dưới bè rau muống. Phủ kín bèo tây lên đầu, đỉa bu đầu người và chó, nhờ 4 người tiểu tiện vào vẫn chưa bay hết đỉa”, ông Sinh rùng mình nói.

Cũng trong 1 lần trốn đoàn kiểm tra, ông ôm con Ami bơi vòng tròn quanh hồ. Đến khi con chó mệt quá, nó ôm 2 chân vào cổ, dìm ông Sinh xuống nước, cũng may gần bờ nên ông thoát chết.

“Nó tận tụy, trung thành với mình tôi, đôi khi đến mức thái quá. Thấy ai lại gần chạm vào người tôi, nó có thể tấn công ngay lập tức. Đến cả vợ tôi, muốn ôm bà ấy cũng phải tránh mặt hoặc xích nó lại”, ông Sinh kể.

Sống được 12 năm, con chó Ami chết sau trận ốm nặng. Ông Sinh ngồi gục, khóc thương bên xác của “người bạn” suốt một ngày. Đến nửa đêm, ông phủ một vuông vải trắng, lặng lẽ đưa xác Ami ra khu vườn chôn cất.

“Thịt rất khan hiếm, thường chó chết người ta đem ra mổ thịt ăn, ít người đem chôn. Chôn không kín, bị đào trộm lên xẻ thịt cũng là chuyện thường. Ami đã cho cả gia đình tôi cuộc sống sung túc, tôi coi nó như người thân ruột thịt. Khi nó chết đi, tôi muốn nghi thức chôn cất như một con người nhưng điều kiện không cho phép”, ông Sinh ngậm ngùi hồi tưởng.

Lo lắng có kẻ đột nhập đào trộm mộ chó Ami, 2 ngày liền, ông thức trắng đêm để canh gần mộ nó. Khoảng năm 2000, ông Nguyễn Bảo Sinh xây nghĩa địa chó mèo, mộ con chó Ami đặt ở khu trung tâm, gắn bia “mộ tổ”. Đến nay, khu nghĩa địa này là nơi yên nghỉ của hơn 4.000 con chó, mèo, được các chủ nhân của chúng đưa đến.

MT (tổng hợp)

BẢN DESKTOP