Điều trị nội tiết tố phải dùng suốt đời
TS Phạm Nguyên Hà, thành viên nhóm Nghiên cứu các nguy cơ về sức khỏe với người chuyển giới, Trung tâm Thông tin tổ chức phi chính phủ (NGO-IC) cho biết, đối với người chuyển giới, việc sử dụng thuốc nội tiết tố là bắt buộc và phải dùng hết đời. Loại thuốc nội tiết tố sử dụng bằng 3 cách là thuốc tiêm, thuốc bôi và thuốc viên. Các tác dụng phụ gặp phải khi dùng thuốc nội tiết tố là rối loạn cương dương, rối loạn chức năng gan, tăng men gan, tăng huyết áp, tăng cân, tăng kích cỡ âm vật/dương vật, nổi mụn nhiều…
Điều trị nội tiết tố rất phức tạp và có một số tác dụng phụ nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Điều trị nội tiết tố phải dùng thuốc suốt đời, mà muốn an toàn thì người bệnh phải được bác sĩ chuyên khoa kê đơn thuốc, điều trị đúng phác đồ, theo dõi chặt chẽ, khám sức khỏe định kỳ, tư vấn kỹ càng, điều chỉnh liều lượng khi cần thiết. Điều đáng buồn là rất nhiều người chuyên giới hiện sử dụng thuốc nội tiết tố không rõ nguồn gốc, không có tư vấn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
N.H.T, một người chuyển giới ở Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ, khi giải phẫu về gặp rất nhiều những vấn đề về sức khỏe như thường xuyên nóng trong người, mất trí nhớ tạm thời... Sau 3 tháng mới trở lại bình thường và thường xuyên mệt mỏi khi thay đổi thời tiết, tim yếu hơn, sinh lý cũng yếu, ít có ham muốn.
BS Trịnh Thị Lê Trâm, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật và Chính sách về y tế, HIV/AIDS cho biết, việc tự nhận giới tính khác với giới tính họ sinh ra là do họ tự cảm nhận, có 3% người cho biết họ chưa tự xác định được giới tính thực của mình. Do đó cần giúp họ nhận diện thông qua tư vấn tâm lý là rất cần thiết. Việc người chuyển giới phải sử dụng các biện pháp phẫu thuật cũng như thuốc nội tiết tố là điều mà đa phần người chuyển giới thấy rất đau đớn, khó chịu, nhưng họ phải làm. Do đó, xã hội nên có cái nhìn khách quan về cộng đồng người chuyển giới.
Lão hóa nhanh, dễ nhiễm bệnh
Theo TS Phạm Nguyên Hà, phẫu thuật chuyển đổi giới tính làm thay đổi toàn bộ trục “não bộ - tuyến yên – buồng trứng” ở nữ và “não bộ - tuyến yên - tinh hoàn” ở nam, phá hủy nhiều bộ phận quan trọng sản sinh nội tiết tố giới tính. Do đó, người chuyển giới trước và sau khi phẫu thuật phải luôn sử dụng nội tiết tố, khiến tâm lý bị đảo lộn, cơ thể yếu đi trông thấy, dễ nhiễm bệnh. Sau vài năm, họ sẽ lão hóa nhanh chóng, sức khỏe kém đi do những biến chứng từ phẫu thuật và tiêm nội tiết tố.
BS Trịnh Thị Lê Trâm cho biết, để chuyển đổi giới tính, có nhiều cách khác nhau, không phải ai cũng có điều kiện để phẫu thuật. Có những người tự chuyển đổi giới tính bằng thay đổi phong cách ăn mặc, có người tự tìm nguồn hàng thuốc điều trị nội tiết tố bằng cách uống hoặc tiêm, có người thì nâng ngực hoặc cắt bỏ ngực, người lại phẫu thuật thanh quản, phẫu thuật bộ phận sinh dục… Như tâm sự của một người chuyển đổi giới tính ở Sơn La rằng rất muốn được phẫu thuật nhưng chưa có tiền, nên đành dùng thuốc bằng cách đặt hàng xách tay từ Hà Nội hoặc TPHCM. Còn một người chuyển giới ở TPHCM thì chia sẻ rằng muốn phẫu thuật như gia đình phản đối, bố mẹ nói nếu phẫu thuật thì sẽ từ con vì gia đình có mỗi mình là con trai, nên rất khó…
Ở Việt Nam hiện có một số cơ sở có thể thực hiện được phẫu thuật chuyển giới nhưng do việc này chưa được hợp thức hóa nên bệnh viện chỉ thực hiện phẫu thuật cho các trường hợp được khẳng định là bị dị tật giới tính.
Dự thảo luật chuyển đổi giới tính do Bộ Y tế đang xây dựng tiến tới sẽ quy định cụ thể các đối tượng cần được chuyển giới, quyền của người chuyển giới cũng như các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động chuyển giới.