Thời sự

Chuyện giờ mới kể về “chàng trai hóa học” Nguyễn Mạnh Khôi

  • Tác giả : Mai Loan
Những chia sẻ từ gia đình Nguyễn Mạnh Khôi, người đoạt Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế năm 2023 đã cho thấy lý do khiến Mạnh Khôi gặt hái được những thành tích xuất sắc như vậy.

Ông bà nội đều làm trong ngành Y, bố là PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Chủ tịch Hội Chấn thương Chỉnh hình Việt Nam, Nguyễn Mạnh Khôi đã chọn theo ngành Y, nối tiếp truyền thống gia đình.

Bà nội Lê Thị Tuyết Khanh cùng cháu trai Nguyễn Mạnh Khôi tại Lễ vinh danh học sinh đoạt giải các kỳ thi Olympic năm 2023. Ảnh: NVCC.

Muốn con cháu theo nghề cứu người

Trong lúc Nguyễn Mạnh Khôi trả lời phỏng vấn tại Lễ vinh danh học sinh đoạt giải các kỳ thi Olympic năm 2023, một phụ nữ lớn tuổi lặng lẽ cầm điện thoại lên quay video, đôi mắt hướng về phía Khôi đầy trìu mến. Đó là bà nội của Khôi, bà Lê Thị Tuyết Khanh.

Bà Khanh chia sẻ, mình nguyên là giảng viên Bộ môn Ký sinh trùng, Trường Đại học Y Hà Nội. Chồng bà là BS Nguyễn Mạnh Tài, từng công tác tại Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), sau đó là Phó Chủ nhiệm Khoa Hô hấp của bệnh viện.

Từ khi còn trẻ, bà rất thích ngành Y. Vào bệnh viện, thấy các y bác sĩ mặc áo blouse trắng đi lại làm việc, bà rất muốn được như họ, nên phấn đấu học, vào Trường ĐH Y Hà Nội.

Với kết quả học tập tốt, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội, bà được nhận làm giảng viên Bộ môn Ký sinh trùng, Trường Đại học Y Hà Nội. Bà công tác từ đó đến khi nghỉ hưu và hiện tham gia Ban Chấp hành Hội Cựu giáo chức của trường.

Đến với nhau một phần xuất phát từ chung tình yêu lớn với ngành Y, cả hai vợ chồng bà Khanh muốn truyền lại cho con, cháu tình yêu này. Khi còn đang công tác, thỉnh thoảng, bà cho các con cùng tới trường. Chồng bà cũng hay đưa theo con tới bệnh viện mỗi khi có dịp. Có lẽ vì vậy, tình yêu đối với ngành Y đã được hun đúc, lớn dần trong các con.

Trong 4 con của bà, 2 người làm bác sĩ, nối nghiệp bố mẹ. Và giờ là “cháu đích tôn” Nguyễn Mạnh Khôi cũng chọn ngành Y, kế tục truyền thống gia đình.

“Ngành Y rất vất vả, theo được phải có tâm, đức, nhiệt tình, trách nhiệm. Nhưng tôi vẫn muốn con, cháu theo ngành Y, bởi đó là nghề phụng sự nhân dân, phục vụ cuộc sống con người”, bà Khanh chia sẻ.

Tạo điều kiện tốt nhất cho con, cháu học hành

Ngoài hai con là bác sĩ, hai người con còn lại của bà Khanh cũng giỏi giang, thành đạt. Trong đó, con trai út là cựu học sinh chuyên Toán, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), từng đỗ thủ khoa lớp Cử nhân tài năng của ĐH Bách khoa Hà Nội, giành học bổng du học Úc.

Chia sẻ “bí quyết” về cách dạy con, cháu, bà Lê Thị Tuyết Khanh cho hay, mình rất tâm huyết với gia đình. Sinh ra trong thế hệ chịu nhiều thiệt thòi do chiến tranh, phải đi sơ tán, nay ở trường này, mai trường khác, bà vẫn học tốt. Khi trở thành người mẹ, người bà, bà cũng mong muốn giáo dục, tạo điều kiện để con cháu được học tập trong điều kiện tốt nhất của gia đình.

Chồng bà làm ở khoa Cấp cứu A9, cứ 4 ngày phải trực một lần, cấp cứu triền miên, thường xuyên đối diện lằn ranh giữa sống và chết của bệnh nhân, rất căng thẳng. Ông bận rộn, thậm chí 1-2 giờ chiều chưa được ăn cơm trưa. Ngoài ra, cũng có thời gian ông phải đi công tác dài ngày theo diện chuyên gia của bệnh viện. Vì vậy, hầu như chỉ có bà ở nhà cáng đáng 4 con. Bà rất chăm chút, lo cho các con được học hành đầy đủ. Điều đặc biệt, cả 4 người con của bà Khanh đều là cựu học sinh các trường chuyên.

“Trong tâm niệm của tôi, việc cho các con có một môi trường học tập tốt vô cùng quan trọng. Do đó, ngay từ khi các con còn nhỏ, tôi đã luôn định hướng phải cố gắng học tập tốt, nếu có điều kiện thì tham gia các kỳ thi học sinh giỏi”, bà Khanh cho hay.

Cách dạy con của bà là đặt thương yêu lên hàng đầu, cùng động viên, không gây áp lực. Các con vẫn được chơi, giải trí, nhưng giờ nào việc nấy, học hành nghiêm túc, và đã làm việc gì là phải cố gắng quyết tâm, nỗ lực hết mình.

“Chẳng hạn bố của Khôi biết chơi guitar, cháu cũng được học từ nhỏ... để cho tinh thần thư giãn, không bị quá căng thẳng”, bà Khanh kể.

Điều may mắn, các con cái, dâu rể, 8 cháu nội ngoại của bà Khanh đều giữ được truyền thống gia đình, ngoan ngoãn, thành đạt.

Em gái Khôi là Nguyễn Khánh Linh, lớp 11 chuyên Hóa trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Chủ tịch Câu lạc bộ Truyền thông của trường. Linh giành Huy chương Vàng tại Kỳ thi Phát minh và sáng tạo thế giới tổ chức tại Hàn Quốc năm nay.

Hai anh em Nguyễn Mạnh Khôi và Nguyễn Khánh Linh. Ảnh: NVCC.

Bố là người truyền cảm hứng lớn nhất

Với loạt thành tích xuất sắc (giải Nhất học sinh giỏi Quốc gia môn Hóa 2 năm liên tiếp lớp 11 và 12), Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế lớp 12, Nguyễn Mạnh Khôi được tuyển thẳng, trở thành sinh viên của ĐH Y Hà Nội. Như vậy, sau 32 năm bố bước chân vào trường này, Khôi tiếp bước con đường mà bố và ông bà nội, người cô ruột của mình đã chọn.

Chia sẻ về lý do chọn ngành Y, Mạnh Khôi nói, từ nhỏ đã được quan sát ông nội khám bệnh, bệnh nhân yêu quý. Sau này lớn hơn, em được theo bố vào bệnh viện, nhìn thấy các bác sĩ điều trị bệnh cho bệnh nhân, trong Khôi nhen nhóm lên tình yêu với ngành Y.

Tình yêu ấy lớn dần khi Khôi chọn theo học chuyên Hóa, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, chọn đúng môn chuyên mà bố Khôi từng học của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Năm lớp 11, sau khi đoạt giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia, biết mình được tuyển thẳng Trường ĐH Y Hà Nội, Khôi xác định rõ con đường mình đi, trở thành bác sĩ, tiếp nối truyền thống gia đình.

Khi hỏi về người truyền cảm hứng lớn nhất, Khôi không ngần ngại trả lời: “Bố là người truyền cảm hứng, thần tượng lớn nhất đối với em. Bố là bác sĩ giỏi, đã cứu giúp nhiều bệnh nhân khỏi bệnh và là người luôn chia sẻ, động viên em trong việc lựa chọn, đi theo ngành Y. Bố mẹ là người đã tạo điều kiện tốt nhất cho em được học tập và đạt kết quả như ngày hôm nay”, Mạnh Khôi tâm sự.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức, được mệnh danh "Bàn tay vàng" trong giới mổ nội soi khớp gối ở Việt Nam. BS Khánh cho hay, ông luôn động viên, nhưng không áp đặt con phải lựa chọn, theo nghề của bố mẹ. Việc con chọn ngành Y, với BS Khánh, đó là niềm vui và hạnh phúc, bởi con đã chọn tiếp nối truyền thống của gia đình. Tôi cũng nói với con, ngành Y rất vất vả nhưng cũng rất đáng tự hào và nếu đam mê con sẽ vượt qua được mọi sự vất vả”, BS Khánh nói.

Mai Loan

BẢN DESKTOP