Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia. |
Ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết, khoảng đêm 11/12 miền Bắc sẽ đón một đợt không khí lạnh. Sau đó vào các ngày 12, 13 và 14/12 liên tục có không khí lạnh tăng cường trên nền nhiệt độ giảm sâu, khiến nền nhiệt độ tiếp tục giảm thêm. “Chúng tôi dự báo khoảng ngày 14 và 15/12 ở vùng núi và trung du có khả năng xảy ra đợt rét đậm, có nơi rét hại”, ông Hưởng nói.
Chuyên gia khí tượng này cũng cảnh báo, do nền nhiệt độ trung bình trong ngày ở Bắc bộ liên tục dưới 15 độ C nên không chỉ ảnh hưởng sinh trưởng của cây trồng - vật nuôi mà còn ảnh hưởng sức khỏe con người. Ông Nguyễn Văn Hưởng cũng lưu ý, từ đêm nay 10/12 đến ngày 15/10, do không khí lạnh ở phía Bắc di chuyển xuống gặp vùng nhiễu động gió Đông ở Trung bộ, sẽ gây ra đợt mưa to kéo dài ở hai khu vực Trung Trung bộ và Nam Trung bộ, trọng tâm là từ tỉnh Quảng Trị đến tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa…
Ảnh minh họa. |
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên từ đêm 10/12 đến ngày 13/12 ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to. Mưa lớn ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ còn có khả năng kéo dài.
Ngày 9/12, Bộ NN-PTNT đã ban hành Công điện số 9358 về việc ứng phó với mưa lớn khu vực Trung Bộ. Công điện nêu rõ: Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, dự báo từ đêm 10/12 đến ngày 13/12, khu vực từ Trung và Nam Trung Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 100-300 mm, cục bộ có nơi trên 500 mm.
Từ ngày 14/12, mưa lớn tiếp tục duy trì trên khu vực Trung và Nam Trung Bộ. Mưa lớn ở các tỉnh miền Trung có khả năng còn kéo dài trong nhiều ngày. Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, lũ, ngập lụt, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy những nơi bị tắc, nghẽn, tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
>>> Xem thêm video: Người Hà Nội co ro trong đợt không khí lạnh đầu tiên của mùa đông