Dữ liệu y khoa

Chuyên gia Mỹ cảnh báo không chủ quan trước Omicron

  • Tác giả : Khánh Thủy
Chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ Anthony Fauci cảnh báo đừng chủ quan trước Omicron. Biến thể này tuy gây bệnh nhẹ, nhưng lây lan nhanh, có thể gia tăng áp lực lên các bệnh viện.

Tốc độ lây nhiễm nhanh đáng kinh ngạc của Omicron đã khiến cuộc sống trên khắp nước Mỹ bị ảnh hưởng, như tạm dừng du lịch bằng máy bay, đóng cửa các địa điểm giải trí và khiến người lao động chưa thể quay trở lại văn phòng.

Số ca mắc mới COVID-19 trung bình trong 7 ngày tại Mỹ đạt 540.000 ca, cao kỷ lục ngày thứ tám liên tiếp vào ngày 4/1.

Tỉ lệ nhập viện của bệnh nhân COVID-19 tăng 45% trong 7 ngày qua và ở mức hơn 111.000, cao chưa từng thấy kể từ tháng 1-2021.

"Omicron vẫn có thể gây áp lực cho hệ thống bệnh viện của chúng ta bởi vì nhiều ca bệnh thì tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng" - ông Fauci nói tại một cuộc họp giao ban của Nhà Trắng ngày 5/1.

Tại Ohio, bang có tỉ lệ nhập viện do COVID-19 bình quân đầu người cao thứ hai trong cả nước sau bang Delaware, các nhân viên tại Bệnh viện Western Reserve cho biết họ đang phải vật lộn để đối phó với số lượng bệnh nhân đổ về.

Một số bệnh nhân đã nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt 12 giường (ICU) trong vòng 6 tuần, hầu hết nhiễm biến thể Delta.

BS William Paster cho biết khoảng 80% bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Western Reserve, bang Ohio, chưa được tiêm chủng và gần như tất cả bệnh nhân nằm ở ICU cũng chưa được tiêm chủng.

Hầu hết những người được tiêm chủng đều sống sót sau khi mắc COVID-19, ngay cả với những người có bệnh nền.

Các bang khác cũng đang cảm thấy căng thẳng về số ca nhập viện ngày càng tăng. Bang Maryland đang trong tình trạng khẩn cấp kéo dài 30 ngày khi số người nhập viện đạt mức cao kỷ lục vào ngày 4/1.

Cho đến nay, số ca tử vong trên toàn nước Mỹ vẫn ở mức trung bình khoảng 1.300 người mỗi ngày, theo thống kê của Reuters.

Khánh Thủy

BẢN DESKTOP