Dữ liệu y khoa

Chuyên gia mách cách tránh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây tử vong

  • Tác giả : Thúy Nga
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trong các nguyên nhân gây tử vong và đứng thứ 5 về gánh nặng bệnh tật. Tránh mắc bệnh và phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ giúp người bệnh thoát "án tử".

Nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 sau ung thư và tim mạch

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trong các nguyên nhân gây tử vong, sau tim mạch và ung thư và đứng thứ 5 về gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh khá cao ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

ThS.BS Vũ Văn Thời, khoa Nội, Can thiệp Tim mạch Tim mạch – Hô hấp, Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (tên tiếng Anh là Chronic Obstructive Pulmonary Disease – COPD) là tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính gây giảm chức năng thông khí ở phổi.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được chia làm hai dạng, bao gồm:

Viêm phế quản mạn tính: Là tình trạng lớp niêm mạc của các ống phế quản bị viêm. Lớp lót trong các ống phế quản phổi bị sưng tấy, đỏ và chứa đầy các chất nhầy. Các chất nhầy này là nguyên nhân gây hẹp đường thở.

Khí phế thũng: Bệnh khí phế thũng gây ra tình trạng khó thở do các túi phổi bị tổn thương lâu ngày khiến các túi phổi bị suy yếu và vỡ ra gây giảm diện tích bề mặt phổi, giảm lượng oxy đi vào máu.

Các dấu hiệu bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ban đầu có thể bao gồm: Cảm thấy khó thở, đặc biệt là trong các hoạt động thể chất; Thở khò khè; Tức ngực; Ho có đờm kéo dài; Nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên; Thiếu năng lượng; Sưng phù ở mắt cá chân, bàn chân hoặc chân; Sốt nhẹ và cảm giác ớn lạnh...

Những người mắc bệnh cũng có khả năng trải qua các đợt cấp trong đó các biểu hiện trên có thể trở nên tồi tệ hơn so với sự thay đổi thông thường hàng ngày và kéo dài ít nhất vài ngày. Trong những trường hợp nặng có thể phải nhập viện, điều trị kháng sinh, thở máy, corticoid…chức năng hô hấp giảm sút, thời gian sống còn bị rút ngắn lại.

Để đánh giá mức độ khó thở, có thể sử dụng thang phân mức độ theo tác giả Sadoul:

Mức độ 0: Không khó thở khi leo cầu thang

Mức độ 1: Khó thở khi leo cầu thang từ tầng 2 trở lên.

Mức độ 2: Khó thở khi leo dốc

Mức độ 3: Khó thở khi đi lại tốc độ bình thường trên đường bằng cùng người khác

Mức độ 4: Khó thở khi đi lại với tốc độ bình thường và thường xuyên phải dừng lại để nghỉ

Mức độ 5: Khó thở khi thực hiện các công việc hàng ngày như mặc quần áo, đánh răng rửa mặt.

Hình ảnh tổn thương phổi trong COPDHình ảnh tổn thương phổi trong COPD

Hút thuốc lá chiếm hơn 90% các trường hợp mắc bệnh

Có 2 yếu tố có thể là nguyên nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính:

Các yếu tố nội tại bao gồm: Tình trạng thiếu hụt, khuyết tật về gen như thiếu hụt men alpha 1 antitrypsin.

Các yếu tố do ô nhiễm môi trường: Khói thuốc lá, thuốc lào, khí thải, khí độc công nghiệp…Hút thuốc lá chiếm hơn 90% các trường hợp mắc bệnh. Khoảng 20-30% số người hút trên 20 điếu thuốc lá mỗi ngày sẽ có các biểu hiện sớm hoặc muộn của COPD.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đợt cấp do tiếp xúc bụi nghề nghiệp xảy ra ở khoảng 10% các trường hợp. Thợ mỏ, công nhân xây dựng, thợ dệt, công nhân làm việc tại các xưởng luyện kim, nông dân là những người thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố kích thích phế quản dẫn tới nguy cơ cao mắc bệnh. Các yếu tố gây bệnh bao gồm: khí độc, xi măng, các sản phẩm than đá, bụi silic và các chất kích thích sử dụng trong nông nghiệp.

Các yếu tố khác như nhiễm độc không khí không phải là nguyên nhân trực tiếp, tuy nhiên cũng có thể ảnh hưởng tới sự phát triển bệnh bao gồm: Chứa yếu tố làm bệnh nặng lên về lâu dài và tăng nguy cơ tử vong ở những người suy hô hấp nặng.

Nhiều biến chứng nguy hiểm tính mạng

Nếu không được phát hiện và can thiệp sớm, bệnh COPD có thể gây ra một số biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống người bệnh, thậm chí nguy hiểm tính mạng như:

– Tràn khí màng phổi.

– Tâm phế mạn.

– Giảm tuổi thọ: Khoảng 30% bệnh nhân chết vì suy hô hấp cấp và mạn tính, sau đó là suy tim (13%). Các nguyên nhân gây tử vong tiếp theo bao gồm: Nhiễm trùng hô hấp, nhồi máu phổi, rối loạn nhịp tim, ung thư phổi.

– Tàn phế: COPD là bệnh có khả năng gây tàn phế cao. Đối chiếu tiêu chuẩn tàn phế của Tổ chức Y tế Thế giới, tàn phế của bệnh do các điểm chính sau: Tàn phế hô hấp: tình trạng khó thở và đau cơ sẽ làm giảm khả năng vận động.Tàn phế về mặt xã hội: người bệnh sẽ có cảm giác như bị tách biệt khỏi xã hội, hoạt động thường ngày phải phụ thuộc người khác.

Các biện pháp phòng tránh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính?

– Không hút thuốc là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để phòng ngừa và thay đổi diễn tiến ở tất cả các giai đoạn của bệnh kể cả ở mức độ chưa có triệu chứng hay mức độ rất nặng.

– Hạn chế đến mức thấp nhất tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như: khí, hóa chất, khói độc hại, bụi. Nếu công việc buộc phải làm việc trong môi trường khói bụi thì cần có bảo hộ lao động để bảo vệ đường hô hấp đúng tiêu chuẩn.

– Ngoài ra, tiêm phòng cũng là biện pháp được các chuyên gia khuyến khích sử dụng. Người lớn tuổi là đối tượng cần chú ý tiêm phòng để tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp, đặc biệt là tiêm vắc xin phòng cúm và phế cầu. Viêm phổi do phế cầu khuẩn không chỉ nguy hiểm với trẻ nhỏ mà còn là nguyên nhân gây tử vong nhanh ở người cao tuổi, đặc biệt người có bệnh lý mạn tính ở phổi.

– Bên cạnh đó, mỗi người cần tập thể dục đều đặn hàng ngày, tập các bài tập phù hợp với thể trạng, đặc biệt là các bài tập thở đúng cách, tốt cho hệ hô hấp. Một số bài tập hô hấp tốt cho các bệnh nhân COPD:

Hít thở kiểu thở chúm môi: Hít vào bằng mũi (mím môi), thở ra từ từ bằng miệng (chúm môi lại như thổi sáo). Thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào. Lặp đi lặp lại 5-10 lần.Mỗi ngày ít nhất 3 lần, mỗi lần 15 phút. Sau khi quen rồi có thể dùng cách thở này liên tục hằng ngày.

Tập hít vào với sự tham gia tích cực của bụng (thở bụng): Nằm thẳng lưng, đặt một tay lên ngực, một tay lên bụng. Hít sâu, chậm và đều qua mũi, cảm nhận bụng nhô lên. Thở ra và cảm nhận bụng xẹp xuống. Thực hiện từ 5 – 10 nhịp thở.

Tương tự với tư thế đứng hoặc ngồi thẳng, một tay đặt lên ngực, một tay đặt lên bụng. Hít sâu, chậm và đều qua mũi, cảm nhận bụng nhô ra. Thở ra và cảm nhận bụng xẹp lại. Cố gắng giữ nguyên tay trên ngực. Thực hiện từ 5 – 10 nhịp thở.

Tập ho có điều khiển: Hít vào thật sâu rồi thở ra thật nhanh và mạnh. Động tác này giúp tăng lưu lượng nhỏ, do vậy giúp đẩy đờm từ phía dưới đường thở lên bên trên; Miệng hơi hé mở, ho khoảng 2-3 lần để đẩy đờm lên cổ họng.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP