Xưa kia, khi rượu nho bị hỏng, chất cặn lắng lại trong thùng rượu thường được phụ nữ trong triều đình Pháp dùng đắp lên mặt để làm đẹp. Người ta cũng đồn rằng, nữ hoàng Cleopatra có được làn da mỹ miều là do thường xuyên tắm sữa chua… Vì sao vậy?
Tất cả những “bí mật” này đã được giải đáp nhờ các khám phá của các nhà khoa học vào năm 1990. Đó là trong những chất nói trên có chứa acid tatric, acid lactic. Các acid hữu cơ có gốc hydroxy ở vị trí alpha này có danh pháp “Alpha hydroxy acid” viết tắt là AHA.
AHA gồm nhiều loại acid như: acid glycolic (có trong dấm, cây mía); acid lactic (có trong sữa chua); acid malic, citric, tartaric (có trong trái cây tươi). Những kem trong thành phần có chứa AHA (thường là malic, citric, tartaric) gọi là mỹ phẩm sáng da AHA.
AHA tác dụng thế nào?
Dùng kem AHA thực chất là dùng acid hữu cơ để lột da. Kem có nồng độ AHA thấp khoảng 3% thì pH >3 (mức acid không quá cao) thì chỉ lột phần tế bào chết ở tầng sừng. Ngay với nồng độ này mà thời gian lột lâu thì AHA cũng ngấm sâu vào tầng bì gây tẩy màu, gây bỏng. Kem có nồng độ AHA cao khoảng 4 -7% thì pH < 2,8 (môi trường acid khá cao) thì da bị lột thành lớp mỏng.
Chuyên gia mách cách làm sáng da an toàn bằng AHA |
Cách dùng kem trắng da AHA
Nếu chỉ cần lột da mặt nhẹ: Chọn loại có nồng độ AHA thấp (khoảng 3%, pH >3). Mỗi lần dùng không quá 10 phút. Với nồng độ AHA và thời gian dùng này thì chỉ lột lớp sừng (tế bào chết), an toàn. Hiệu quả không hơn gì đắp mặt nạ bằng trái cây.
Nếu cần lột da sâu, ở vùng khác: Chọn loại có nồng độ AHA cao (khoảng 4-7%, pH <2,8, có khi pH <2). Mỗi lần dùng không quá 10 phút. Với nồng độ AHA và thời gian dùng này thì có thể lấy đi các tế bào biểu bì (tế bào còn sống) thành từng lớp mỏng, làm lộ ra lớp tế bào mới (da non).
Nếu cần chữa chứng sừng hóa, mụn cóc: Muốn chữa sừng hóa bã nhờn (seborrheiic keratin), sừng hóa do bức xạ (actinic keratose), mụn cóc (do virut Papova) thì dùng loại có nồng độ AHA cao hơn hay dùng dung dịch acid tricloracetic nồng độ cao. Phải có ý kiến thầy thuốc, có các kỹ thuật viên thạo nghề, không tự ý dùng ở nhà.
Nếu cần làm mặt nạ: Làm mặt nạ bằng trái cây (bí xanh, dứa, đu đủ xanh) hay lá (lá lô hội). Đu đủ xanh có chứa papain, dứa chứa bomelin thủy phân protein làm sạch da. Phải làm sạch, giã nhuyễn, tránh nhiễm khuẩn, xây xát da.
Dùng sai hại nhiều hơn lợi
Da cần có một lớp sừng bảo vệ vừa đủ. Nếu không dùng kem AHA, không đắp mặt nạ, lớp tế bào chết cũng bong ra tự nhiên nhưng chậm và lớp sừng sẽ chồng lên nhau làm da tối màu. Nếu đắp mặt nạ hoặc dùng kem AHA quá nhiều thì lớp sừng bảo vệ mất hết, da sẽ bị sạm.
Cả hai cách đều không có lợi. Mỗi tuần chỉ nên dùng kem AHA hay đắp mặt nạ 1 – 2 lần. Nếu dùng kem có nồng độ AHA cao, thời gian giữa hai lần lột phải dài hơn. Nếu cứ lột da liên tiếp, da không đủ thời gian sinh ra lớp tế bào bảo vệ lớp da non nên dễ bị tổn thương và dễ bị sạm hơn.
Sau khi dùng kem AHA phải dùng kem chống nắng đầy đủ (bôi thường xuyên 2-3 tiếng/lần). Ngoài ra cần kiêng nắng (hạn chế ra nắng, đặc biệt vào giờ cao điểm từ 10 giờ đến 15 giờ). Nếu cần ra nắng thì che mặt hay đội mũ rộng vành, đeo găng tay, mặc áo quần dài để vùng da sử dụng AHA không tiếp xúc với tia tử ngoại.
Sau khi dùng kem AHA, phải dùng “nước làm se lỗ chân lông”, vỗ nhẹ khắp mặt da, hay đắp mặt nạ astrigen, đơn giản và rẻ tiền hơn là dùng nước mát rửa mặt. Độ lạnh vừa phải của nước mát sẽ làm se lỗ chân lông.
Dùng kem AHA hay đắp mặt nạ làm cho da mặt sáng ra, đẹp hơn nhưng thực chất chỉ có tính trang điểm tạm thời, không nên tin và kỳ vọng theo quảng cáo, lưu ý dùng đúng cách mới hiệu quả và an toàn.
Vì nếu dùng không đúng, bôi kem trắng da sẽ làm bít tuyến tiết bã nhờn, làm tăng mụn chứ không giảm mụn. Bôi kem mà không kiêng nắng da sẽ sạm thêm chứ không đẹp ra.
TS.BS Phạm Đăng Bảng, Giám đốc chuyên môn TTClinic