Y học và đời sống

Chuyên gia cảnh báo: Người lớn đừng hôn môi trẻ

Câu chuyện người mẹ trẻ chia sẻ con bị viêm màng não do người lớn… hôn khiến nhiều người giật mình. Các chuyên gia cảnh báo người lớn đừng hôn môi trẻ.

Hôn môi trẻ có thể truyền bệnh

Truyền bệnh vì… hôn?

Trên mạng xã hội, người mẹ trẻ chia sẻ câu chuyện con gái nhỏ, từ một cô bé xinh như thiên thần, khỏe mạnh, ngoan ngoãn… đến khi gần một tuổi, trên miệng con đầu tiên xuất hiện các nốt phỏng nước.

Lúc đầu, bác sĩ chẩn đoán bé bị tay chân miệng nhưng không dừng lại ở đó, biểu hiện bệnh của trẻ ngày càng nặng, nghi ngờ viêm màng não phải chọc tủy xét nghiệm.

Chuyên gia cảnh báo không nên tiếp xúc quá gần, hôn môi trẻ. Đặc biệt khi có bệnh lý hô hấp, virus càng tuyệt đối không hôn.

Chuyên gia cảnh báo không nên tiếp xúc quá gần, hôn môi trẻ. Đặc biệt khi có bệnh lý hô hấp, virus càng tuyệt đối không hôn.

“Con sốt, môi con nứt chảy máu, con không ăn được, người con suy yếu, con gầy rộc! … Ơn trời sáng nay đã có kết luận, loại trừ khả năng những bệnh khác như kawasaki, con đang điều trị Viêm màng não tích cực”, người mẹ trẻ cho biết.

Chị cũng mong người lớn hãy ý thức hơn trong việc tiếp xúc, gần gũi, hôn hít trẻ.

Chưa thể khẳng định về ca bệnh, tuy nhiên PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, về thói quen hôn hít trẻ của người Việt, ông đã cảnh báo rất nhiều lần.

“Việc hôn trẻ không chỉ là nguy cơ gây các bệnh truyền nhiễm khác như cúm, tay chân miệng… mà có thể lây viêm màng não. Bệnh viêm não, viêm màng não do virus Herpes gây ra. Virus này sẽ xâm nhập cơ thể trẻ qua đường niêm mạc mũi, hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp vào da, miệng trẻ, sau đó sẽ lên não, gây viêm não”, PGS Dũng cảnh báo.

Ở trẻ sơ sinh, viêm não có thể lây từ mẹ sang con qua quá trình chuyển dạ và sinh đẻ. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị lây nhiễm virus từ môi và vùng quanh miệng của người có hành vi hôn trẻ.

“Đặc biệt ở trẻ em, trẻ sơ sinh đang có sức đề kháng kém, khi hôn trẻ rất dễ khiến trẻ lây các bệnh truyền nhiễm qua nụ hôn, như virus cúm, quai bị, tay chân miệng…”, PGS Dũng nói.

Cùng quan điểm này, BS Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu (BV Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết, xét về mặt lý thuyết những bệnh lý lây truyền qua đường hô hấp, lây truyền qua nước bọt hoặc tiếp xúc trực tiếp đều có thể lây qua nụ hôn.

Nhiều loại bệnh có thể truyền qua nụ hôn

Có rất nhiều loại vi khuẩn và virus có thể lây qua đường hô hấp như vi khuẩn lao, não mô cầu … hoặc virus như cúm, sởi, quai bị…Thông thường chúng hay lây qua những giọt nhỏ phát sinh khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện. Xét về lý thuyết khi hôn nhau thì cũng có thể gây lây lan những bệnh này dù trên thực tế ít phổ biến.

Các bệnh lây truyền qua tiếp xúc như virus Herpes: Khi hôn, tiếp xúc cũng có thể gây các vết loét, mụn nước dạng herpes trên da, thường ở vùng da vùng bán niêm mạc hoặc virus có thể xâm nhập, tồn tại dạng “ngủ” âm thầm trong người, đến khi có điều kiện thuận lợi sẽ tái hoạt động gây chốc mép, zona thậm chí viêm não do herpes.

Virus cytomegalo (CMV) cũng thuộc nhóm Herpes: Nó lây lan qua dịch cơ thể như nước bọt, nước tiểu hoặc máu. Khi một người bị nhiễm CMV, nó sẽ ở lại trong cơ thể suốt đời. Nhiễm CMV thường không gây bệnh nghiêm trọng, tuy nếu bào thai bị nhiễm CMV có thể có những rối loạn phát triển nghiêm trọng. Ngoài ra ở những người có sức đề kháng kém chúng có thể gây tổn thương phổi, gan, hoặc bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng.

Các bệnh lây truyền qua nước bọt: Nhiều virus đường ruột có thể lây truyền qua nước bọt. Có thể kể như Virus gây bệnh tay chân miệng, enterovirus, virus gây bại liệt, tiêu chảy…

Người ta cũng cho rằng vi khuẩn gây viêm loét dạ dày H.. Pylory cũng có thể lây qua nước bọt nên những hành vi như mớm thức ăn cho trẻ nhỏ có thể khiến vi khuẩn này lây lan.

Tuy vậy, trên thực tế có rất ít trường hợp lây bệnh được xác định chắc chắn đường lây truyền qua nụ hôn, nên có thể coi đây là con đường lây truyền khá thứ yếu đối với những bệnh lý kể trên.

“Nhưng khi đang mắc bệnh hô hấp, cúm, tay chân miệng… thì ngay cả tiếp xúc trẻ cũng không nên, chứ đừng nói đến chuyện hôn trẻ”, BS Cấp nói.

Vì thế, chuyên gia khuyến cáo cha mẹ không nên cả nể để người lớn khi đến thăm, bế là cọ mũi, hôn môi trẻ. Hãy mạnh dạn chia sẻ mong muốn không muốn cho trẻ tiếp xúc gần. Thay vì hôn miệng, hôn má có thể hôn lên tóc, lên tay trẻ.

Ngay cả người lớn khi đi ngoài đường về, sau khi chế biến đồ ăn, dọn vệ sinh, giặt tã… cũng cần rửa tay thật sạch trước khi bế trẻ để phòng nguy cơ lây bệnh cho trẻ.

Theo Dân Trí  

BẢN DESKTOP