KINH TẾ

Chuyển đổi số - cơ hội của doanh nghiệp vừa và nhỏ

  • Tác giả : Quốc Trọng
(khoahocdoisong.vn) - Chuyển đổi số, kinh tế số hiện nay đang là xu thế của toàn cầu, là quá trình không thể đảo ngược. Với sự xuất hiện của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và cú huých tái bùng phát của đại dịch, thế giới đang ở điểm đột phá của quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy nhanh chuyển đổi số.

Xu thế

Viện Phát triển doanh nghiệp (DN), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khảo sát cho thấy, nhận thức của DN về công nghệ số thời gian qua rất tốt, hơn 50% DN đã ứng dụng các công nghệ số trước khi có Covid-19; hơn 25% DN bắt đầu ứng dụng công nghệ số từ khi có Covid-19 và có ý định tiếp tục sử dụng công nghệ số.

Khảo sát của Ngân hàng Thế Giới (World Bank) tại Việt Nam cũng cho biết, tính đến tháng 6/2020, có 48% DN tại Việt Nam chuyển sang nền tảng số. Từ tháng 6 đến tháng 9 - 10/2020, tỷ lệ DN chuyển sang nền tảng số tăng lên thêm 11%.

Còn số liệu từ Tổng Cục thống kê, với 152.000 DN thì trên 30% DN Việt Nam có đầu tư công nghệ và đặc biệt là công nghệ số, chuyển đổi cách thức vận hành, sản xuất kinh doanh ở mức độ khác nhau.

Chuyển đổi số giúp DN tối ưu hóa tài nguyên bắt đầu bằng việc chuyển đổi các tài liệu, thông tin... sang nền tảng số. Từ đó, sử dụng các dữ liệu dạng kỹ thuật số để cải thiện quy trình vận hành và kinh doanh của DN.

Theo TS Võ Trí Thành, nền tảng số được sử dụng nhiều nhất trong DN Việt Nam là ứng dụng vào quản trị DN, tiếp đến là tiếp thị, phương pháp thanh toán, bán hàng, lập kế hoạch sản xuất… Ở mỗi quy mô DN khi chuyển sang nền tảng số ứng dụng vào các lĩnh vực có mức độ khác nhau, và cũng không đồng đều ngay trong bản thân mỗi loại quy mô DN.

Đơn cử, DN quy mô vừa tập trung mạnh vào quản trị DN, tiếp thị, bán hàng, phương pháp thanh toán, trong khi lại ứng dụng nền tảng số còn rất thấp trong các lĩnh vực lập kế hoạch sản xuất, quản lí chuỗi cung ứng và cung cấp dịch vụ.

DN lớn thì tập trung nhiều vào quản trị DN, lập kế hoạch sản xuất, quản lí chuỗi cung ứng, phương pháp thanh toán, bán hàng, nhưng còn ít trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ và tiếp thị.

Trong khi đó, DN nhỏ tập trung nhiều nhất vào các lĩnh vực bán hàng, tiếp thị và phương pháp thanh toán, nhưng lại còn yếu trong việc áp dụng nền tảng số vào quản lí chuỗi cung ứng và lập kế hoạch sản xuất.

Khảo sát của Viện Phát triển DN thuộc VCCI, khi ứng dụng công nghệ số DN cũng đặc biệt kỳ vọng giúp giảm chi phí (hơn 71% DN khảo sát); giảm văn bản, giấy tờ (hơn 61% DN) và giúp nâng cao hiệu quả quản trị kinh doanh cũng như chất lượng sản phẩm (hơn 50% DN)…

Cơ hội

Chuyển đổi số đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng và mang lại hiệu quả cao, mà Intel, Samsung Electronics, IBM… là những doanh nghiệp tiêu biểu. Tại Việt Nam, các công nghệ chuyển đổi số như điện toán đám mây, vạn vận hấp dẫn (IoT)... đã có sẵn trong các giải pháp quản trị doanh nghiệp, đây chính là một lợi thế quan trọng so với quá khứ nếu như các doanh nghiệp thật sự quyết tâm chuyển đổi. 

Xu thế chuyển đổi số đã hình thành, nhưng số DN tham gia chương trình chuyển đổi số hiện nay còn rất ít ỏi, trong khi cơ hội cần và đủ từ chủ trương, điều kiện thuận lợi từ thị trường, kinh nghiệm của các DN đi trước đã có.

Ông Ngô Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Softech Corporation cho rằng, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần phải biết rõ mình muốn gì, mình cần gì, kỳ vọng trong tương lai như thế nào; còn thiếu gì để thỏa mãn dữ liệu đầu ra mà mình mong muốn.

Theo ông Phạm Nam Long, Giám đốc điều hành Công ty Abivin: “Để chuyển đổi số thành công, DN cần rà soát năng lực và nhu cầu của mình, tìm kiếm giải pháp phù hợp, bám sát thực tế khi phát triển. Từ đó, DN sẽ triển khai từng bước và tiếp tục duy trì, cam kết vận hành”.

TS Võ Trí Thành cũng lưu ý 3 bài học cho thành công trong chuyển đổi số doanh nghiệp, gồm: Nghĩ lớn, làm cụ thể, quyết liệt từ việc nhỏ, có tính đổi mới, lan tỏa cao; gắn bó sâu sắc chuyển đổi số với chiến lược phát triển doanh nghiệp và đặc biệt lãnh đạo phải đi tiên phong.

TS Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển DN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lại cho rằng, mặc dù là lĩnh vực công nghệ nhưng chuyển đổi số thành công hay thất bại lại không chủ yếu phụ thuộc nhiều vào công nghệ mà phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm chính trị, thể chế kinh tế quốc gia, của DN.

Cụ thể, các cấp lãnh đạo phải quyết tâm với chiến lược của mình, hợp tác với các nhà cung cấp, các đối tác đã có sự chuyển đổi số và sản xuất theo mô hình số hóa sẽ giúp DN phát triển nhanh hơn. Theo đó, ngay từ nguyên liệu đầu vào đã phải chọn các DN từng thực hiện chuyển đổi số khi đó sẽ có sự phù hợp với công nghệ của mình.

Quốc Trọng

BẢN DESKTOP