Dọc đường

Chuyện chưa kể về nhà tù Sơn La – Kỳ 6: Suối Reo giữa kìm kẹp

Ngục Sơn La – nỗi kinh hoàng với bất cứ ai bị giam cầm. Ở trong ngục, tù nhân phải đối phó với đòn roi, sốt rét… Nhưng với những người tù cộng sản, trong “máu có hoa”, và “hoa của máu” ấy chính là tờ báo Suối Reo. Báo được xuất bản trong tù – một chuyện lạ!

Nhà tù Sơn La cũng là “trụ sở” của báo Suối Reo.

Cảm hứng Nậm La

Bà Vũ Thị Linh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La lần giở cuốn sử viết riêng về nhà tù Sơn La. Người tinh ý nhìn cuốn sử cũng thấy độ dày đễ cũng đến trăm trang. Trong đó có đoạn viết về việc tù nhân thành lập tờ báo Suối Reo. Nhưng hiềm nỗi, người viết sử quá ít tư liệu nên đoạn về tờ Suối Reo chỉ vỏn vẹn nửa trang ngắn ngủi.

Hơn chục năm nay, tạp chí Văn nghệ Sơn La của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Sơn La cũng được đổi tên thành tạp chí Suối Reo. Đó là sự kế thừa những tinh hoa cùng bản lĩnh của các nhà hoạt động cách mạng hơn 70 năm về trước trong nhà tù tàn bạo nhất.

Phải qua rất nhiều nguồn thẩm định từ Hội Nhà báo tỉnh Sơn La đến cựu cai ngục Lò Văn Sôn và cả đến cựu tù nhân Nguyễn Văn Trân mới thật hiện ra một thời đáng nhớ và đáng trọng của các tù chính trị nhà ngục .

Ông Trân nói về bối cảnh ra tờ báo Suối Reo thế này, cuối năm 1940 chi bộ nhà tù Sơn La được thành lập do đồng chí Tô Hiệu làm Bí thư đầu tiên đề ra nhiều hoạt động và hình thức đấu tranh nhằm đoàn kết, động viên anh em vững bước.

Mô phỏng biên tập tờ báo Suối Reo.

Một trong những công việc quan trọng đó là xác định phải xuất bản một tờ báo. Nhưng tờ báo phải có một cái tên không chỉ hay mà còn đúng. Vậy là những ý tưởng được đưa ra.

“Sau này, tôi có hỏi các anh em sao lại lấy tên báo là Suối Reo? Các anh em giải thích dưới chân đồi Khau Cả có con suối Nậm La quanh năm réo rắt chảy ra sông Đà về hướng Đông Bắc, thế là anh em quyết lấy tên là Suối Reo, cũng là tinh thần yêu đời của các anh em trong tù”, ông Sôn cho hay.

Chi bộ quyết định giao cho đồng chí Xuân Thủy (tức Nguyễn Trọng Nhâm) là người đã từng viết báo từ 10 năm trước đó. Đồng chí Xuân Thủy phụ trách tờ báo và là chủ bút. Báo xuất bản mỗi tháng 2 kỳ, mỗi kỳ nhiều nhất là 2 bản, khổ rộng  20 x 14 cm. Chữ trên báo Suối Reo được viết tay bằng mực tím trên giấy viết thư về nhà của các bạn tù gom lại.

Phóng viên là tù nhân

Theo ông Nguyễn Văn Trân, thực hiện nghị quyết của chi bộ nhà tù Sơn La, cứ sau 2 buổi đi lao động khổ sai trở về cơm nước xong, cánh cửa sắt đóng lại thì cũng là lúc các biên tập viên làm báo Suối Reo mở các đồ nghề ra để “tác nghiệp”.

Đồng chí Xuân Thủy, Chủ bút tờ Suối Reo năm 1941.

Tờ báo hoạt động bí mật nhưng mỗi khi có chuyện phật ý bọn cai ngục, chúng sẽ vào thu hết mọi giấy tờ, bút, mực đem đi đốt. Sau mỗi lần như thế, các anh em tù nhân lại phải đi gom cho đủ những vật dụng cần thiết chuẩn bị cho số ra đầu tiên của tờ Suối Reo.

Dịp tết Quý Mùi năm 1943 sắp đến, cũng là dịp kỷ niệm 13 năm thành lập Đảng ở Việt Nam. Ban biên tập báo Suối Reo quyết tâm phải xuất bản ra mắt bạn đọc trong dịp này thật phong phú, khác với báo ra các ngày thường.

Từ khi được thành lập, dưới sự chỉ đạo của cơ quan chủ quản là chi bộ nhà tù Sơn La, báo Suối Reo có khá nhiều bài viết hay và sắc bén của các cộng tác viên là những tù nhân gửi về. Chủ bút Xuân Thủy đã phải tranh thủ đọc trước vào buổi trưa để chọn bài hay.

Có một bài thơ ngắn đầy ý nghĩa: “Tiếng Đảng ta nghe gọi/Cờ Đảng ta đi theo/Muôn năm ta chúc Đảng/Muôn năm chúc Suối Reo”.

Tập thể Ban biên tập nhận xét đánh giá chất lượng: Hai câu trên thì được, còn câu thứ tư thì dứt khoát phải sửa với lý do tác giả nhìn nhận vấn đề quá tĩnh, không phù hợp. Báo Suối Reo không thể tồn tại muôn năm, cũng giống như không có gì có thể tồn tại mãi mãi. Một khi ngục Sơn La không còn, thì báo Suối Reo cũng không tồn tại.

Chủ bút Xuân Thủy sửa lại 2 câu cuối của bài thơ cho hoàn chỉnh: “Tiếng Đảng ta nghe gọi/Cờ Đảng ta đi theo/Chúc mừng ngày sinh Đảng/Lòng ta như Suối Reo”.

Đọc đến bài thơ thứ hai, có 2 câu kết cũng hay hay, nhưng người viết lại tạo cho độc giả một suy nghĩ thiên về cá nhân, rất ủy mị và nhớ nhung:“Em ơi có biết Sơn La/Ở đây có Đảng sao mà vắng em?”

Mọi người nhất trí phải sửa, vì làm sao mà lại muốn cả vợ vào đây? Vợ nó có tội gì đâu, phải để mẹ cu tăng gia nuôi con, nuôi các cố già. Vậy là chủ bút Xuân Thủy nêu ra chính kiến của mình và sửa lại: “Em ơi có biết Sơn La/Xa em – có Đảng như là có em”.

Một tờ báo hiếm hoi của năm 1945 còn sót lại.

Theo quy định của giám ngục nhà tù Sơn La lúc bấy giờ, cứ đến 20 giờ là tắt điện đi ngủ. Những anh em nào không có đề tài để viết thì nằm yên trên sàn xi măng. Các nhà báo đang có hứng thì tiếp tục viết lách qua ánh sáng của ngọn đèn nơi xó tường.

Ban biên tập cử một vài anh em canh chừng, thấy có bóng dáng lính canh là tắt ngay đèn và giấu mọi đồ nghề trong nhà vệ sinh. Có tác giả vui miệng bảo: “Đi theo ánh sáng vào trong ấy/Chớ để văn phong phải nặng mùi”.

Hoàn thành sứ mệnh

Sau bao ngày đêm miệt mài, cuối cùng báo Suối Reo mừng Xuân Quý Mùi và chào mừng ngày sinh Đảng đã được xuất bản đúng kỳ hạn. Số báo đặc biệt này dày đến 60 trang được trình bày bắt mắt với những hình vẽ minh họa thú vị và những nét chữ ngay ngắn thẳng hàng.

Trong khi làm báo Suối Reo, các tù chính trị phải canh chừng bọn lính cai ngục.

Những tờ báo này được các tù nhân truyền tay nhau đọc giống như truyền nhau tiếng hát. Dù ngục tù tăm tối nhưng tinh thần và ý chí của anh em cộng sản chẳng khác nào khúc hoan ca như suối Nậm La kia chảy miết đến tận bến bờ.

Đúng như đánh giá của những người làm báo Suối Reo trong ngục Sơn La, báo Suối Reo không “tồn tại muôn năm” và nó chỉ tồn tại thêm hai mùa xuân sau đó. Ngày 9/3/1945  khi mùa ban trắng nợ rộ khắp núi rừng Tây Bắc cũng là thời khắc bọn thực dân Pháp phải kéo cờ trắng đầu hàng lũ giặc lùn Nhật Bản.

Ngày 18/3/1945 hàng trăm tù chính trị thoát khỏi địa ngục trần gian Sơn La. Cả chủ bút Xuân Thủy, ban biên tập và anh em phóng viên – tù nhân vui vẻ “đóng cửa” tờ Suối Reo. Chủ bút Xuân Thủy tuyên bố: Tờ Suối Reo đã hoàn thành sứ mệnh cách mạng trong lao tù.

Một số anh em tù chính trị từ nhà tù Sơn La trở về chiến khu Hiền Lương (Phú Thọ) sau hàng tuần lễ đi bộ trên các con đường mòn để tiếp dấn thân vào những nhiệm vụ cao cả khác.

“Lúc đầu, đồng chí Trần Huy Liệu được cử làm chủ bút, sau đó đến đồng chí Xuân Thủy. Số báo đầu tiên ra vào tháng 5/1941. Chủ bút Xuân Thủy đã viết 4 câu thơ làm lời tựa: “Thu sang hoa cỏ già rồi/Suối reo lên để cho đời trẻ trung/Thu sang non nước lạnh lùng/Suối reo lên để cho lòng ta reo”, Bà Vũ Thị Linh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La.

(Còn nữa)

Trần Hòa

BẢN DESKTOP