Đời sống

Chương trình Vui khoẻ mỗi ngày giúp người cao tuổi sống tích cực hơn

Có những thứ người cao tuổi biết nhưng không biết hết, biết đúng. Nhờ có các bác sĩ mà chúng tôi biết mình phải thay đổi, tập những thói quen có ích cho sức khoẻ nhiều hơn nữa”, bác Minh Nguyệt, 70 tuổi, nhà ở Q,10, TPHCM chia sẻ khi tham gia Chương trình Vui khoẻ mỗi ngày, vừa diễn ra vào ngày 25/9 tại TPHCM.

Khoảng 600 người cao tuổi đã tham gia chương trình Vui khoẻ mỗi ngày.

Chương trình Vui khoẻ mỗi ngày do Báo Khoa học & Đời sống phối hợp cùng CLB Truyền thống Kháng chiến – Hưu trí Q.10, Ban Đại diện Hội người cao tuổi quận 10, TPHCM tổ chức nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì người cao tuổi. Khoảng 600 người cao tuổi tham dự chương trình đã rất tâm đắc với 2 đề tài liên quan đến tim mạch và cơ xương khớp do BS của các BV uy tín tại TPHCM trình bày.

ThS.BS.CKI Lê Xuân Sơn, Khoa Chấn thương Chỉnh hình, BV Sài Gòn ITO Phú Nhuận và TS.BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Trưởng Khoa Nhịp tim học, BV Nhân dân 115 TPHCM đang giao lưu cùng cùng các cô chú hội viên Hội người Cao tuổi.

Người cao tuổi cần giảm căng thẳng để bảo vệ tim mạch

TS.BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Trưởng Khoa Nhịp tim học, BV Nhân dân 115 TPHCM đã thông tin rất chi tiết, hữu ích về những biến đổi trên tim mạch ở người cao tuổi, cách nhận biết những yếu tố nguy cơ và cách kiểm soát, phòng tránh các bệnh lý tăng huyết áp, bệnh mạch vành và bệnh van tim cũng như những biến chứng của chúng.

TS.BS Mỹ Hạnh cũng tư vấn cặn kẽ chế độ ăn, chế độ tập luyện và cách dùng thuốc hợp lý cho người cao tuổi. Theo đó, nên áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải, chủ yếu là cá – rau – củ – hạt, giảm dầu mỡ. Nên kết hợp tập thể dục sáng với phơi nắng hằng ngày để tổng hợp nhiều vitamin D. Không tắm hơi hay tắm nước quá nóng, quá lạnh sau khi tập… Vấn đề cũng không kém phần quan trọng là người già nên tập buông bỏ để giảm căng thẳng – tác nhân có thể làm trầm trọng thêm các bệnh lý tim mạch ở người già.

Bác Bùi Thị Xuân, Chủ nhiệm CLB Truyền thống Kháng chiến – Hưu trí quận 10 tặng quà cho các hội viên đến tham dự chương trình.

Người cao tuổi cũng cần tuân thủ chế độ dùng thuốc theo toa bác sĩ, tái khám định kỳ, không tự ý ngưng hay dùng thêm thuốc. Cân nhắc khi dùng các thực phẩm chức năng…

Bong gân – chấn thương tưởng nhỏ mà không nhỏ

ThS.BS.CKI Lê Xuân Sơn, Khoa Chấn thương Chỉnh hình, BV Sài Gòn ITO Phú Nhuận đã trình bày một vấn đề người cao tuổi hay gặp nhưng lại ít được chú ý đến: Chấn thương bong gân và trật khớp. Trong đó, bong gân là khi một hoặc nhiều dây chằng bị giãn hoặc rách hay có thể đứt hoàn toàn, thường xảy ra ở mắt các chân, cổ tay, ngón tay…

BS Sơn tư vấn cho các cụ cách nhận biết khi bong gân. Đó là các dấu hiệu sưng đau ổ khớp, khi chạm vào thậm chí có cảm giác đau nhói, khớp có thể không cử động được, một số trường hợp bị tê, phù nề hay kèm theo tiếng “pực” hay “rắc” ở vùng tổn thương.

ThS.BS.CKI Lê Xuân Sơn, Khoa Chấn thương Chỉnh hình, BV Sài Gòn ITO Phú Nhuận tư vấn thêm cho người cao tuổi tham dự chương trình Vui khoẻ mỗi ngày.

Chấn thương bong gân tuy có vẻ đơn giản nhưng nếu xử trí không đúng cách sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ sau này như: Giảm chức năng khớp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hằng ngày, đau kéo dài, chấn thương thần kinh mạn tính do ảnh hưởng của khối máu tụ, chèn ép…

Theo BS Sơn, khi xử trí một bong gân tại nhà, tuyệt đối không được bôi dầu nóng vào vùng bị tổn thương. Không được uống rượu hay các chất kích thích vì sẽ gây giãn mạch. Không nên xoa bóp, nắn khớp khi chưa có bằng chứng trật khớp. Phải bất động vùng tổn thương ít nhất qua giai đoạn viêm cấp tính vì vận động quá sớm chỉ gây chảy máu, phù nề thêm. Không được lễ hay chích bất cứ thuốc nào vào khớp, có thể gây nhiễm trùng khớp…

Các cụ đọc báo Khoa học & Đời sống trước khi vào buổi trò chuyện cùng bác sĩ.

BS “gãi” đúng nỗi niềm của những người cao tuổi

Các bài nói chuyện trên thu hút sự chú ý của người tham dự bởi đây là những vấn đề rất gần gũi với các cụ. Bác Trần Thị Tuyết Em, ngụ đường Tô Hiến Thành, Q.10, người đã tham gia CLB Truyền thống Kháng chiến – Hưu trí quận 10, TPHCM 7 năm nay cho biết, bà rất thích những chương trình như thế này. Bà nói: “Hồi xưa mình còn nghèo khó nên ăn uống tùm lum, dễ sinh bệnh mà kiến thức về bệnh thì không biết. Giờ BS tư vấn cặn kẽ, mình biết rõ từng căn bệnh ra sao, phòng bệnh thế nào nên sẽ biết cách ăn uống, tập luyện sao cho tốt, hạn chế bệnh tật.

Đại diện Ban tổ chức nhà báo Bùi Hương – Trưởng CQTT báo Khoa Học & Đời Sống tại TPHCM  cũng gửi lời cảm ơn đến Ban giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, Ban giám đốc hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO, Bệnh viện St. Stamford tại Việt Nam, công ty CP thực phẩm dinh dưỡng Nutifood đã ủng hộ chương trình Vui khoẻ mỗi ngày được thực hiện thành công tốt đẹp.

Thay mặt những người cao tuổi trên địa bàn, bác Bùi Thị Xuân, Chủ nhiệm CLB Truyền thống Kháng chiến – Hưu trí quận 10 đã cảm ơn Báo Khoa Học & Đời Sống đã xây dựng nên chương trình, một sân chơi rất ý nghĩa cho người cao tuổi. Bác Xuân cho biết: “Chương trình Vui Khoẻ Mỗi Ngày của báo rất hay, thiết thực, đa dạng, giúp những người lớn tuổi nhận diện được đầy đủ những vấn đề sức khỏe tuổi già. Đây là lần thứ 2 mà CLB chúng tôi được báo Khoa Học & Đời Sống đồng hành chương sức khoẻ. Rất mong là báo KH&ĐS sẽ có thêm nhiều chương trình để đồng hành cùng chúng tôi”.

An Lâm

BẢN DESKTOP