Khuyến nghị mua TPB với giá 31.300 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Nâng giá mục tiêu cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB) thêm 11,4% lên 31.300 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị MUA.
Giá mục tiêu cao hơn chủ yếu là do định giá cao hơn theo phương pháp thu nhập thặng dư bắt nguồn từ mức tăng 17,6% trong dự báo cho tổng LNST 2023-2027 và cao hơn mức chi phí vốn chủ sở hữu của TPB từ 14,6% lên 14,7% do cập nhật hệ số beta.
VCSC điều chỉnh tăng LNST năm 2023 thêm 21,6% lên 6,5 nghìn tỷ đồng (+2,3% YoY) nhờ mức tăng 43,6% trong dự báo cho thu nhập phí ròng (NFI) (bao gồm cả ngoại hối) năm 2023, cao hơn dự báo chi phí HĐKD (OPEX) 4,7%. Sự thay đổi đáng kể trong giả định NFI năm 2023 của chúng tôi là do kỳ vọng rằng lượng khách hàng mới tăng trưởng trong quý 4/2022 sẽ dẫn đến phí dịch vụ thanh toán cao hơn.
VCSC duy trì giả định tỷ lệ nợ xấu năm 2023 ở mức 1,3% với tỷ lệ xử lý nợ/tổng cho vay là 1,4%. Rủi ro đối với quan điểm tích cực: (1) Hạn mức tín dụng thấp hơn kỳ vọng; (2) không duy trì được tỷ lệ CASA từ khách hàng cá nhân như kỳ vọng; (3) nợ xấu từ các khoản cho vay và trái phiếu doanh nghiệp cao hơn dự kiến.
CTCK khuyến nghị cổ phiếu nào phiên 28/2? |
Khuyến nghị mua HDG với giá mục tiêu 38.800 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Giảm giá mục tiêu cho HDG thêm 14% nhưng giữ nguyên khuyến nghị MUA.
Giá mục tiêu thấp hơn đến từ việc VCSC điều chỉnh giảm định giá mảng bất động sản thêm 30% do trì hoãn việc mở bán các dự án bất động sản của HDG từ 6 tháng đến 1 năm và định giá thấp hơn cho dự án Charm Villas. Điều này tương ứng mảng bất động sản chỉ đóng góp 30% vào định giá của HDG.
VCSC giảm dự báo LNST giai đoạn 2023-2026 thêm 12% khi kéo dài thời gian bàn giao Charm Villas Giai đoạn 3 trong 3 năm (2023-2025) do niềm tin của người mua nhà hiện đang yếu. VCSC cũng trì hoãn mở bán/bàn giao 2 dự án bất động sản phân khúc tầm trung tại TP.HCM và 2 dự án bất động sản tại Hà Nội do thủ tục pháp lý chưa có cải thiện đáng kể.
Dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2023 sẽ giảm 24% YoY với tỷ lệ đóng góp LNST từ mảng năng lượng thấp hơn (-11% YoY), vượt LNST cao hơn từ Charm Villas (+13% YoY) và LNST cao hơn từ mảng khách sạn & văn phòng cho thuê.
VCSC nhận thấy mức định giá của HDG hấp dẫn với P/E trượt là 6,7 lần — thấp hơn 30% so với một số công ty ngành điện và bất động sản; P/E dự phóng năm 2023 của HDG cũng thấp hơn khoảng 20% so với PC1 (công ty cùng ngành phù hợp nhất với HDG).
VCSC dự báo ROE trung bình là 20% và CAGR EPS là 24% trong giai đoạn 2022-2025. HDG có kế hoạch mở rộng khai thác điện gió rõ ràng nhất trong phạm vi theo dõi với công suất 540 MW, tên/địa điểm các dự án cụ thể ở miền Trung và được đưa vào Quy hoạch Phát triển Điện VII điều chỉnh.
Rủi ro: Tiến độ các dự án BĐS hình thành trong tương lai chậm hơn so với dự kiến. Yếu tố hỗ trợ: Giá đất của Charm Villas thấp hơn dự kiến; động thổ dự án điện gió lớn An Phong (300 MW) tạo điều kiện cho Hado Energy IPO.
Khuyến nghị mua DGW với giá mục tiêu 52.000 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Điều chỉnh giảm 5% giá mục tiêu nhưng duy trì khuyến nghị MUA cho CTCP Thế Giới Số (DGW). Giá cổ phiếu của công ty đã giảm 10% kể từ ngày 01/12/2022.
VCSC cho rằng DGW có định giá hấp dẫn với P/E dự phóng năm 2023 là 9,6 lần, thấp hơn 16% so với P/E trượt trung bình 3 năm của trung vị một số công ty cùng ngành là 11,4 lần. Ngoài ra, VCSC dự phóng tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lợi nhuận giai đoạn 2022-2027 của DGW là 12%.
Giá mục tiêu thấp hơn chủ yếu do điều chỉnh giảm 1%/6%/7% dự phóng LNST sau lợi ích CĐTS lần lượt cho các năm 2025/26/27 khi VCSC có quan điểm thận trọng hơn đối với đà tăng trưởng doanh số bán hàng trong trung hạn của mảng ĐTDĐ Xiaomi và laptop.
Ảnh hưởng kém tích cực này được bù đắp một phần nhờ tăng 10%/7% dự báo lợi nhuận trong các năm 2023/2024, chủ yếu do nâng giả định tăng trưởng doanh số bán hàng đối với mảng thiết bị văn phòng (OE) và hàng tiêu dùng.
Yếu tố hỗ trợ: Tăng trưởng mảng ĐTDĐ và laptop trong trung hạn mạnh hơn; M&A gia tăng giá trị giúp mở rộng danh mục sản phẩm của DGW; đạt được ít nhất 10% thị phần cho các thương hiệu thiết bị gia dụng mới.
Rủi ro đối với quan điểm tích cực: Mất hợp đồng với các thương hiệu lớn; chi tiêu của người tiêu dùng đối với hàng hóa kỹ thuật yếu hơn dự kiến.