Chứng khoán

Chứng khoán ngày 26/5: BID, IDC và SZC có gì đặc biệt?

  • Tác giả : Minh An
Các công ty chứng khoán đã đưa ra những khuyến nghị gì cho cổ phiếu BID, IDC và SZC?

SZC (Khuyến nghị khả quan): Triển vọng tươi sáng cho nửa cuối 2023

Chứng khoán VNDirect (VND): Giải phóng mặt bằng chậm kéo LN xuống thấp nhất 5 năm.

SZC ghi nhận doanh thu Q1/23 giảm 77,2% svck xuống 63,2 tỷ đồng do: 1) doanh thu KCN giảm 90,3% svck xuống 26,4 tỷ đồng chủ yếu do giải phóng mặt bằng chậm hơn dự kiến (chỉ 2-3 ha đất được bàn giao trong Q1/23) 2) Doanh thu BĐS nhà ở chỉ ghi nhận 21,7 tỷ đồng từ việc bàn giao một phần giai đoạn 1 (shophouse) của dự án Sonadezi Hữu Phước, khoảng 3 căn được bàn giao, chậm hơn nhiều so với dự kiến. Do đó, LN ròng Q1/23 giảm 84,4% svck, chỉ hoàn thành 2,3% dự phóng cả năm của chúng tôi.

Triển vọng BĐS KCN: Doanh nghiệp phát triển KCN với quỹ đất còn lại lớn thứ 3 tại phía Nam sẽ hưởng lợi từ xu hướng tăng giá thuê

Chúng tôi nhận thấy mảng BĐS KCN của SZC có triển vọng khả quan trong giai đoạn 2023-25 nhờ 1) quỹ đất còn lại lớn mang lại lợi thế trong bối cảnh nguồn cung mới hạn chế sẽ đẩy diện tích cho thuê của KCN Châu Đức tăng vọt từ năm 2023, 2) giá thuê có dư địa tăng trưởng trong vài năm tới khi so sánh với giá thuê trung bình của BR-VT. Theo đó, chúng tôi điều chỉnh tăng doanh thu KCN giai đoạn 2023/24 tăng 17,9%/25,4% so với dự phóng trước, giúp cho doanh thu KCN 2023/24 tăng 28,8%/19,2% svck. Chúng tôi tin rằng SZC có thể đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và bàn giao khoảng 55-60ha đất KCN theo hợp đồng ghi nhớ trước đó.

Triển vọng BĐS nhà ở: Khởi động lại động lực tăng trưởng

Sau nửa năm chậm tiến độ, dự án Sonadezi Hữu Phước cuối cùng cũng đã bàn giao giai đoạn 1 các căn shophouse vào cuối năm 2022. Theo kế hoạch, SZC sẽ bàn giao toàn bộ số căn shophouse còn lại của giai đoạn 1 trong năm 2023 và giai đoạn 2 vào năm 2024. Chúng tôi kỳ vọng doanh thu mảng BĐS nhà ở sẽ trở thành động lực tăng trưởng với tỷ trọng đóng góp vào tổng doanh thu giai đoạn 2023/24 lần lượt là 22,5%/30,3%. Do tốc độ giải phóng mặt bằng chậm hơn dự kiến, chúng tôi điều chỉnh giảm doanh thu từ BĐS nhà ở của SZC giai đoạn 2023/24 xuống 22,4%/38,5% so với dự phóng trước. Tổng hợp lại, chúng tôi điều chỉnh giảm LN ròng giai đoạn 2023/24 lần lượt là 13,7%/21,4% so với dự phóng trước đó.

Duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu thấp hơn 41.400đ/cp

Chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 5,9% so với báo cáo trước xuống 41.400đ/cp do định giá KCN Châu Đức tăng tuy nhiên giảm định giá của dự án Sonadezi Hữu Phước do quá trình bàn giao chậm hơn dự kiến của các căn shophouse. Tiềm năng tăng giá: Thời gian triển khai sản phẩm nhà phố tại Sonadezi Hữu Phước sớm hơn dự kiến. Rủi ro giảm giá tới từ: 1) giá bồi thường đất cao hơn dự kiến, 2) chậm trễ trong việc xin giấy phép cho các dự án khu nhà ở.

Chung khoan ngay 26/5: BID, IDC va SZC co gi dac biet?

BID (Khuyến nghị khả quan): LNTT kỳ vọng vượt 1 tỷ USD vào năm 2023

Chứng khoán VietCap (VCSC): Chúng tôi tăng giá mục tiêu (TP) cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID) thêm 8,2% lên 50.300 đồng/cổ phiếu và nâng khuyến nghị từ PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG lên KHẢ QUAN.

TP cao hơn của chúng tôi chủ yếu đến từ (1) dự phóng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2023- 2027 tăng 2,7% (mức tăng 0,5%/3,1%/2,7%/5,2%/1,2% lần lượt cho các năm 2023/24/25/26/27), (2) tác động tích cực của việc chúng tôi cập nhật TP đến giữa năm 2024 và (3) giả định chi phí vốn chủ sở hữu của chúng tôi đối với BID giảm nhẹ do chỉ số beta cập nhật.

Mức tăng trong dự báo lợi nhuận giai đoạn 2023-2027 của chúng tôi được củng cố bởi (1) mức tăng tổng cộng 1,0% trong dự báo thu nhập lãi (NII) và (2) mức tăng tổng cộng 4,4% trong dự báo thu nhập phí (NFI) (bao gồm cả lợi nhuận từ giao dịch ngoại hối), bị ảnh hưởng một phần bởi mức tăng tổng cộng 1,1% trong dự báo chi phí dự phòng.

Chúng tôi giữ nguyên quan điểm rằng BID sẽ giảm chi phí tín dụng từ 1,56% vào năm 2022 xuống còn ~1,0% vào năm 2027, điều này sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng trong 5 năm tới.

Chúng tôi giữ nguyên dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2023 ở mức 21 nghìn tỷ đồng (+15,6% YoY) do (1) mức tăng 4,5% trong dự báo NFI (bao gồm lãi từ kinh doanh ngoại hối) nhờ KQKD quý 1/2023 cao hơn dự kiến và (2) mức giảm 2,5% trong dự báo chi phí dự phòng bù đắp cho dự báo NII giảm 0,7%. Chúng tôi dự báo LNTT năm 2023 đạt 26,9 nghìn tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 17,0% YoY so với mục tiêu của ngân hàng là 10%-15%.

Rủi ro chính: (1) Cần tăng vốn để duy trì tăng trưởng cho vay, dẫn đến rủi ro pha loãng; (2) các biện pháp hỗ trợ khách hàng cao hơn dự kiến ảnh hưởng NIM; (3) hình thành nợ xấu cao hơn.

IDC (Khuyến nghị nắm giữ): Giá mục tiêu 36.800 đồng/cp, giảm 6,4%

Chứng khoán MBS: Cập nhật tình hình thị trường và hoạt động đầu tư kinh doanh của công ty, chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ mã cổ phiếu IDC với giá hợp lý là 36.800 đồng/cổ phiếu: (1) IDICO đang phát triển đất KCN lớn, vị trí tốt và tiềm năng tăng giá trong tương lai, (2) Mảng BĐS nhà ở thương mại sẽ đem lại lợi nhuận đột biến, (3) Cơ cấu tài chính tốt, tỷ lệ trả cổ tức cao.

IDICO ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ: Năm 2022, Công ty thay đổi cách hạch toán doanh thu mảng cho thuê KCN từ ghi nhận phân bổ theo thời gian sang ghi nhận 1 lần đối với các dự án đủ điều kiện đã giúp doanh thu đạt 7.485 tỷ đồng (+74%) và lợi nhuận sau thuế đạt 2.055 tỷ đồng (+255%).

Sở hữu diện tích đất cho thuê KCN lớn: IDICO đang đầu tư, quản lý 10 KCN tại Việt Nam với tổng diện tích 3.267ha, trong đó 07 KCN ở phía Nam và 03 KCN ở phía Bắc. Diện tích đất thương phẩm còn lại là khoảng 751ha, giá cho thuê trung bình đạt 123 USD/m2.

BĐS nhà ở thương mại có tỷ suất sinh lời cao: IDICO chủ trương phát triển nhà ở xã hội (NOXH) và nhà ở công nhân (NOCN) gần các KCN mà công ty phát triển. Các dự án này sẽ được hưởng lợi từ chính sách phát triển NOXH Chính phủ đang khuyến khích đầu tư. Biên lợi nhuận cao nhờ giá vốn thấp.

Rủi ro đầu tư: (1) Rủi ro suy thoái kinh tế khiến nhu cầu đầu tư giảm sút, (2) Rủi ro vướng mắc trong giải phóng mặt bằng kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ, tăng chi phí, giảm hiệu quả của dự án, (3) Rủi ro tài chính do kinh doanh trong lĩnh vực BĐS KCN và nhà ở đòi hỏi vốn lớn, (4) Rủi ro khác như thuỷ văn, thời tiết, dịch bệnh,...

Minh An

BẢN DESKTOP