Y học và đời sống

Chứng động kinh trẻ em

  • Tác giả : Nguyễn xuân Hướng
(khoahocdoisong.vn) - Chứng động kinh của trẻ em Đông y gọi là “Kinh giản”. Kinh là phong, giản là điên giản, nhưng đều do một triệu chứng chung là tinh thần không tỉnh táo, tay chân và cơ thể co giật.

Nguyên nhân gây bệnh là do khí nghịch, đờm ủng tắc làm vít lấp tâm khiếu, tà lưu trệ ở can (gan) kinh, can vượng làm ảnh hưởng đến vận hóa của tỳ, tỳ vận hóa không mạnh, đờm ủng tắc mà sinh ra bệnh. Cũng có trường hợp do trẻ bị sợ hãi làm khí kết ở tâm, tâm tàng thần, khi kinh sợ thì thần bị tổn thương, sinh ra đờm, làm cho khí nghịch lên, kết lại mà sinh bệnh.

Bệnh thường xảy ra đột ngột, trẻ đang chơi, hoặc đang học, nếu là người lớn thì đang làm việc tự nhiên ngã vật ra, bất tỉnh nhân sự, sùi bọt mép, người co giật, mắt và miệng méo xệch, sau một lúc tỉnh lại bình thường. Bệnh phát ra không có chu kỳ, có khi ngày một lần, hoặc 2-3 lần, có khi 2-3 ngày mới bị một lần, có khi một tuần, một tháng, thậm chí nửa năm hoặc một năm một lần. Nếu không được điều trị kịp thời thì bệnh trở thành mạn tính, hoặc biến thành chứng giản.

Các dạng bệnh

Động kinh chia ra kinh giản, phong giản và thực giản, thuộc hai thể dương giản và âm giản. Bệnh mới phát gọi là dương giản, bệnh mạn tính gọi là âm giản. Bệnh thuộc dương giản dễ điều trị, bệnh đã đến thời kỳ âm giản khó điều trị.

 - Chứng dương giản do nội nhân: Bệnh nhân tự nhiên ngã lăn ra, bất tỉnh, mặt đỏ bừng, sau đó tái dần, tay chân co giật, miệng sùi bọt mép, đờm rãi, một lúc sau tỉnh lại. Điều trị: Thanh can, tả hỏa, khư đờm. Bài thuốc: Long đởm thảo 16g, hoàng cầm, đởm nam tinh, thiên ma, câu đằng, địa long đều 8g, sài hồ, xích thược 6g, viễn chí, cam thảo đều 4g. Nếu đờm nhiều gia mông thạch 8g; ăn kém, bụng trướng gia thần khúc, chỉ thực đều 6g; sốt cao gia liên kiều, chi tử 8g, nếu đau đầu nhiều gia thiên trúc hoàng 8g, cúc hoa 6g. Ngày uống một thang sắc uống 3 lần uống trước khi ăn.

 - Chứng dương giản do ngoại nhân. Bỗng nhiên ngã lăn ra, mặt tái xanh hoặc trắng nhợt, tay chân co giật, miệng sùi nước rãi, một lúc sau tỉnh lại nhưng bệnh nhân thấy choáng váng, đờm khò khè trong cổ họng, ăn uống sút kém, giấc ngủ không yên, rêu lưỡi trắng, mạch huyền sác. Điều trị: Thanh tâm khư đờm, lý khí hòa trung. Bài thuốc: Thạch liên tử 12g, bán hạ (chế gừng), quất hồng bì, bạch linh, liên kiều, thiên ma, đởm nam tinh, thạch xương bồ đều 8g, chỉ thực, trúc nhự đều 6g, chích thảo 4g. Nếu bệnh nhân ra nhiều mồ hôi gia nhị hồng sâm, sinh địa, mẫu lệ đều 8g, bỏ chỉ thực. Nếu co giật nhiều gia địa long, cương tàm đều 8g, bỏ trúc nhự, chỉ thực. Nếu ngủ kém gia hắc táo nhân 12g bỏ bán hạ.  Ngày một thang, sắc uống 3 lần trước khi ăn.

-Chứng âm giản: Do tỳ vị hư nhược động kinh liên tục, mặt vàng, cơ thể gầy yếu, khi lên cơn tay chân giá lạnh, khi tỉnh dậy thì mệt rã rời, ăn kém ngủ không yên, lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch tế sác. Điều trị: Ích khí, bổ tỳ, nhu can dưỡng huyết. Bài thuốc: Câu đằng, nhị hồng sâm, thiên ma, mạch nha, bạch linh, mẫu lệ (sống) bạch thược đều 8g, chích thảo 4g. Nếu tay chân vô lực, run gia ngưu tất, tang ký sinh 8g, tay chân lạnh gia hắc phụ tử (chế), nhục quế 4g, đại tiện lỏng gia trần bì 6g, can khương 4g. Ngủ kém gia liên nhục, dạ giao đằng 8g.

        Khi bệnh đã khỏi cần ích bổ khí huyết, tăng cường thể chất. Bài thuốc: Đảng sâm, bạch truật đều 12g, bạch linh, bạch thược, quất bì, thiên ma, tang ký sinh đều 8g. Xuyên quy, bán hạ chế 6g, chích thảo 4g. Ngày một thang, sắc uống 3 lần trong ngày sau khi ăn. Có thể cho bệnh nhân uống thêm viên “ Y giản vô song hoàn” hoặc “Bảo nguyên đan”.

         TTND. BS cao cấp Nguyễn Xuân Hướng (nguyên Chủ tịch Hội Đông y VN)

Nguyễn xuân Hướng

BẢN DESKTOP