Dữ liệu y khoa

Chứng can âm hư ở người cao tuổi

  • Tác giả :    TTND.BS cao cấp Nguyễn Xuân Hướng
(khoahocdoisong.vn) - Theo Đông y, thận chứa tinh, can (gan) chứa huyết, khi tinh huyết đầy đủ, điều hòa thì can thận khí đầy đủ, thận khai khiếu ra tai, can khai khiếu ở mắt. Khi còn trẻ, khỏe mạnh can thận tốt thì tai nghe bình thường, mắt nhìn sáng tỏ. Khi tuổi cao tinh huyết suy hao, hai tạng thận và can hư tổn, thận thủy không thanh thị lực yếu kém, tai điếc, mắt nhìn không rõ.

Nguyên nhân sinh bệnh

Chứng can âm hư là một nhóm chứng trạng do âm huyết của can bất túc, làm cho can mất sự nhu nhuận, gân mạch không được nuôi dưỡng, âm không chế được dương, hư nhiệt từ trong sinh ra, mà sinh chứng can âm hư, bệnh phần nhiều do người cao tuổi, ốm lâu ngày, can bị thương tổn, can âm bị sút kém, hoặc do mất máu quá nhiều mà sinh bệnh.

Chứng can âm hư phần nhiều gặp ở người cao tuổi, cơ thể ốm yếu, hoặc ốm lâu ngày điều trị không dứt điểm, hoặc chẩn đoán điều trị không đúng bệnh, làm tổn thương âm dịch. Can là tiên thiên của phụ nữ khi can âm hư thì thường chậm kinh, đau bụng trước khi có kinh, hoặc bế kinh, lượng kinh ít mà thường kéo dài, không thụ thai, hoặc có thụ thai nhưng rồi lại sẩy, hoặc hay động thai.

Can có chức năng tàng huyết, chủ sơ tiết, ưa điều đạt. Tàng huyết dịch là sự thư sướng của khí cơ, là cơ năng có quan hệ mật thiết với can. Khi can âm bất túc, huyết không nuôi dưỡng được can, can khí không thông dẫn đến âm hư can uất, khi mắc chứng can âm hư kéo dài, ngũ chí hóa hỏa càng làm tổn thương can âm. Mặt khác can thận vốn đồng nguyên, bệnh tật thường có ảnh hưởng lẫn nhau, chứng can âm hư dễ dẫn đến chứng can thận âm cùng hư. Do can thận âm cùng hư, thận thủy không hàm được can mộc, làm cho can dương thái quá, dẫn đến can khí vượng. Khi can dương thăng lên không kiềm chế được tinh huyết, làm tinh huyết suy kiệt gân mạch không được nuôi dưỡng mà sinh ra chứng phong (co rút), khi can phong nội động, bệnh tình trở nên bất cập là chứng bệnh thường gặp ở người cao tuổi.

Điều trị theo từng nguyên nhân

- Can âm hư sinh chứng hiếp thống (đau mạng sườn) do can âm hư không nuôi dưỡng được kinh mạch, mạch đi gấp gáp, mạch của can tỏa ra hai mạng sườn, can âm hư huyết ráo không nuôi dưỡng được kinh mạch sinh ra đau. Triệu chứng, hai mạn sườn đau âm ỉ dai dẳng, lưỡi đỏ ít rêu, mạch huyền tế mà sác. Điều trị, dưỡng âm nhu can. Bài thuốc Nhất quán tiễn gồm: Bắc sa sâm 16g, mạch môn 12g, đương qui 12g, sinh địa 12g, kỷ tử 12g, khổ luyện tử 12g. Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày trước khi ăn. Tùy chứng trạng của bệnh nhân có thể nêm gia vị cho thích hợp.

-Can âm hư sinh chứng huyễn vựng (choáng váng), can âm hư thanh khiếu không được nuôi dưỡng. Triệu chứng, đau đầu chóng mặt, hoa mắt, thích nằm nhắm mắt không mở được, tai ù như tiếng ve kêu. Điều trị, tư âm dưỡng can. Bài thuốc Kỷ cúc địa hoàng hoàn: Cẩu kỷ tử 12g, cúc hoa 12g,thục địa 12g, phục linh 10g, sơn thù 6g, hoài sơn 12g, đan bì 8g, trạch tả 10g. Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, sau khi ăn hoặc tán bột làm viên hoàn mật mỗi viên 2g, ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 2 viên.

                                  TTND.BS cao cấp Nguyễn Xuân Hướng

   TTND.BS cao cấp Nguyễn Xuân Hướng

BẢN DESKTOP