Y học và đời sống

Chứng bế khí ở người cao tuổi

Theo Đông y, người ta phải luôn luôn khắc phục khi thời khí thay đổi để cơ thể thông với thần minh. Nếu không  làm được việc đó thì chín khiếu trong cơ thể bị vít lấp, bên ngoài thì cơ nhục bị ủng trệ, làm vệ khí tản mát, sức chống đỡ của cơ thể bị sút kém, bệnh tật trong cơ thể phát sinh.

Cơ chế bệnh

Khi lâm bệnh, huyết với khí đều dồn lên trên là thuộc bệnh đại quyết (xuất huyết não), khi gặp chứng quyết thì bệnh nhân chết đột ngột.

Nhưng nếu khí và huyết trở lại thì sống. Đây là bệnh thuộc loại trúng phong phần nhiều do can khí quá nóng, uất lại mà thăng lên quá mức.

Khí huyết nghịch lên nhưng lại kiêm cả đàm hỏa, làm thanh khiếu bị vít lấp mà bệnh nặng thêm. Chứng này thường do can khí quá uất làm tắc nghẽn kinh mạch nên tính tình nóng nảy, hay tức giận, hay xúc động.

Do khí bế kiêm phong chứng nên tay chân co giật có khi tê  liệt.

Khi điều trị phải khai khiếu khơi thông bế tắc, thông kinh hoạt lạc. Mắc chứng khí bế mà sinh ra các bệnh:

Do khí bế sinh ra trúng phong

Can (gan) khí uất kết, thần minh bị quấy động mà thăng lên đột ngột, kèm theo đàm hỏa, làm thanh khiếu bế tắc.

Triệu chứng: Bệnh nhân đột ngột ngã lăn ra bất tỉnh nhân sự, miệng méo xệch, hai hàm răng cắn chặt, bán thân bất toại, hai tay nắm chặt, tiếng đờm khò khè, vật vã không yên, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch huyền sác.

Điều trị: Khai khiếu thông bế trừ phong hóa đờm. Bài thuốc: “Trấn can tức phong”. Ngưu tất 40g, đại giả thạch 40g, long cốt 20g, huyền sâm 20g, thiên môn 20g, nhân trần 8g, mẫu lệ 20g, qui bản 20g, bạch thược 20g, khổ luyện tử (hạt xoan rừng) 8g, sinh mạch nha 8g, cam thảo 6g.

Cách dùng: Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn.

Do khí bế sinh chứng long bế (bí đái)

Khí mất chức năng túc giáng, thủy đạo không thông, hoặc do thấp nhiệt tích bế ở bàng quang, làm chức năng đóng mở của bàng quang sút kém, dẫn đến không thông mà bí đái.

Triệu chứng: Tiểu tiện không ra hoặc ra từng giọt, bụng dưới căng đầy khó chịu, miệng khát muốn uống nước, có khi sinh ra chứng thở gấp, ho, rêu lưỡi vàng, mạch trầm hoặc sác.

Điều trị: Khai phế khí, thông vít lấp, thanh thấp nhiệt, lợi tiểu.

Bài thuốc: Thanh phế ẩm phối hợp với bài trầm hương tán”. Bạch linh 12g, hoàng cầm 12g, tang bạch bì 12g,  mạch môn 10g, xa tiền tử 10g, chi tử 10g, trạch tả (sao muối) 12g, trầm hương 20g, thạch vĩ 20g, chích thảo 10g, vương bất lưu hành 20g, đông quì tử 12g, hoạt thạch 20g, đương qui 20g, trần bì  10g, bạch  thược 30g.

Cách dùng: Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày. Sắc ngay cho bệnh nhân uống  sau một giờ bệnh nhân sẽ đi tiểu được.

Do khí bế sinh chứng tai ù, tai điếc

Vì tức giận nhiều làm tổn hại can(gan), can khí uất kết lại, đàm hỏa quấy rối thanh khiếu ở trên, làm đường kinh mạch ở tai bị tắc nghẽn mà sinh ra tai ù, tai điếc.

Triệu chứng: Lúc đầu tai ù sau đó điếc dần có khi đau đầu, hoa mắt, miệng đắng tâm phiền ngực đầy khó chịu, đại tiện táo bón, tiểu tiện vàng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác.

Điều trị: Thanh can tiết nhiệt hóa đờm khái bế.

Bài thuốc: “Long đởm tả can thang”. Long đởm thảo 12g, trạch tả (sao muối) 12g, sinh địa 12g, sài hồ 4g, xa  tiền tử 12g, đương qui 8g, thông thảo 6g.

Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày.

Do khí bế sinh chứng đại tiện bí kết

Can khí uất lâu ngày hóa hỏa nhiệt kết lại ở đại tràng, làm kinh mạch tắc nghẽn mất chức năng truyền đạo, cặn bã không tống ra ngoài được mà sinh bệnh.

Triệu chứng: Ợ hơi liên tục, ngực sườn trướng đau, miệng khô bụng trướng đầy, đại tiện bí kết, rêu lưỡi vàng chất lưỡi khô, mạch huyền sác hoặc trầm nhược.

Điều trị: Sơ can hòa vị, lý khí tán kết hành khí thông bế.

Bài  thuốc: “Lục ma thang gia giảm”. Trầm hương 20g, mộc hương 6g, tân lang 10g, ô dược 12g, chỉ xác 8g, đại hoàng 8g. Tùy chứng trạng của bệnh nhân có thể gia thêm một số vị khác cho thích hợp như hắc chi ma (vừng đen).

Cách dùng: Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày uống lúc đói.

TTND. BS cao cấp Nguyễn Xuân Hướng

Nguyên Chủ tịch Hội Đông y VN

BẢN DESKTOP