Dữ liệu y khoa

Chuẩn bị tâm lý trước gây mê phẫu thuật

  • Tác giả : BS Quách Nguyên Hà
(khoahocdoisong.vn) - Can thiệp ngoại khoa luôn là một trong những sự kiện quan trọng đối với một người, đặc biệt với trẻ em là một trải nghiệm vô cùng khác biệt. Trước phẫu thuật, công tác gây mê vô cùng quan trọng. Cha mẹ nên củng cố niềm tin cho con, thay vì truyền cho con nỗi sợ hãi.

Hoảng sợ có thể khiến phải tăng liều thuốc gây mê 

Tùy từng mức độ phát triển tâm sinh lý của trẻ, cha mẹ hãy giải thích với con một cách trung thực nhất về những gì sắp diễn ra, nhưng theo cách tích cực, đơn giản và dễ hiểu. Chẳng hạn như bé cần tiêm, cha mẹ ôn tồn nói với bé rằng, hiện giờ con đang bị đau, con cần phải được bác sĩ tiêm thuốc để hết đau. Tiêm cũng đau đấy, nhưng chỉ chút xíu thôi, không đáng sợ đâu. Đồng thời, hãy tránh nói những điều tiêu cực, mang tính hù dọa trẻ. Ví dụ, lúc trẻ khóc, không dỗ trẻ theo kiểu, con nín ngay không bác sĩ tiêm bây giờ.

Làm tốt công tác tư tưởng cho trẻ sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cả về ngắn hạn và dài hạn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự hoảng sợ trước gây mê phẫu thuật ở trẻ làm tăng liều thuốc cần dùng, tăng tỷ lệ rối loạn hành vi, ảo giác, các cơn ác mộng… sau mổ. Về lâu dài, khi có thể tạo cho trẻ một bầu không khí an tâm và thoải mái trước mổ góp phần giúp trẻ có được một trải nghiệm sống tích cực.

Cung cấp đầy đủ thông tin cho bác sĩ

Khi đưa con tới các cơ sở y tế, cha mẹ cần cung cấp đầy đủ và trung thực về tình hình sức khỏe của con. Thông tin bao gồm: Các tiền sử bệnh tật và tình hình phát triển của trẻ; trẻ sinh có đủ tháng không; có dị ứng thuốc hay thức ăn gì không; có hay bị ốm hoặc mắc các bệnh như cảm, sốt, viêm họng… ; từ sau khi trẻ tập đi, có thường xuất hiện các vết bầm tím khó giải thích hay không. Nếu trẻ đã từng trải qua một cuộc gây mê phẫu thuật nào khác trước đó, cũng cần cung cấp các thông tin có liên quan như nôn, buồn nôn sau mổ, các biến chứng hô hấp, phẫu thuật. Ngoài ra, các tiền sử bệnh tật gia đình với một số bệnh di truyền như: Trong gia đình có người bị chứng động kinh, các bệnh rối loạn đông máu, hemophilia…

Ngay trước mổ, cần kiểm tra lại chiều cao, cân nặng cho trẻ; thông báo cho các y bác sĩ nếu trẻ có các triệu chứng bất thường như ngứa, ho, sốt, chảy nước mũi… mới xuất hiện.

Ngày trước mổ, trẻ cần được tắm rửa sạch sẽ (có thể dùng dung dịch tắm rửa chuyên dụng theo hướng dẫn của điều dưỡng bệnh viện); cắt móng tay, móng chân, nhỏ nước muối sinh lý vào mắt, mũi hoặc với trẻ lớn hơn thì hướng dẫn trẻ tự rửa xì mũi. Với các phẫu thuật ngoài đường tiêu hóa, thường không cần thụt tháo cho trẻ. Trước khi lên phòng mổ, mặc cho trẻ một bộ quần áo khô sạch, bằng chất liệu dễ chịu với da. Với các em bé quá nhỏ, chưa tự ý thức trong việc vệ sinh, cha mẹ nên chuẩn bị thêm bỉm sạch.

Tại sao phải nhịn ăn trước mổ?

Khi gây mê mà trong dạ dày còn chứa thức ăn, nước sẽ làm tăng nguy cơ mất an toàn. Vì nước và thức ăn trong dạ dày có thể trào ngược vào phổi gây biến chứng nguy hiểm về hô hấp, thậm chí tử vong. Hoặc nhẹ hơn cũng có thể gây các biến chứng như nôn, buồn nôn sau mổ thêm trầm trọng. Bởi vậy, việc tuân thủ nhịn ăn, uống trước mổ theo chương trình là một việc vô cùng quan trọng.

Do trẻ em chưa hiểu và ý thức được hết mọi việc, nên cha mẹ cần phối hợp chặt chẽ với nhân viên y tế để kiểm soát ăn uống trước mổ cho trẻ. Tuy nhiên, nhịn ăn uống quá lâu với trẻ đôi khi rất khó khăn và cũng không có lợi cho hồi phục sau mổ. 

Với các bé còn ăn sữa, khuyến cáo lần bú sữa mẹ cuối cùng trước mổ phải cách tối thiểu 4 giờ, sữa công thức là 6 giờ. Các thức ăn đặc, rắn (cơm, cháo, bún) là 6 giờ. Với nước (nước lọc, nước đường, nước hoa quả không bã là 2 giờ. Tuy nhiên, lượng nước được phép uống cũng chỉ được giới hạn không quá 10ml/kg thể trọng của trẻ, tổng tối đa không nhiều hơn 200ml.

BS Quách Nguyên Hà (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

BS Quách Nguyên Hà

BẢN DESKTOP