Y học và đời sống

Chữa tiêu chảy, kiết lỵ bằng thuốc Nam

Chứng tiêu chảy, kiết lỵ thuộc bệnh đường tiêu hóa do nguyên nhân khác nhau. Theo y học cổ truyền phải nắm nguyên tắc: Chữa tiêu chảy dùng các nhóm thuộc lợi thủy thảm thấp, thanh nhiệt, tiêu độc, tiêu đạo hóa tích, thu sáp khu hàn có hư phải bổ. Chữa kiết lỵ dùng loại thuốc thanh thấp nhiệt, tiêu độc, tùy chứng mà kết hợp thuốc thông lợi, cố sáp và bổ.

Ảnh minh họa

– Tiêu chảy do hàn thấp: Có triệu chứng đau bụng lâm dâm, tiêu chảy nhiều nước. Không khát, không sốt, mình lạnh, tiểu trong. Cách chữa: Giải biểu tán hàn chỉ tả bằng bài thuốc sau: Củ giềng 12g, hoắc hương 12g, nụ sim 8g. Cho 300ml nước, sắc còn 100ml chia 2 lần uống, ngày sắc uống hai lần.

– Tiêu chảy do hàn: Rối loạn tiêu hóa đau bụng, đầy bụng, nôn mửa, tiêu chảy. Dùng bài thuốc có công thức: hậu phác 100g, nam mộc hương 100g, bạch đậu khấu 20g, nụ hoa sim 50g, búp ổi 50g. Các vị tán bột dây mịn, đóng gói 10g. Trẻ em tùy uống 2 – 5g/lần. Người lớn 10g/lần. Ngày uống 2 – 3 lần, hãm với nước bột của củ nâu và gừng.

– Tiêu chảy nói chung: Nam mộc hương 100g, sắn dây 150g, hạt dành dành 100g, hoa chuối tiêu 1 cái, lá sắn thuyền 50g. Cách dùng: Mộc hương tán sống, cát căn, chi tử, sắn thuyền sao giòn tán bột; hoa chuối tiêu thái mỏng phơi khô, để một đêm phơi sương, sao giòn, tán bột. Các thứ bột trộn lại, dây mịn, đóng gói 100g. Người lớn 1 gói/ngày chia làm 2 lần uống. Trẻ em tùy tuổi 1/2 gói/ngày chia 2 – 3 lần uống.

–  Kiết lỵ: Dùng bài thuốc gồm nam mộc hương 150g, hậu phác 150g, binh lang 100g, quế chi 50g, cánh hoa hồi 50g. Các vị sao vàng tán bột, có thể luyện hồ làm viên, đóng gói 20g. Người lớn 5 – 10g chia 2 lần uống (bột hãm nước uống, viên uống chiêu nước). Trẻ em tùy tuổi liều bằng 1/3 – 1/3 liều người lớn.

Lương y Hoài Vũ

(Hội Đông y Việt Nam)

BẢN DESKTOP