Ngăn côn trùng đốt chuyển thành mụn
Mụn là bệnh viêm nhiễm nang lông có nung mủ ngoài da do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Trẻ nhỏ bị muỗi, côn trùng đốt khi ngứa gãi gây nhiễm khuẩn thành mụn. Nhiều đứa trẻ có thể bị rất nhiều mụn trên người gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Ở trẻ nhỏ, mụn thường gặp ở đầu, mặt, cổ.
Mùa nào cũng đều có thể bị nhưng nhiều hơn về mùa hè. Khi mới bị xuất hiện trên da một nốt tròn nhỏ, đỏ, dần dần sưng lên và mưng mủ, khi vỡ mủ thì sưng cũng giảm, để lại vết loét sâu đóng vẩy khô.
- Khi trẻ bị muỗi hay cồn trùng đốt, nên bôi thuốc cidemex hoặc flucina lên vết đốt. Thuốc có tác dụng giảm ngứa, tiêu sưng... làm trẻ không có hiện tượng ngứa gãi, ngăn ngừa không bị phát triển thành mụn.
- Khi đã bị mụn: Nếu mụn bị lở loét, cần dùng thuốc sát trùng bôi tại chỗ. Nên dùng dung dịch xanhmetilen hoặc Milian là thuốc sát trùng mạnh và làm khô vết thương để bôi lên mụn sau khi đã rửa sạch bằng dung dịch oxy già.
- Nếu mụn đã đóng vẩy, không nên bóc vẩy gây ảnh hưởng quá trình liền sẹo. Nên dùng các thuốc mỡ kháng sinh như Tetracyclin bôi trên mụn có vẩy, thuốc mỡ sẽ ngấm được qua vẩy.
- Giữ gìn vệ sinh cho trẻ: Rửa tay, cắt móng tay sạch sẽ, tránh để trẻ ngứa gãi nhiều. Có thể dùng nước chè tươi, nước lá bàng để tắm cho trẻ.
- Nên hạn chế đồ ngọt, mỳ chính, không ăn mặn, không ăn đồ cay nóng như ớt, hạt tiêu.... sẽ làm trẻ ngứa gãi nhiều hơn. Nên ăn canh rau cải hoặc canh bí đao...
Chích rạch nhọt dễ nguy hiểm
Nhọt là bệnh gây ra do viêm nang lông cấp tính. Nhọt có thể phát triển nhanh với nhiều triệu chứng toàn thân như sốt, đau nhức nhiều. Khi nhọt chưa vỡ, triệu chứng đau nhức ngày càng tăng, có thể có các triệu chứng toàn thân như sốt, nổi hạch, ớn lạnh, nhức đầu... Khi nhọt vỡ thường có “ngòi” và nhiều máu mủ chảy ra. Nhọt có thể tại nách, mông, lưng, đầu mặt... với nhiều đầu ngòi, dân gian gọi là hậu bối, chân hương...
- Giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ là vấn đề quan trọng để phòng trẻ bị nhọt.
- Khi đã bị, nếu mới mắc nên nhanh chóng dùng cồn iod chấm lên đầu nhọt, có thể làm nhọt không phát triển tiếp. Ngày bôi 2 - 3 lần.
- Nếu nhọt không tan và tiếp tục phát triển, khi nhọt còn xanh không nên nặn bóp hoặc chích rạch có thể gây nguy hiểm. Nên dùng cao “tan” dán trên nhọt để nhọt tiêu đi.
- Khi nhọt đã mưng mủ, có thể dán cao hút mủ hoặc đưa trẻ đến thầy thuốc để được trích rạch tháo mủ.
- Có thể sử dụng kháng sinh để dự phòng bội nhiễm, nhiễm trùng máu và làm cho cụm nhọt bị bao vây lại.
- Ăn uống: Không ăn các thức ăn cay nóng, nên ăn canh rau cải, canh bí đao, hạn chế ăn đường, bánh kẹo...
Ngoài ra, có một số bài thuốc Nam chữa mụn nhọt rất công hiệu:
Bài 1: Kim ngân hoa 30g, liêu kiều 10g, xuyên sơn giáp 10g, tạo giác thích 10g, xích thược 10g, cam thảo 3g. Sắc uống ngày 1 thang. Bài thuốc này áp dụng khi nhọt đã mưng mủ chưa vỡ.
Bài 2: Kinh giới 1 nắm, cắt nhỏ, nước 5 phần sắc còn 2 phần, đợi nguội chia nhiều lần uống.
Bài 3: Hoa kim ngân giã tươi vắt lấy nước 1 bát sắc còn 8 phần rồi uống, bã đắp vào đinh nhọt, rất công hiệu.
TTƯT.BS Quách Tuấn Vinh (Chủ tịch Hội Đông y Hoàn Kiếm, Hà Nội)