Khoa học & Công nghệ

Chữa lành vết thương không dùng thuốc

Từ vết thương nhỏ như đứt tay chân đến các vết bỏng, lở loét lâu ngày không khỏi, mụn nhọt, chàm, nấm… đều có thể khỏi sau một vài lần được chiếu tia plasma. Ít ai dám nghĩ rằng chủ nhân của chiếc máy này là chàng trai – một nhà khoa học cần mẫn với mức lương 4 triệu đồng/tháng đang cặm cụi công tác tại Viện Vật Lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

Về nước để có đất dụng võ

Trong căn phòng nhỏ tại Viện Vật lý, TS Đỗ Hoàng Tùng bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng “màn biểu diễn” trình diễn máy chiếu tia plasma. Với các vết thương ngoài da như vết bỏng, lở loét, mụn nhọt… chỉ cần chiếu tia này vào là khỏi, không cần dùng thuốc.

Tôi cảm thấy khó tin. TS Đỗ Hoàng Tùng liền mở các đoạn phim, tài liệu về các trường hợp bệnh nhân đã được chữa khỏi cho tôi xem. Quả thật là rất khó tin, nhưng là thật. Chiếc máy chiếu tia plasma đã chữa khỏi những vết thương tưởng như không thể chữa được nữa, đã kháng tất cả các loại thuốc kháng sinh.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/do-hoang-tung-300x169.jpg

TS Đỗ Hoàng Tùng.

TS Đỗ Hoàng Tùng trước đây học lớp cử nhân tài năng vật lý của Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2003 thì anh sang Đức làm luận án tiến sĩ. Khi ở Đức, TS Đỗ Hoàng Tùng nghiên cứu về plasma áp suất thấp để chế tạo vật liệu nano.

Do các thiết bị plasma áp suất thấp rất đắt tiền, nên năm 2011, khi về nước, anh chuyển hướng sang nghiên cứu plasma áp suất khí quyển (lạnh), đặc biệt là plasma y sinh. Trước tình trạng kháng kháng sinh của vi sinh vật ngày càng gia tăng gây khó khăn trong điều trị, việc nghiên cứu những ứng dụng có khả năng diệt vi sinh vật thay thế cho kháng sinh là rất quan trọng.

Năm 2001 anh về nước và bắt đầu mày mò một chuyên ngành mới chưa từng được biết đến ở Việt Nam.

“Một chuyên ngành mà chưa có ai làm, mình bắt đầu làm đồng nghĩa với việc “đất dụng võ” cũng nhiều. Thứ nữa, các thiết bị của máy rất đơn giản, rẻ tiền, bản thân có thể tự phát triển được hoặc mua với giá rẻ. Đó là hai điều kiện để tôi quyết định về nước và bắt tay vào làm chuyên ngành này.

Ngay cả đến bây giờ, trên thế giới cũng chỉ có 2 nước sử dụng plasma trong điều trị là Đức và Việt Nam. Thời điểm đó, tôi là người “cắm chiếc cột” đầu tiên để những người khác có thể “dựng lều”, TS Đỗ Hoàng Tùng chia sẻ.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/may-plasma-300x200.jpg

Máy thổi môi trường plasma (sử dụng khí agon) vào vết thương, có tác dụng khử trùng, diệt khuẩn, bao gồm cả các vi khuẩn kháng thuốc.

“Bệnh viện trả về” vẫn khỏi

Chiếc máy phát tia plasma lạnh PlasmaMed mở đầu cho phương pháp điều trị mới trong vết thương hở và da liễu ở Việt Nam. Máy này thổi môi trường plasma (sử dụng khí agon) vào vết thương, có tác dụng khử trùng, diệt khuẩn, bao gồm cả các vi khuẩn kháng thuốc.

Nó làm giảm đau, giảm ngứa và khó chịu tại chỗ, kích thích và tăng tốc làm lành vết thương như tái sinh mô, tăng sinh tế bào, hình thành mạch.

Có những trường hợp bệnh nhân đặc biệt khiến TS Đỗ Hoàng Tùng không thể quên. Đó là tại Bệnh viện Trung ương Huế, một bệnh nhân 55 tuổi bị viêm xương gót chân, vết thương bị nhiễm trùng nặng và kháng tất cả các loại kháng sinh, không còn hy vọng điều trị được bằng các phương pháp thông thường, đã khỏi nhờ chiếu tia plasma.

Phương pháp này cũng đã được thử nghiệm tại các bệnh viện như Chợ Rẫy, Đại học Y Dược TPHCM, Lão khoa T.Ư và đều cho kết quả tốt.

Một bệnh nhân bị bỏng phải điều trị ở Bệnh viện Xanh Pôn, điều trị đến hết tiền vẫn không khỏi nên phải về. Đến khi được điều trị bằng tia plasma thì khỏi hẳn. Hoặc một em bị chàm mãn tính, đã điều trị nhiều nơi, thậm chí ra cả nước ngoài cũng không khỏi. Khi điều trị bằng plasma 8 ngày thì khỏi hẳn.

Rồi trường hợp một bệnh nhân ở Bệnh viện nhân dân Gia Định (TPHCM) có một bệnh nhân bị máy cắt gỗ cứa vào tay. Không hiểu vì lý do gì mà bệnh viện cho dùng tất cả các loại kháng sinh cũng không khỏi. Điều trị bằng tia plasma đến lần thứ 3 thì khỏi hẳn, vết thương lên da non.

Từ các bệnh nhân đó, TS Đỗ Hoàng Tùng có thêm tự tin để tiếp tục nghiên cứu, hướng tới thương mại hóa sản phẩm chứ không phải là “nghiên cứu cho vui”.

Nhược điểm của máy là tia chưa to, rộng, nên những vết thương rộng phải điều trị rất lâu. Ví dụ vết thương 30cm thì phải điều trị đến 10 phút mới hết. Tới đây tôi sẽ cải tiến để tia của máy rộng hơn, rút ngắn được thời gian điều trị hơn nữa”,

TS Đỗ Hoàng Tùng

Chữa mụn cho vợ

TS Đỗ Hoàng Tùng chia sẻ, ở nhà anh cũng có một chiếc máy này. Tôi hỏi dùng để làm gì, anh bảo nó ứng dụng cho nhiều việc lắm. Có thể xử lý các vết chàm, vảy nến, các loại nấm trên da, các loại mụn, trứng cá, loét tiểu đường, loét tì đè… tất cả các vết thương, kể cả vết thương loạn dưỡng thần kinh (máu không nuôi đến phần đó nữa) đều có thể điều trị, làm sạch và diệt khuẩn vết thương.

Các vết côn trùng cắn, kể cả kiến ba khoang, hay các bệnh zona thần kinh, chàm, đều có thể sử dụng tia plasma để chữa trị. Ở nhà, anh cũng sử dụng phương pháp này để diệt khuẩn, diệt virus, diệt nấm, tiệt trùng. Một trong những ứng dụng anh hay dùng nhất là xử lý mụn cho vợ.

“Thi thoảng vợ tôi có mụn trên mặt, hôm gần đây nhất là cô ấy bị một vết giời leo, tôi đều xử lý hết. Chỉ cần chiếu plasma một vài lần là vết thương có thể liền hẳn, không để lại dấu vết gì”, TS Đỗ Hoàng Tùng chia sẻ.

Anh và vợ quen nhau rồi kết hôn khi anh đang du học ở Đức. Vợ anh cũng làm khoa học nên rất thông cảm với công việc của chồng. Anh có điều kiện để nuôi dưỡng đam mê, miệt mài ở phòng thí nghiệm dù mức lương tháng chỉ khoảng 4 triệu đồng. Với TS Đỗ Hoàng Tùng, gia đình là hậu phương vững chắc góp phần không nhỏ vào thành công của anh ngày hôm nay.

Giá điều trị rẻ hơn chục lần

Tùy mức độ vết thương khác nhau mà có thời gian chiếu tia plasma khác nhau, nhưng thông thường chỉ khoảng 15 – 20 giây là đã có thể tiêu diệt hết vi khuẩn. Hiện đã có 20 bệnh viện trên cả nước sử dụng chiếc máy này với số lượng lớn bệnh nhân.

Tia plasma ngoài diệt khuẩn còn kích thích liền nhanh vết thương. Hiện chiếc máy có giá là 1,6 tỉ đồng. Chỉ cần cấp điện cho máy là máy sẽ thổi ra khí plasma. Trong mỗi chiếc máy có một hộp khí agon. Mỗi hộp khí này có thể tạo ra tia plasma để đốt trong khoảng 2h liên tục. Đến giờ đã có khoảng 70 chiếc máy được sản xuất và sử dụng.

Phương pháp chiếu tia plasma chữa trị vết thương giúp chi phí của bệnh nhân giảm từ 8 – 10 lần so với cách điều trị thông thường.

Ví dụ như bệnh nhân bị viêm xương chân đề cập ở trên, nếu điều trị bằng cách truyền thống thì chi phí có thể lên tới 8 – 10 triệu đồng nhưng khi sử dụng phương pháp chiếu plasma chỉ mất 700.000 – 800.000đ. Giá thành 1 phút chạy khí khoảng 20.000 – 30.000đ, tính cả công thay băng của bác sĩ nữa thì có thể cao hơn một chút. Điều quan trọng là bệnh nhân không hề phải dùng thuốc kháng sinh mà lại không hề có tác dụng phụ.

Làm chủ một công nghệ hữu ích là thế, nhiều người hưởng lợi là thế, tôi cứ nghĩ số tiền anh nhận được cũng phải là khá nhiều. Nhưng TS Đỗ Hoàng Tùng cho biết, dù đã áp dụng ở nhiều bệnh viện thì đến giờ vẫn chỉ là thử nghiệm chứ chưa thương mại hóa, nên chưa có tiền.

Tô Hội

BẢN DESKTOP