Dữ liệu y khoa

Chữa hen phế quản bằng Đông y

  • Tác giả : BS Kim Ngân
(khoahocdoisong.vn) - Hen phế quản là bệnh phổi mãn tính với các đặc điểm viêm đường thở đưa đến co thắt đường thở, tăng tiết đờm dãi dẫn đến gia tăng tính phản ứng phế quản, các cơn khó thở hay tái phát. Đường thở ngày càng tắc nghẽn, phù nề, dễ thay đổi khi thời tiết khắc nghiệt hay môi trường sống đột ngột thay đổi, chưa kịp thích nghi.

YHCT coi hen phế quản thuộc phạm vi chứng háo suyễn, đàm ẩm, hay gặp ở người có cơ địa dị ứng. Bệnh xảy ra mãn tính và thường hay tái phát lúc lên cơn hen, thường là chứng thực, ngoài cơn hen là chứng hư, như vậy khi chữa bệnh phải phân biệt rõ hư, thực, cấp hay mãn để xử trí cho thích hợp. Ngoài cơn hen phải chữa về gốc bệnh, tức là điều chỉnh hồi phục lại công năng của trạng tỳ, phế, thận để đề phòng tái phát.

Chữa hen phế quản khi đang có cơn hen. Theo y học cổ truyền, hen phế quản được chia ra làm hai thể hen hàn và hen nhiệt. Hen hàn người lạnh, sắc mặt trắng bệch, đờm loãng, có bọt dễ khạc, không khát nước, thích uống nước nóng, đại tiện nhão, lỏng, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch huyền tế. Bài thuốc: Xạ can 6g, ma hoàng 10g, gừng sống 4g, tế tân 12g, tử uyển 12g, khoản đông hoa 12g, ngũ vị tử 8g, bán hạ chế 8g, đại táo 12g. Tất cả cho vào sắc uống. Đun 3 bát còn 1 bát chắt ra uống lại cho vào đun tiếp nước thứ 2.

Hen nhiệt người nóng bứt rứt, sợ nóng, mặt bừng bừng đỏ, môi đỏ, khô, đờm dính vàng, miệng khát nước, thích uống nước mát, đại tiện táo, lưỡi đỏ, rêu lưỡi dày, mạch hoạt sác. Bài thuốc: Ma hoàng 6g, hạnh nhân 12g, cam thảo 4g, hoàng cầm 12g, tang bạch bì 20g, trúc lịch 20g, bán hạ chế 8g, tất cả cho vào sắc uống ngày 1 thang. Nếu có đờm nhiều thêm xạ can, đinh lịch tử mỗi thứ 10g, nếu có sốt thêm thạch cao 40g.

Chữa hen phế quản khi hết cơn. Để tránh tái phát cơn hen, hoặc có lên cơn hen nhưng lên nhẹ, người ta chữa gốc bệnh, đặc biệt là phục hồi công năng của tạng phế, tỳ và thận.

Phế hư: thường gặp ở người hen phế quản lâu ngày dẫn đến tình trạng khí phế thũng, chức năng hô hấp giảm, thời kỳ đầu của tâm phế mãn tính, Người sợ lạnh, tự ra mồ hôi, tiếng thở và tiếng ho ngắn, gấp gáp, đờm có nhiều và loãng, tiếng nói nhỏ yếu, sắc mặt trắng, vẻ mỏi mệt. Khi bị lạnh dễ bị tái phát cơn hen, ngạt mũi, chảy nước mũi, lưỡi nhợt, rêu mỏng trắng. Hội chứng bệnh trên thuộc phế khí hư. Nếu phế âm hư có ho, thở gấp, ít đờm, miệng khô, họng rát, hâm hấp sốt về chiều, chất lưỡi đỏ ít, rêu lưỡi không có, mạch tế xác dùng bài thuốc: Quế chi 8g, bạch thược 8g, đại táo 12g, gừng 4g, hoàng kỳ 8g, sắc uống ngày 1 thang. Nếu phế khí hư thêm đẳng sâm 16g, ngũ vị tử 12g.

Tỳ hư: Ho đờm nhiều, sắc mặt vàng, mệt mỏi vô lực. Bài thuốc: Bạch truật 12g, đẳng sâm 16g, ý dĩ 16g, hoài sơn 16g, xuyên tiêu 6g, trần bì 8g, bán hạ chế 8g sắc uống ngày 1 thang.

Thận hư: Thận âm hay thận dương hư không nạp được khí. Thận dương hư hơi thở ngắn, gấp, khi vận động càng tăng, hay hồi hộp, ho ra máu, mỏi gối, hoa mắt, chóng mặt, ù tai. Bài thuốc : Thục địa 12g, sơn thù 8g, hoài sơn 12g, trạch tả 6g, phục linh 8g, đan bì 6g, hắc phụ tử 12g, nhục quế 4g, sắc uống ngày 1 thang.

Thận âm hư: Thục địa 16g, sơn thù 8g, hoài sơn 12g, trạch tả 8g, phục linh 8g, đan bì 8g. Có thể thêm ngũ vị tử 8g, mạch môn 8g, sắc uống ngày 1 thang.

BS Kim Ngân (Viện Châm cứu T.Ư)

BS Kim Ngân

BẢN DESKTOP