KINH TẾ

Chưa đến Tết, “chợ pháo” đại náo

  • Tác giả : Thiên Bảo
Còn khoảng hai tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2025, nhưng hiện các loại pháo hoa đã được rao bán rầm rộ trên chợ mạng.

Pháo nào cũng có

Chỉ cần gõ từ khóa “pháo hoa 2025” vào ô tìm kiếm trên Facebook, hàng trăm bài viết rao bán pháo hoa lập tức được hiển thị. Một số hội nhóm như: “Pháo hoa Tết 2025”, “Pháo Tết 2025”, “Pháo hoa Tết 2025 Z121 Bộ Quốc phòng”... rao bán công khai và các thành viên đăng tải các bài viết bán pháo với đa dạng chủng loại.

Vào vai người tìm mua pháo hoa Tết, PV Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống tham gia nhóm “Pháo Tết 2025” và nhận được sự tư vấn nhiệt tình của một chủ tài khoản tên A.L: “Mua loại nào cũng có, pháo nổ giá bán từ 300.000 - 500.000 đồng/bịch (mỗi bịch 100 viên), giàn phun hoa khoảng 480.000 đồng/giàn, giàn phun viên có giá 400.000 - 900.000 đồng/giàn, tùy thuộc vào số lượng giàn là 36 quả, 49 quả... hay 100 quả”.

Pháo hoa Tết đang được rao bán tràn lan trên “chợ mạng”.

Pháo hoa Tết đang được rao bán tràn lan trên “chợ mạng”.

Chủ tài khoản A.L gửi nhiều hình ảnh, clip kèm giá cả. Nếu khách chịu mua số lượng lớn sẽ có giá sỉ và hàng sẽ được chuyển về tận tay chỉ sau 2 - 3 ngày kể từ khi đặt hàng.

Theo những hình ảnh sản phẩm người bán cung cấp, nhiều giàn phun có chữ nước ngoài. Thậm chí, nhiều loại không có nhãn mác. Có nghĩa đây không phải sản phẩm chính hãng của nhà máy Z121 thuộc Bộ Quốc phòng. Giá thành cũng đắt hơn từ 50.000 - 100.000 đồng/giàn so với sản phẩm tương tự của Z121.

“Pháo Z121 chưa có đâu, mà lại phụt không cao và nở hoa đẹp như pháo bên này bán”, chủ tài khoản A.L. mời chào.

Bên cạnh đó, mặc dù chưa rõ có phải là đơn vị kinh doanh pháo hoa thuộc Bộ Quốc phòng theo quy định, nhưng hiện có khá nhiều hội nhóm vẫn “mọc” lên trên chợ mạng, với những cái tên na ná nhau như: “Pháo hoa Tết Z121”, “Pháo hoa Tết 2025 Z121 Bộ Quốc phòng”... để rao bán pháo hoa Z121. Ngoài ảnh chụp sản phẩm, một số người bán còn quay cả video quá trình đốt pháo để tăng sự hấp dẫn khi đăng bài quảng cáo bán hàng.

Cần hiểu rõ để tránh rủi ro pháp lý

Anh Hồ Văn Quốc Dũng (quận 7, TP HCM) cho biết: “Lướt Facebook hoặc Zalo, tôi thấy nhiều người quảng cáo bán đủ loại pháo hoa, thậm chí có cả pháo hoa của Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, việc giá cả không được công khai rõ ràng, chất lượng chỉ được khẳng định qua một vài câu quảng cáo trên mạng xã hội nên khá băn khoăn. Vì vậy, mỗi dịp gần tết, tôi đều tranh thủ tới các cửa hàng được cấp phép để mua nhằm đảm bảo chất lượng và giá thành”.

Theo quy định, chỉ có Nhà máy Z121 của Bộ Quốc phòng mới được phép sản xuất pháo hoa không tiếng nổ. Người dân chỉ được phép mua pháo hoa của Bộ Quốc phòng tại các cửa hàng bán lẻ được cấp phép. Khi mua pháo hoa Bộ Quốc phòng tại đây, người dân sẽ nhận được hóa đơn bán lẻ và cần giữ lại hóa đơn này để xuất trình khi lực lượng chức năng kiểm tra.

Các đối tượng mua bán trái phép pháo và tang vật bị thu giữ. (Nguồn: CA Hà Tĩnh)

Các đối tượng mua bán trái phép pháo và tang vật bị thu giữ. (Nguồn: CA Hà Tĩnh)

Theo các cơ quan chức năng, việc các cá nhân không có giấy phép kinh doanh thông qua các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo... để bán pháo hoa là hành vi vi phạm pháp luật, hoạt động mua bán tự do còn ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt, việc tích trữ pháo hoa trái phép tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về phòng chống cháy nổ.

Luật sư Nguyễn Văn Lập (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết, tại Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo quy định thì việc kinh doanh pháo hoa phải bảo đảm các điều kiện: cá nhân mua và sử dụng pháo hoa chỉ được thực hiện thông qua các đại lý được cấp phép và cửa hàng của Công ty TNHH Một thành viên hóa chất 21 (Nhà máy Z121) thuộc Bộ Quốc phòng.

Các cơ sở kinh doanh được cấp phép mua bán pháo hoa do Nhà máy Z121 sản xuất phải tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn. Các tổ chức, cá nhân không được cấp phép bán loại pháo hoa này không được phép quảng cáo, không được phép thực hiện hành vi bán pháo hoa trên không gian mạng. Do đó, đối với mặt hàng là pháo hoa thì cá nhân, tổ chức khác không được kinh doanh, bao gồm cả việc mua pháo hoa về để rao bán lại.

Trường hợp có hành vi trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép, sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép thì có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng theo quy định tại khoản 3, Điều 3 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP. Ngoài ra, còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

Đến hẹn lại lên, dịp giáp Tết Nguyên đán 2025, số vụ cũng như số lượng tang vật thu giữ đã phản ánh thực trạng gia tăng mạnh của tội phạm buôn bán, vận chuyển trái phép pháo hoa, pháo nổ.

Điển hình, mới đây, Công an huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh, Công an các tỉnh, thành phố Hà Nội, Quảng Ngãi, Gia Lai phá thành công Chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại, cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Trước đó, đầu tháng 10/2024, tại cửa khẩu quốc tế Cha Lo, thuộc xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, lực lượng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện xe đầu kéo nhập cảnh từ Lào vào Việt Nam có giấu 458 hộp hình lập phương và 24 khối hình cầu là pháo hoa nổ, có tổng khối lượng 556,3 kg...

Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố trong cả nước đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng thu giữ 10.650,74 kg pháo nổ các loại.

Thiên Bảo

BẢN DESKTOP