Dữ liệu y khoa

Chữa cảm mạo bằng y học cổ truyền

  • Tác giả : BS Kim Lan
(khoahocdoisong.vn) - Cảm mạo là chứng bệnh hay gặp. Cảm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, không lây thành dịch như cúm. Khi cơ thể yếu, lao động nặng nhọc, mệt mỏi, sức đề kháng giảm mà gặp cơn gió thì dễ bị cảm. Thời gian từ lúc mắc bệnh đến khi khỏi thường ngắn.

Theo quan niệm của YHCT, bệnh thường do ngoại cảm như:  phong hàn, phong nhiệt, do ngồi trong nhà, trong xe ô tô, máy bay…có điều hòa nhiệt độ, khi ra ngoài nhiệt độ thay đổi đột ngột, do tắm lạnh hay ngồi chỗ gió lùa.

Khi bị phong hàn, người không ra mồ hôi, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, hắt hơi, sổ mũi, ngứa họng, nước mũi chảy liên tục, trong và loãng, đôi khi có sốt nhẹ sau đó đau các khớp, các bắp cơ tê mỏi, vận động khó khăn, đau âm ỉ toàn thân, nói tiếng khàn, chân tay lạnh, sợ gió, đi tiểu ít, ăn kém, đắng miệng, họng đau nuốt khó, ngủ chập chờn, bệnh kéo dài trong một tuần.

Nếu bị phong nhiệt, người có sốt, mặt nóng đỏ, bứt rứt, khó chịu, họng khô, đau, thở hơi nóng, môi đỏ do nóng trong, người háo nhiệt, bồn chồn khát nước nhiều, hắt hơi liên tục. Ho có đờm vàng hay trắng đục, đau đầu nhiều ở hai thái dương và vùng trán, người háo, chân tay nóng, đại tiện táo, nước tiểu vàng, đỏ, xẻn.

Cảm do phong hàn hay phong nhiệt cũng làm cho chính khí kém, tà khí (phong tà hay nhiệt độc) xâm phạm vào cơ thể qua lỗ chân lông và các huyệt vị lúc đó đang mở, gây nên bế tắc sự lưu thông khí huyết, rối loạn chức năng hoạt động của các tạng phủ và kinh lạc, làm mất thăng bằng cân đối âm dương trong cơ thể sinh ra bệnh.

*Đánh gió: Là cách chữa đơn giản, tiện lợi, nhanh nhất và tự gia đình bệnh nhân có thể làm được. Dùng đồng bạc hoa xòe của người Thái là tốt nhất vì nó có tỷ lệ bạc cao, nếu không có dùng đồng xu bằng bạc hay cái thìa bạc đều được. Lấy lòng trắng trứng gà đã luộc đem bọc với đồng bạc, nếu không có thì dùng tóc rối, giã gừng tươi tẩm với rượu đem đánh với đồng bạc.

Để bệnh nhân nằm sấp, hai tay xuôi, lấy đồng bạc và các vị trên cho vào miếng gạc hay khăn mềm đánh gió từ cổ xuống thắt lưng, dọc cột sống và hai bên cơ thăn của người bệnh, sau đó đánh gió cả hai bên sườn, phía bụng ngực, 2 lòng bàn tay và 2 bàn chân, 2 bên gáy và 2 thái dương, thời gian đánh gió khoảng 15 phút. Đánh gió đến đâu vùng da đỏ lên đến đó, càng đỏ chứng tỏ bệnh càng nặng. Đánh gió xong đồng bạc từ màu trắng sẽ chuyển sang màu đen, bệnh nhân thấy dễ chịu, mồ hôi ra được đến đâu nhẹ người đến đó.

Sau khi đánh gió, để bệnh nhân nằm nghỉ ngơi chỗ kín gió, cho uống cốc nước đường nóng. Không cho bệnh nhân ngồi dậy ngay và đi lại, bệnh nhân dễ đột quỵ vì lúc đó huyết áp tụt do mồ hôi ra nhiều, mất nước và điện giải. Hiểu theo Đông y, khi đánh gió làm cho tà khí trong cơ thể thoát ra ngoài qua lỗ chân lông và huyệt vị, vì thế cách này còn được gọi là phương pháp hãm giải biểu. Tà khí là những khí độc trong cơ thể thoát ra ngoài theo mồ hôi, các chất độc này làm thay đổi màu của đồng bạc.

*Nồi nước xông: Lấy những cây có tinh dầu như lá tre, lá bưởi, hương nhu, cúc tần, tía tô, kinh giới, lá chanh, lá sả…mỗi thứ một nắm lá tươi, rửa sạch cho vào nồi, đổ nước ngập lá thuốc, đun sôi 5 phút bắc ra để cạnh bệnh nhân, lấy chăn chùm kín, mở dần nắp ra cho nhiệt thoát dần từ nồi xông. Dùng chiếc đũa ngoáy nồi xông để hơi nóng bốc ra và tinh dầu tỏa vào mặt, vào người độ 10 phút. Người bệnh toát mồ hôi, nhẹ nhõm toàn thân, dễ chịu, đỡ đau đầu ngay, mũi thông dễ thở, hết chảy nước mũi. Xông xong lau khô người, thay quần áo, nằm nghỉ ngơi.

Chú ý: Không xông lâu vì ra mồ hôi nhiều sẽ tiêu hao vệ khí, giảm sức đề kháng. Nếu sau khi xông mồ hôi ra không cầm, hết sốt rồi cần dùng ngay 2g thuốc nhân sâm để cầm mồ hôi.

*Cháo giải cảm: Hành tăm cả rễ 20g, gừng tươi 5 lát, tía tô một ít, gạo tẻ 50g, gạo nếp 10g. Hành, gừng, tía tô rửa sạch, thái nhỏ để sẵn trong bát. Gạo nấu thành cháo, sau khi cháo chín nêm gia vị đổ ra bát ăn nóng trong ngày. Nếu có trứng gà đập vào 1 quả càng ngon và đủ dinh dưỡng.

BS Kim Lan (nguyên bác sĩ Viện Châm cứu TƯ)

BS Kim Lan

BẢN DESKTOP