TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), nhấn mạnh hành trình 65 năm ra đời và phát triển của Khoa học và Đời sống (KH&ĐS) nhân sự kiện kỷ niệm ngày phát hành số báo đầu tiên (30/9/1959 - 30/9/2023).
Điều những người làm báo KH&ĐS tự hào nhất là được những nhà khoa học tiền bối tâm huyết với sự nghiệp mở mang dân trí, xây dựng và phát triển tờ báo từ những ngày đầu tiên. Chủ tịch cùng quan điểm này?
Từ khi thành lập, ngày 30/9/1959, Báo Khoa học Thường thức, từ tháng 01/1977, là Báo KH&ĐS, đã tập trung phổ biến kiến thức nhằm giúp người dân sống khoa học, khỏe mạnh, làm kinh tế tốt. Những lãnh đạo thời kỳ đầu của Báo là các nhà khoa học hàng đầu như Giáo sư Nguyễn Xiển, Giáo sư Lê Khắc, Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa…, đã đặt những viên gạch hồng làm nền móng vững chắc cho sự phát triển hôm nay, góp phần thúc đẩy sự phát triển khoa học, công nghệ nước nhà.
65 năm phấn đấu và trưởng thành, bên cạnh niềm tin yêu của bạn đọc, KH&ĐS luôn có sự đồng hành của đội ngũ nhà khoa học giỏi chuyên môn, tâm huyết với nghề, trách nhiệm cao với xã hội trong việc phổ biến kiến thức về khoa học, đời sống mà mục đích cuối cùng chính là vì dân, vì nước.
Có thể nói, trong rất nhiều thành công đã đạt được trên hành trình dài chuyển tải thông điệp “Tri thức là sức mạnh”, làm cho từng cá nhân, đến cộng đồng và cả một dân tộc có sức mạnh nhờ tri thức, điều những người làm báo KH&ĐS tự hào nhất là được các nhà khoa học tiền bối tâm huyết với sự nghiệp mở mang dân trí, xây dựng và phát triển tờ báo từ ngày đầu tiên. Đây có thể nói vừa là may mắn, vừa là truyền thống quý báu, mang đặc trưng riêng của KH&ĐS.
Phát huy truyền thống đó, đến nay, Báo vẫn nhận được sự quan tâm, đồng hành của đội ngũ nhà khoa học hàng đầu đất nước, thậm chí nổi tiếng trên thế giới, gắn liền nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, tư vấn, giám định và phản biện xã hội..., góp phần phát triển nền kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế thời công nghệ 4.0.
VUSTA có chủ trương gì phát triển thương hiệu KH&ĐS khi đây là một trong những tờ báo có thâm niên lâu đời trong hệ thống báo chí Cách mạng Việt Nam, gắn liền đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ?
65 năm là “độ tuổi” chín muồi mở ra một hành trình mới, vận thế mới, tầm vóc mới! Chúng ta tự hào nhìn lại một chặng đường vẻ vang đã qua nhưng cũng không quên chuẩn bị kỹ hành trang cho những bước đi sắp tới. Dưới tác động mạnh mẽ của khoa học, công nghệ đang thay đổi chóng mặt từng ngày, từng giờ, tư duy và quy trình làm Báo sẽ thay đổi, chân dung bạn đọc cũng thay đổi, cách tiếp nhận thông tin càng thay đổi… Nhưng có một điều không thể thay đổi là KH&ĐS phải tiếp tục gắn bó chặt chẽ với đội ngũ nhà khoa học, làm cầu nối đưa tri thức của tầng lớp tinh hoa đến đông đảo quần chúng Nhân dân.
Con người là nhân tố quyết định. Đầu tư cho con người là tập trung xây dựng đội ngũ nhà báo trẻ trung, năng động, “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, giỏi ngoại ngữ và công nghệ, có thể tác nghiệp ở môi trường quốc tế. Đó còn là sự đầu tư mạnh mẽ để Báo có sự đồng hành của đội ngũ nhà khoa học giỏi ở cả trong nước và trên thế giới, trong đó có những nhà khoa học không phải người Việt. Bởi, trong một thế giới phẳng của thời đại công nghệ 4.0, tri thức không chỉ bó trong biên giới của một quốc gia, dân tộc.
KH&ĐS là một trong những tờ báo có thâm niên lâu đời trong hệ thống báo chí Cách mạng Việt Nam. Theo đề nghị của lãnh đạo Báo, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, với vai trò là cơ quan chủ quản, đang xem xét việc đổi mới hoạt động của Báo nhằm phát triển của một thương hiệu báo chí mạnh, lấy đó làm nền tảng để bứt phá trong thời kỳ báo chí số.
Tiên phong trên lĩnh vực khoa học, công nghệ, KH&ĐS đương nhiên phải đầu tư cho công nghệ, với mô hình tòa soạn hội tụ “All in one” - “Tất cả trong một”, gồm báo điện tử, ấn phẩm giấy, các chuyên trang. Báo phải đa dạng loại hình sản phẩm, đầu tư cho chiều sâu, cũng như thêm nhiều kênh phát hành trên mạng xã hội để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến kiến thức, tư vấn, giám định và phản biện xã hội..., góp phần thúc đẩy Việt Nam hùng cường trong khu vực và thế giới.
Báo chí, nhà báo phải thể hiện được chính nghĩa, phản ánh "dòng chảy chính" của xã hội, đất nước, phải "phò chính, diệt tà". Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều thông tin xám về vai trò của lực lượng này…, nguyên nhân do đâu?
Báo chí ở nước ta là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và diễn đàn của Nhân dân. Báo chí phải xác định rõ “Nói cho ai nghe? Viết cho ai xem? Viết để làm gì?”, phản ánh “dòng chảy chính” của xã hội, đất nước trên cơ sở phục vụ lợi ích của Nhân dân. Chính vì thế, các nhà báo mới cần có “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”.
Nhìn một cách toàn diện trong thời gian dài, báo chí có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội. Nhiều nhà báo không quản ngại gian lao, vất vả, thậm chí hy sinh trong thiên tai, dịch họa để làm tròn nhiệm vụ của người chiến sĩ trên mặt trận thông tin. Tuy nhiên, thời gian gần đây, những vụ việc tiêu cực được chia sẻ nhiều trên báo chí, mạng xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến “thông tin màu xám” về báo chí, trong đó có thực trạng một bộ phận người làm báo “bẻ cong ngòi bút”, bôi đen, tô hồng khi tác nghiệp, dọa dẫm doanh nghiệp nhằm tư lợi bất chính.
Chạy theo thương mại hóa báo chí, hướng tới những câu chuyện giật gân, câu khách, đua với mạng xã hội câu view, câu like, mà quên đi đạo đức của người làm báo với tinh thần “phò chính, diệt tà”… Chủ đề tiêu cực được không ít nhà báo lạm dụng dẫn đến bức tranh xã hội bị phản ánh méo mó. Đây là những hành động phải bị lên án mạnh mẽ và làm quyết liệt, tránh tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”.
Công nghệ sẽ định hình lại báo chí. Yêu cầu đặt ra với cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí trong thời đại công nghệ số là gì?
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội Phổ biến Khoa học, Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu những quan điểm về tầm quan trọng của khoa học, công nghệ đối với năng suất lao động. Người cho rằng: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của Nhân dân”.
Người khẳng định, nhiệm vụ của khoa học, kỹ thuật rất quan trọng, nên mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác này để nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất.
Làm theo lời dạy của Bác, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách huy động, khuyến khích đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ trong những lĩnh vực đời sống, trong đó có báo chí.
Chúng ta thấy rất rõ, ở cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư này, với những phát minh như Internet vạn vật, Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Điện toán đám mây…, công nghệ làm báo đã thay đổi rất nhiều so với truyền thống.
Giờ đây, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh trên tay, độc giả có thể đọc báo (text), xem báo (video, hình ảnh, đồ họa), nghe báo (audio). Mỗi cá nhân có thể tương tác trực tiếp với tác giả bài viết, với độc giả khác hay chính nhân vật trong bài. Kênh phát hành báo chí cũng không còn phụ thuộc cách làm truyền thống như báo in, mà qua rất nhiều hướng trên mạng xã hội, các app…
Công nghệ đã và đang tác động, định hình lại báo chí. Vì thế, yêu cầu đặt ra với cơ quan chủ quản và cả tòa soạn là phải chuyển đổi số thành công. Đó không chỉ đơn thuần là đưa dữ liệu báo in lên mạng, mà là sự chuyển đổi thực sự về “tư duy số”, “con người số”, “tòa soạn số”... Nói cách khác, đó là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của từng cá nhân nhà báo đến tòa soạn về tư duy, cách làm việc, phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Trong đó, vai trò của con người là quan trọng nhất, mang tính quyết định.
Chủ tịch dự báo thế nào về xu hướng phát triển KHCN cuối năm 2023, đầu năm 2024?
Sự hội tụ của lĩnh vực nghiên cứu khoa học và các ứng dụng công nghệ khác nhau đang làm cho việc sử dụng thiết bị công nghệ mới trở nên nhanh, khả thi, thiết thực và hữu ích hơn. Chẳng hạn, Trí tuệ nhân tạo, truyền thông tốc độ cao và công nghệ sinh học sẽ được tăng cường nhờ hiểu biết ngày càng nhiều hơn về xã hội và hành vi để cho phép tạo đột phá. Khi kết hợp với nhau, các nền tảng công nghệ có thể tạo cơ sở cho đổi mới sáng tạo đang diễn ra nhanh chóng, đồng thời hạ thấp những rào cản khi gia nhập thị trường.
Công nghệ và ứng dụng ra đời từ hoạt động nghiên cứu và phát triển sẽ nhanh chóng được áp dụng ở hầu hết khu vực trên thế giới, cho phép ngay cả các nước đang phát triển cũng tận dụng tiến bộ cốt lõi mới nhất, phát triển ứng dụng toàn cầu trong lĩnh vực thích hợp hoặc đóng góp vào chuỗi cung ứng của nền kinh tế tiên tiến hơn.
Chính phủ nhiều nước sẽ tìm cách tăng tốc và khai thác quá trình này, tài trợ cho những nỗ lực trọng tâm, chẳng hạn giải pháp cụm công nghệ hoặc vườn ươm công nghệ sinh học mới, để gia tăng cạnh tranh.
Trong lĩnh vực báo chí, công nghệ AI có thể được các tòa soạn, đặc biệt là báo điện tử, tận dụng tối đa ở quy trình sản xuất nội dung, cũng như hoạt động quản trị. Sản phẩm báo chí sẽ tiếp tục được đa dạng hóa với sự góp sức của khoa học, công nghệ. Đây vừa là cơ hội cho KH&ĐS - tờ báo gắn liền đội ngũ khoa học hùng mạnh - nhưng cũng vừa là thách thức trong quá trình tự đổi mới để vươn lên.
Xin cảm ơn Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng.
3 nhà khoa học lớn là Chủ nhiệm đầu tiên của Khoa học và Đời sống
* Chủ nhiệm đầu tiên là Giáo sư Nguyễn Xiển. Ông Nguyễn Xiển đỗ đầu Tú tài năm 1927, được cấp học bổng sang Pháp học. Ông có 3 bằng Cử nhân: Toán vi phân, tích phân; Toán đại cương, Cơ học; sau đó là bằng Cử nhân hạng tối ưu về Vật lý. Khi về nước, ông không làm quan hưởng “lương cao bổng hậu” theo đề nghị của Chính phủ Nam triều ở Huế, mà ra Hà Nội dạy học. Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân mời ông hợp tác với chính quyền cách mạng, ông đã nhận lời.
Ngày 18/5/1963, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Xiển, Đại biểu Quốc hội; Phó Chủ tịch Quốc hội; Giám đốc Nha Khí tượng Việt Nam; Tổng thư ký Đảng Xã hội; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được bầu là Chủ tịch Hội phổ biến Khoa học kỹ thuật Việt Nam; kiêm Chủ nhiệm đầu tiên của Báo Khoa học thường thức. Ông là nhà khoa học đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996.
* Chủ nhiệm thứ hai là Giáo sư Lê Khắc. Ông nguyên là Chủ nhiệm đầu tiên của Tổng cục Đường sắt Việt Nam. Tháng 2/1980, ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Ông cũng được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và là Đại biểu Quốc hội khóa VII. Ông làm chủ nhiệm Báo Khoa học thường thức từ năm 1971 - 1976.
* Chủ nhiệm thứ ba là GS.VS Trần Đại Nghĩa (tên thật là Phạm Quang Lễ - sinh ngày 13/9/1913). Ông được học bổng sang Pháp du học năm 1935; tốt nghiệp và cùng lúc nhận cả ba bằng đại học. Sau đó, ông học tiếp, nhận thêm bằng kỹ sư hàng không và kỹ sư mỏ.
Sau khi tốt nghiệp, ông ở lại Pháp làm việc đồng thời tiếp tục tự nghiên cứu chế tạo vũ khí - ngành và lĩnh vực mà chính quyền Pháp cấm tuyệt đối không dạy cho sinh viên nước ngoài, đặc biệt là các nước thuộc địa.
Năm 1942, ông sang Đức làm việc tại xưởng chế tạo máy bay và Viện nghiên cứu vũ khí. Tháng 5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp thương thuyết với Bộ trưởng thuộc địa Pháp. Với lòng yêu nước thiết tha, ông đã cùng kỹ sư luyện kim Võ Quý Huân, bác sĩ Tai - Mũi - Họng Trần Hữu Tước từ bỏ cuộc sống giàu sang, lương bổng lớn theo Bác Hồ trở về Tổ quốc để tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ông từng giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam. Ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I, được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô và là Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, kiêm Chủ nhiệm báo KH&ĐS.